Ngày 31/12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) cùng 12 đạo luật khác. Đạo luật mới thể hiện sự đồng thuận cao giữa Chính quyền và Quốc hội Mỹ trong việc xử lý những thách thức an ninh của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. ARIA được coi là một phần trong loạt biện pháp của Mỹ nhằm ứng phó với những thách thức từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á
Một số nét cơ bản về ARIA
Đạo luật ARIA do Thượng nghị sĩ Cory Gardner đề xuất tại Thượng viện tháng 4/2018 và được một số thượng nghị sĩ bảo trợ, trong đó có Thượng nghị sỹ Marco Rubio và Todd Young thuộc đảng Cộng hòa, Thượng nghị sỹ Ben Cardin và Ed Markey thuộc đảng Dân chủ. ARIA đã được Thượng viện thông qua vào ngày 4/12 và được Hạ viện phê chuẩn ngày 12/12. Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi lời cám ơn tới Quốc hội và Tổng thống Mỹ vì đã ký thông qua đạo luật ARIA nhằm cho phép Mỹ tăng cường hợp tác và duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Đài Loan trong những năm tới.
ARIA là phiên bản châu Á của Sáng kiến Trấn an châu Âu (tháng 6/2014, sau đó đổi tên thành Sáng kiến Ngăn chặn ở châu Âu) và tiếp nối Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (tháng 8/2017, CAATSA). Điểm khác biệt là ARIA coi trọng các biện pháp chính trị, ngoại giao, đề cao tăng cường mạng lưới đồng minh, đối tác cả song phương và đa phương, cam kết tài chính cụ thể: ARIA nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực chống ảnh hưởng của Trung Quốc phương hại hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, nhất là ở Biển Đông, vấn đề vi phạm bản quyền và an ninh mạng, nhưng cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc. ARIA cũng nêu nguy cơ hạt nhân Triều Tiên, khủng bố ở Đông Nam Á, đồng thời khuyến khích hợp tác kinh tế, thương mại, xuất khẩu năng lượng, thúc đẩy nhân quyền. Quốc hội Mỹ cũng đã cam kết chi 1,5 tỷ USD từ 2019 – 2023, ưu tiên hỗ trợ đồng minh, khôi phục hợp tác Nhóm Bộ tứ sau 10 năm, trong đó coi Ấn Độ là “đối tác quốc phòng chính”; tái khẳng định cơ sở pháp lý quan hệ với Đài Loan qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, Sáu Đảm bảo của Reagan, Đạo luật Thăm Đài Loan; kiến nghị chính quyền đàm phán một khuôn khổ can dự kinh tế toàn diện với ASEAN, chú trọng hợp tác nâng cao năng lực giám sát biển, không để Trung Quốc thao túng đàm phán COC ở Biển Đông. Đạo luật mới cũng cam kết tiếp tục triển khai sáng kiến hạ nguồn sông Mekong về môi trường, giáo dục, y tế, hạ tầng.
Với Việt Nam, Đạo luật mới tái khẳng định tất cả các văn kiện hợp tác quan trọng song phương như tuyên bố về Đối tác Toàn diện năm 2013, tuyên bố về tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng 2015, tuyên bố tầm nhìn chung năm 2017.
Với Đài Loan, ARIA đặc biệt nhấn mạnh đến việc thường xuyên bán vũ khí phòng ngự cho Đài Loan, để Đài Bắc có đủ phương tiện đề kháng trước các đe dọa trong hiện tại và tương lai từ phía Trung Quốc; ARIA cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ khuyến khích các quan chức cao cấp Mỹ tới Đài Loan, thể theo luật “Taiwan Travel Act” được Quốc Hội Mỹ thông qua hồi cuối tháng 2/2018. Ngoài ra, đạo luật cũng cho rằng tổng thống nên tiến hành “chuyển giao thường xuyên các thông tin quốc phòng cho Đài Loan để ứng phó với các mối đe dọa hiện hữu và có thể xảy ra trong tương lai từ Trung Quốc”.
