Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLần đầu tiên tập trận tên lửa tại Nhật Bản: Mỹ tiếp...

Lần đầu tiên tập trận tên lửa tại Nhật Bản: Mỹ tiếp tục gửi thông điệp cứng rắn tới TQ

Mỹ sẽ lần đầu tiên tập trận tên lửa tại Nhật Bản trong năm 2019, động thái được cho là nhằm đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ tên lửa đạn đạo đất đối biển của Trung Quốc.

Quân đội Mỹ và Nhật Bản tập trận trên biển năm 2018. Nguồn: UPI

Truyền thông Nhật Bản ngày 03/01/2019 cho biết quân đội Mỹ đã trao đổi với đối tác Nhật Bản về kế hoạch triển khai tên lửa đất đối hạm ở Okinawa, hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong năm nay 2019. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ tập trận tên lửa tại Nhật Bản, với sự hiện diện của các bệ phóng tên lửa di động, vốn được coi là biện pháp đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ tên lửa đạn đạo đất đối biển của Trung Quốc.

Vài năm gần đây, các tàu chiến Trung Quốc thường xuyên đi qua vùng biển gần Okinawa, địa điểm đóng quân của phần lớn quân đội Mỹ tại Nhật Bản. Giới chuyên gia cho biết việc Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh hoạt động hàng hải ở khu vực là một phần của kế hoạch thiết lập quyền kiểm soát vùng biển được gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, nối liền Okinawa, Đài Loan và Philippines. Bằng cách kiểm soát “chuỗi đảo thứ hai” nối liền quần đảo Ogasawara ở phía Nam của Nhật Bản, đảo Guam của Mỹ và Indonesia, Trung Quốc đang tìm cách từng bước làm suy yếu tiến tới xóa bỏ sự thống trị của quân đội Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, việc Mỹ và đồng minh như Nhật Bản tăng cường hoạt động quân sự là biện pháp nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tháng 11/2018 vừa qua, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận “Kiếm sắc 2018” (Keen Sword 2018) có quy mô lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản tại vùng biển Philippines, với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ cùng gần 150.000 binh sĩ Nhật Bản. Đây là cuộc tập trận được tổ chức hai năm một lần nhằm tăng cường tính sẵn sàng và khả năng phối hợp giữa hai bên. Năm 2016, cuộc tập trận “Thanh kiếm Sắc bén” có sự tham gia của gần 25.000 binh sĩ Nhật Bản và 10.000 binh lính Mỹ. Tham gia “Kiếm sắc 2018”, ngoài các lực lượng Mỹ, Nhật Bản và Canada, các nước Anh, Pháp, Australia và Hàn Quốc cũng cử các quan sát viên đến dự.

Theo Chuẩn Đô đốc Karl Thomas, quân đội Mỹ có mặt tại đây là để duy trì ổn định và khả năng chiến đấu. Những cuộc tập trận Kiếm sắc là chính xác những gì mà Mỹ cần. Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Hiroshi Egawa, Chỉ huy đội tàu chiến Nhật Bản đánh giá liên minh Mỹ – Nhật Bản là cần thiết cho việc duy trì ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông điệp của Chuẩn đô đốc Karl Thomas được gửi đi trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chiến tranh lạnh, khi Bắc Kinh đầu tư phát triển công nghệ và tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á và các vùng biển trong khu vực.Tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục cho xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm. Các động thái này dấy lên câu hỏi liệu mục đích của Trung Quốc là để phòng thủ hay để phục vụ cho mục tiêu độc chiếm của nước này.

Trước đó, hôm 31/8/2018 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cũng đã tiến hành tập trận với Đội tàu hộ tống tấn công số 4 do tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản dẫn đầu tại Biển Đông. Cuộc tập trận này là một phần trong chuyến đi hiếm hoi của tàu Kaga cùng hai tàu khu trục mang tên lửa Nhật Bản là Inazuma và Suzutsuki tới Biển Đông. Các tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Hải quân Mỹ đã triển khai tập trận theo đội hình, tham gia diễn tập cung cấp hậu cần trên biển, trao đổi thông tin liên lạc hải quân và tiến hành các hoạt động phối hợp. Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết việc triển khai lực lượng tập trận cùng Mỹ phù hợp với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương “mở và tự do” của Thủ tướng Shinzo Abe. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng và có nhiều động thái đòi hỏi yêu sách chủ quyền phi lý tại các vùng biển tranh chấp như Biển Đông, biển Hoa Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới