Bộ Tài nguyên Trung Quốc (1/1) thông báo Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc khảo sát để xác định thêm các khu vực nơi san hô sẽ được bảo vệ và khôi phục sử dụng phương pháp “khôi phục tự nhiên” để giúp các rạn san hô tự hồi phục, được bổ trợ bằng các phương pháp nhân tạo, và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt cho Trường Sa. Theo đó, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở bảo vệ và khôi phục san hô trên các bãi Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đồng thời khẳng định hoạt động trên bước đầu đã giúp khôi phục hệ sinh thái ở các vùng biển xung quanh Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.
San hô không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong kinh tế, du lịch, y học, thực phẩm mà còn đóng vai trò chắn sóng, chống xói mòn bờ biển và là một mắt xích quan trọng việc cân bằng hệ sinh thái biển. Chúng là nơi cung cấp thức ăn và nơi ẩn náu cho nhiều loài sinh vật biển. Có hơn 6.500 loài sinh vật biển phụ thuộc vào các rạn san hô này, trong đó có tới 571 loài (hơn phân nửa số loài san hô sống trên đá ngầm) đến nay được biết trên thế giới. Ước tính có khoảng 25% tổng số loại cá biển được tìm thấy trong các rạn san hô và 10% trong số đó được được sử dụng để tạo ra chế phẩm phục vụ cho con người. Vì thế, thủy sản sống cạnh san hô là nguồn cung cấp chất đạm cho người dân ở các quốc gia nằm ven biển, ước tính cứ khoảng 1km2 diện tích san hô có thể cung cấp chất đạm cho hơn 300 người..
Trung Quốc là nước phá hủy hệ sinh thái ở Biển Đông
Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải tạo phi pháp quy mô lớn 7 bãi đá ngầm Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thành các đảo nhân tạo. Đến giữa năm 2015, Trung Quốc tiếp tục tiến hành cải tạo phi pháp đảo Phú Lâm, Duy Mộng và Quang Hòa (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép năm 1956 và 1974). Trong quá trình cải tạo phi pháp, Trung Quốc đã sử dụng các máy hút bùn công suất lớn, nạo vét các rặng san hô xung quanh để tạo thành các đảo nhân tạo. Sau đó, Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo, biến khu vực này thành những căn cứ quân sự kiên cố của Bắc Kinh. Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ môi trường sinh thái xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2 san hô. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo Giáo sư Edgado Gomez (Philippines) ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài. Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua; hiện ở Biển Đông có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950 và quá trình phục hồi các nguồn cá ở Biển Đông hiện nay rất thấp.
Ngoài ra, cùng với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và đưa lượng lớn binh lính ra đồn trú phi pháp ở Biển Đông cũng gián tiếp tác động, phá hủy môi trường sinh thái. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.
Khả năng khôi phục của hệ sinh thái và môi trường ở Biển Đông:
Đối với các rạn san hô: Theo đánh giá của giới khoa học thì các rạn san hô tại khu vực Trường Sa tương đối nhỏ so với các hệ san hô lớn khác trên Trái Đất; song rất ít khả năng phục hồi được rạn san hô ở khu vực Trường Sa. San hô ở Trường Sa đã được hình thành cả trăm triệu năm và sự phát triển của san hô rất chậm nên khó có khả năng phục hồi được trong thời gian ngắn, mà có khi cần đến hàng nghìn năm mới khôi phục được phần nào.
Đối với nguồn cá và sinh vật biển khác: Theo nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada) vào năm 2015 cho thấy hiện nay khoảng 20% số đàn cá trong Biển Đông đang phục hồi, 50% số đàn cá đang bị khai thác ở mức đe dọa suy thoái và 30% số đàn cá đã bị khai thác và suy thoái tới mức gần như không còn khả năng phục hồi. Nguồn hải sản không có khả năng phục hồi hoặc phục hồi chậm chủ yếu là do hoạt động cải tạo phi pháp, phá hủy môi trường sinh thái của Trung Quốc khiến các loại sinh vật mất môi trường sống, đẻ trứng và nuôi con non. Ngoài ra việc Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát, quản lý ngư dân, để người dân khai thác quá mức, khai thác bất hợp pháp và sử dụng phương pháp đánh bắt mang tính chất hủy diệt (ngư dân đã dùng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt như lưới mắt nhỏ, giã cào, điện, đèn công suất cao, thuốc nổ, chất độc xyanua… ) khiến nguồn cá và các sinh vật khác, đặc biệt là những sinh vật có giá trị kinh tế cao (rùa biển, trai biển…) không có khả năng phục hội.