Về vấn đề Biển Đông, ARIA sẽ cho phép Mỹ thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á (đặc biệt trong việc nâng cao an ninh hàng hải và huấn luyện quân sự của các nước Đông Nam Á), tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, nhất là việc thực hiện các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Về vấn đề sở hữu trí tuệ và gián điệp thương mại, ARIA cho rằng Tổng thống nên “tăng cường thực thi luật sở hữu trí tuệ của Mỹ và coi đây là ưu tiên hàng đầu, đồng thời có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn và trừng phạt” những hành vi vi phạm.
Phản ứng của Trung Quốc
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ARIA, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (02/1) đã lên án Washington thông qua đạo luật trên, cho rằng Mỹ đang cổ vũ cho việc siết chặt các quan hệ chính trị và an ninh với Đài Loan. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng ARIA đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, xâm phạm đến “ lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, cũng như “tình cảm của nhân dân Trung Quốc”; đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi Washington không áp dụng các nội dung liên quan đến Đài Loan trong đạo luật ARIA và xử lý vấn đề Đài Loan một cách thận trọng, để không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung nói chung, hòa bình và ổn định hai bên bờ eo biển Đài Loan nói riêng. Đáng chú ý, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (02/1) đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó ngầm chỉ trích, lên án Mỹ khi tìm cách can dự vào vấn đề Đài Loan. Ông Tập Cận Bình cho rằng “không ai có thể thay đổi thực tế rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và Bắc Kinh luôn duy trì quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại các lực lượng nước ngoài can thiệp vào nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng hòa bình cũng như những hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Bắc”. Theo ông Tập, việc Đài Loan trở về với Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” là phương án tốt nhất để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân hòn đảo này.
Trái ngược với Trung Quốc, Đài Loan thể hiện thái độ tích cực, nhiệt liệt hoan ngênh ARIA. Đại diện Đài Loan tại Mỹ Stanley Kao (1/1) đã ca ngợi quan hệ Mỹ -Đài tốt đẹp chưa từng thấy từ 40 năm nay, đồng thời hoan nghênh các điều khoản trong đạo luật, tái khẳng định sẽ siết chặt quan hệ song phương đặc biệt Mỹ – Đài về mọi mặt, kinh tế – thương mại, công nghệ – khoa học, an ninh, quốc phòng.
Dư luận liên quan:
Việc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cùng nhất trí thông qua ARIA là thông điệp của Mỹ cảnh báo với Trung Quốc rằng không chỉ hai đảng Cộng hòa – Dân chủ mà cả Quốc hội với Chính quyền Mỹ có sự đồng thuận và quyết tâm cao về cạnh tranh chiến lược toàn diện, trên thế mạnh, vì một trật tự dựa trên luật lệ; trấn an với đồng minh, đối tác bằng cam kết hỗ trợ, hợp tác lâu dài, nghiêm túc, đáng tin cậy. Ngoài ra, việc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đạt được nhất trí chung về ARIA còn thể hiện cam kết nỗ lực không để chính sách của Chính quyền Donald Trump dao động, chệch hướng “cực đoan”, phương hại đến uy tín và lợi ích quốc gia của Mỹ. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng việc Tổng thống Donald Trump ký ARIA cùng 12 đạo luật khác trong ngày cuối cùng của năm 2018 có thể nhằm lấy lòng Quốc hội ngay trước thềm nhiệm kỳ mới. Về các điều khoản trong ARIA, có một số ý kiến cho rằng ARIA quá tập trung vào an ninh, mà giảm nhẹ mất một số phần quan trọng khác về phát triển.
