Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngXu hướng chính sách Biển Đông của TQ trong năm 2019

Xu hướng chính sách Biển Đông của TQ trong năm 2019

Trong năm 2019, Trung Quốc sẽ chủ động hơn trong các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền và quân sự ở Biển Đông; tích cực thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải; đẩy nhanh quá trình đàm phán COC. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chính sách cứng rắn trong yêu sách chủ quyền và ngăn chặn các nước lớn can dự vào vấn đề Biển Đông.

Nhìn lại chủ trương, chính sách và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2018

Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gây ảnh hưởng, đe dọa lớn đến hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Hành động phi pháp của Trung Quốc không chỉ đi ngược lại các tuyên bố, cam kết của mình mà còn bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích.

Về ngoại giao: Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các tuyên bố hiếu chiến, mang tính khiêu khích ở Biển Đông; cho rằng “các đảo ở Biển Đông từ đâu đã là lãnh thổ Trung Quốc, đây là di sản của tổ tiên Trung Quốc”, nhấn mạnh Trung Quốc không nên sợ xung đột ở Biển Đông. Trung Quốc cũng liên tục “phản đối” các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải hợp pháp của các nước ở Biển Đông, chỉ trích, lên án và đe dọa hoạt động hợp pháp của Mỹ và các nước đồng minh; cáo buộc “một số nước” đang cố gắng khuấy lên rắc rối, tạo sóng to, gió lớn ở Biển Đông; đổ lỗi cho Mỹ có hành động quấy rối liều lĩnh khi tàu chiến Mỹ vượt qua cả chặng đường dài để đến gây rối ngay trước “cửa nhà” của Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc “kịch liệt phản đối” các hành động gây hấn do các nước ngoài khu vực tiến hành dưới danh nghĩa tự do hàng hải, hàng không, phản đối sự hiện diện của các nước này tại Biển Đông. Trung Quốc tìm mọi các biện minh cho những hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”; nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.

Về quân sự: Trung Quốc liên tục triển khai phi pháp vũ khí tấn công và phương tiện quân sự tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã điều tàu hộ vệ trang bị tên lửa hành trình Type 054 ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa; lần đầu tiên đưa tàu tìm kiếm cứu nạn “Nam Hải cứu 115”, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung tới neo đậu thường trú tại Đá Xu Bi; triển khai (bất hợp pháp) tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B trên đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập; khánh thành “Đài tưởng niệm” xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập nhằm thể hiện quyết tâm quyết tâm của Bắc Kinh” trong việc bảo vệ cái mà họ gọi là “lãnh thổ và quyền hàng hải” ở Biển Đông; âm thầm kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị gây nhiễu thông tin và radar trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến tại góc phía Đông Bắc đá Chữ Thập; lần đầu tiên đã điều máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 tới đá Xu Bi; điều hai máy bay vận tải quân sự Y-7 tới đá Vành Khăn; triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 trên Đảo Phú Lâm; lần đầu tiên đã đưa máy bay ném bom, kể cả Tây An H-6K tới ở đảo Phú Lâm; triển khai nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc trên các cấu trúc chiếm đóng trên Biển Đông…

Không những vậy, Trung Quốc cũng tích cực tổ chức các hoạt động tập trận ở Biển Đông: Biên đội Huấn luyện thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành tập trận tại các khu vực Biển Đông, Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương với các tình huống giả định về phòng không, bảo vệ hàng hải và tác chiến trên biển; triển khai 04 tàu hải cảnh và 02 tàu cá dân binh tại bãi cạn Scarborough và 01 tàu hộ vệ tên lửa để theo dõi, giám sát hoạt động của Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ khi đang trên đường tới thăm hữu nghị Việt Nam và Philippines; triển khai 02 tàu hộ vệ tên lửa là “Lục Bàn Thủy” (514) và “Hoàng Sơn” (570) ra Biển Đông để ngăn cản tàu khu trục Mustin của Mỹ đang tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn; tổ chức tập trận ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương nhằm nâng cao khả năng kiểm soát thực địa các vùng biển tranh chấp; tổ chức tập trận trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Vi Châu 24 hải lý về phía Đông Bắc và 11 hải lý về phía Đông Nam; 12 máy bay ném bom H-6K xuất phát từ tỉnh Thiểm Tây đến “một địa điểm ở Biển Đông” để tiến hành huấn luyện và diễn tập chiến đấu tầm xa; tiến hành tập trận bắn đạn thật kéo dài 07 ngày tại khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và 48 tàu chiến các loại, 76 máy bay chiến đấu và hơn 10.000 binh sỹ và nhiều tàu ngầm thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải; tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan, diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa; đã điều máy bay không người lái tham gia tập trận tên lửa mô phỏng việc chống lại cuộc tấn công trên không ở Biển Đông…