Các hành động cấp bách cần thực hiện
Biển Đông chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng đối với khu vực và thế giới và chứa đựng các lợi ích không chỉ đối với 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Đặc biệt là lợi ích đối với các nguồn tài nguyên, môi trường, đối với tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Chính vì thế, Biển Đông đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước, đặc biệt các nước lớn trong lịch sử, đồng thời cũng đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng đối với an ninh môi trường biển; đối với an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không.
Vấn đề khai thác tài nguyên, an ninh hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường Biển Đông đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển bị ô nhiễm đến mức báo động, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc hủy hoại và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên biển ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã ảnh hưởng xấu tới tất cả các bên tranh chấp. Người dân trong khu vực chính là những người phải gánh chịu những ảnh hưởng trực tiếp bởi các tác động môi trường do các dãi san hô bị hủy hoại. Do đó, có lẽ người dân tại đây nên hình thành mạng lưới hành động bảo vệ các rạn san hô, tương tự như mạng lưới hành động vì rừng nhiệt đới toàn cầu.
Đã đến lúc các nhà khoa học uy tín trên thế giới cần quan tâm đến các vấn đề đa dạng sinh học biển và sự bền vững môi trường ở Biển Đông cùng tham gia vào diễn đàn chính sách khoa học chung. Các nhà khoa học hợp tác với nhau có thể giúp hình thành và phát triển Ủy ban khoa học quốc tế về Biển Đông. Những nỗ lực khoa học này có thể truyền cảm hứng cho ASEAN hợp tác với nhau trong quản lý nguồn tài nguyên trong khu vực, cùng kêu gọi chấm dứt các hoạt động tôn tạo gây tổn hại đến các rạn san hô và môi trường sinh thái biển.
Trên thực tế, Trung Quốc có nhiều nhà khoa học về san hô có chất lượng, họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các rạn san hô, duy trì các ngư trường một cách bền vững và giá trị của du lịch sinh thái khi căng thẳng được giải quyết. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên và khó hiểu là năm ngoái, các nhà khoa học Trung Quốc lại khăng khăng bảo vệ cho các hoạt động xây dựng hủy hoại các rạn san hô tại Biển Đông. Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải từng đưa ra yêu sách phi lý rằng “Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc” và rằng “Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật xanh trước, trong và sau khi thực hiện các hoạt động tôn tạo tại Biển Đông” nhằm bảo vệ hệ sinh thái trong khu vực. Theo ông Tồn, Trung Quốc đã thực hiện các dự án xây dựng trên các rạn san hô chết, lấy đất cát tại các khu vực không phù hợp cho sự phát triển của san hô để san lấp. Trung Quốc cũng áp dụng phương pháp nạo vét mới và đã tính toán không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các khối trầm tích nổi trong quá trình xây dựng ở Biển Đông.
Nhìn chung, với quy mô và mức độ tàn phá môi trường sinh thái ở Biển Đông như Trung Quốc đã, đang làm khiến hệ sinh thái trong khu vực ít có khả năng hồi phục một cách nhanh chóng. Theo dự đoán của giới chuyên gia, môi trường sinh thái ở Biển Đông cần hàng 100 năm nữa mới có thể hồi phục lại. Việc Trung Quốc cố tình tuyên truyền, quảng bá về nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cải tạo, hỗ trợ phục hồi môi trường sinh thái ở Biển Đông nhằm đánh lạc hướng dư luận, thổi phổng nỗ lực của Trung Quốc và định hướng dư luận trong nước.