Theo giới quan sát, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban ARIA là dấu hiệu chứng tỏ Mỹ muốn duy trì các đồng minh trong khu vực cũng như thuyết phục họ đối phó với Trung Quốc nếu cần. Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng bất chấp sự lắng dịu căng thẳng thời gian gần đây, phạm vi bao trùm toàn khu vực của ARIA chứng tỏ “chúng ta sẽ thấy tác động dần dần (của đạo luật này) đối với sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á”, đồng thời nhận định không thể đánh giá thấp khả năng đạo luật này góp phần làm sâu sắc thêm sự đối đầu Mỹ-Trung, kể cả trong trường hợp chính quyền Tổng thống Trump không thực sự thực thi đạo luật này; nhấn mạnh thời gian tới, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức để chống lại sức ép từ phía Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực.
Trong khi đó, Giám đốc công ty nghiên cứu có tên Complete Intelligence Tony Nash cho rằng việc ký kết ARIA đồng nghĩa với việc “Mỹ có bạn bè” và “những người bạn này không nhất thiết dựa trên cam kết cho vay hàng tỷ USD, mà dựa trên cam kết chính trị, kinh tế và quân sự. Điều này cho thấy thực tế trái ngược so với các mối quan hệ giao dịch mà Trung Quốc xây dựng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Tuy vậy, ông Nash cho rằng, đạo luật ARIA được Mỹ thông qua không phải là chiến thuật để gây sức ép buộc Trung Quốc đưa ra nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới. Trang tin Nikkei của Nhật Bản cũng có cái nhìn tương tự khi cho rằng ARIA dường như nhắm mục tiêu tới việc giữ cho Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn đồng thuận trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trước khi tới hạn chót vào ngày 1/3.
Hiệu quả của ARIA
Giới chuyên gia cho rằng xét trong nội bộ nước Mỹ, Quốc hội dường như cũng muốn sử dụng ARIA để phần nào gửi cảnh báo tới Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại rằng ông Donald Trump có thể tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc. Tổng thống Trump có xu hướng đưa ra những quyết định đơn phương đi ngược lại với những nỗ lực của chính quyền Mỹ và tuyên bố rút lực lượng quân sự Mỹ khỏi Syria gần đây là bằng chứng cho điều này.
Không những vậy, trong bối cảnh hiện nay, ARIA hướng tới việc củng cố vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bằng cách dùng 1,5 tỷ USD hàng năm trong 5 năm tiếp theo nhằm tăng cường các mối quan hệ chiến lược, kinh tế và ngoại giao của Mỹ. Giới chuyên gia nhận định, ít nhất ARIA đã thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với các nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng COC nhằm tránh xảy ra xung đột trên Biển Đông, đồng thời bảo đảm các lợi ích hàng hải của ASEAN. Thông qua đạo luật, Quốc hội Mỹ dường như muốn cẩn trọng hơn, tránh để Trung Quốc “lái” COC theo ý mình. Ngoài ra, ARIA sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ thực hiện cam kết bảo vệ an ninh cho các nước đồng minh, thúc đẩy buôn bán vũ khí cho các nước đồng minh và đối tác. Quan trọng hơn, ARIA sẽ là cơ sở quan trọng để Mỹ triển khai các biện pháp kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực; hạn chế và buộc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là liên quan vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định ARIA không phải là một chiến lược mới của Mỹ. Thực tế là dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama, chiến lược “xoay trục” và “tái cân bằng” cũng theo đuổi những mục tiêu tương tự nhưng đã không được tiến hành ngoại trừ việc Hải quân Mỹ triển khai lực lượng ở St.Darwin, Australia. Bên cạnh đó, diễn đàn Đối thoại An ninh Bốn bên dù được thành lập (11/11/2017) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhưng lại không thiết lập được một thể chế chính thức. Ngoài ra, thông báo gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc cung cấp 100 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương dường như không là gì so với con số hơn 80 tỷ USD mà Trung Quốc đã đầu tư cho các dự án Vành đai Con đường trong 5 năm qua. Vì vậy, để Mỹ thực sự triển khai các biện pháp đối phó hiệu quả với Trung Quốc là rất khó khăn.