Về ngư nghiệp. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục đơn phương ra thông báo ngừng đánh cá từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8 trên Biển Đông. Vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Về hoạt động tuyên truyền: Truyền thông, báo chí Trung Quốc tích cực trích dân các phát biểu của chính giới Trung Quốc, trong đó tập trung vào các tuyên bố khẳng định “Trung Quốc sẽ kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông; kêu gọi các nước tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương”; khẳng định Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, yêu cầu các nước “tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, cho rằng nhiều nước đang tìm cách gây cản trở vấn đề Biển Đông dưới chiêu bài luật pháp quốc tế.Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao; tìm cách biện minh, giải thích các hành động trên là nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết nối thương mại, cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải ở khu vực; chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn “Vành đai, con đường” nhằm xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn các nước bên ngoài tìm cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các thành tựu nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị quân sự mới như hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên; thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tàu sân bay nội địa đầu tiên, máy bay tiêm kích J-20… Trung Quốc cũng tuyên truyền về việc thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực như thử nghiệm các chuyến bay dân sự tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cho phép “Công ty vận tải tư nhân Hải Hiệp” đưa khách du lịch (đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa); tuyên truyền về việc hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu; xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn về giao thông liên lạc, năng lượng, bệnh viện, rạp chiếu phim ở Hoàng Sa và Trường Sa; xây dựng và đưa vào sử dụng một loạt các ngọn hải đăng ở Hoàng Sa và Trường Sa; hoàn thiện lắp đặt và phủ sóng mạng 4G ở Biển Đông…

Đáng chú ý, Trung Quôc tập trung tuyên truyền về thúc đẩy quan hệ song phương với những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhất là Philippines. Bắc Kinh cũng tuyên truyền về việc thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên trong khu vực Biển Đông với các nước liên quan. Truyền thông Trung Quốc đặc biệt tuyên truyền về việc Trung Quốc và Philippines đã tổ chức cuộc họp lần thứ 3 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM); Trung Quốc và ASEAN đàm phán đạt được đồng thuận về COC…

Xu hướng chính sách Biển Đông của Trung Quốc trong năm 2019

Nhìn tổng thể, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện nay trong vấn đề Biển Đông, song sẽ chủ động giảm các hoạt động quân sự hóa phi pháp trên các đảo nhân tạo và đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, tập trận, thăm dò khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “mập mờ” về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, không đưa ra các giải thích cụ thể, làm rõ bản chất, nội dung và phạm vi liên quan yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử”; sử dụng “các đảo khác nhau ở Biển Đông” để né tránh lập trường công khai về quy chế pháp lý của nhóm hoặc từng thực thể ở Trường Sa; cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”, lấy các đảo ở Biển Đông là cơ sở chính để yêu sách nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ từ các đảo ở Biển Đông. Việc tách biệt giữa yêu sách “nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải” với yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” quy thuộc cho “các đảo ở Biển Đông” để ngỏ khả năng diễn giải rằng thực thể có thể có quy chế pháp lý khác nhau.

Trung Quốc cũng sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại mang tính “hòa dịu” hơn với các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, ngoại giao để hạn chế tác động của phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài; tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị”, vận động các nước thân Trung Quốc trong khi hăm dọa các nước liên quan đến tranh chấp để ngăn chặn việc hình thành mặt trận chung chống lại Trung Quốc; tiếp tục tăng cường đối thoại và can dự với các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông; tiến hành tham vấn song phương lần thứ 4 và hợp tác chung với Philippines ở Biển Đông; tăng cường sử dụng “ngoại giao tiền tệ” để mua chuộc, lôi kéo các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; tìm cách vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc, ngăn cản các nước khác công khai ủng hộ phán quyết và phê phán của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những tình huống cụ thể, Trung Quốc cũng sẽ răn đe các nước liên quan, chặn các diễn đàn đa phương đề cập đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương do Trung Quốc hậu thuẫn hoặc chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tích cực và chủ động hơn trong việc thúc đẩy đàm phán COC với các nước ASEAN nhằm tạo dựng “uy tín và niềm tin” đối với các nước ASEAN về nỗ lực và quyết tâm của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ chủ động thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, nhằm mục tiêu tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ lợi ích trong các lĩnh vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải.

Trung Quốc sẽ chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn như “Một vành đai, Một con đường” nhằm “làm dịu” căng thẳng, “mềm hoá” tranh chấp, tránh tạo ra cớ các nước lớn khác can dự. Trung Quốc cũng tranh thủ quá trình mở rộng kết nối hạ tầng của các tỉnh ven biển với bên ngoài, kết hợp với các văn bản nội luật, quy hoạch phát triển mới nhằm từng bước hợp thức hoá cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng trái phép. Song thái độ mềm dịu của Trung Quốc chỉ là tạm thời và phụ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ và nhu cầu đối ngoại của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, tăng cường khả năng kiểm soát trên thực địa, hoàn thành quá trình quân sự hóa ở Biển Đông; tập trung mọi nguồn lực để phát triển hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển; tích cực nghiên cứu, chế tạo và biên chế thêm nhiều loại khí tài quan trọng cho Hải quân, Cảnh sát biển, Ngư chính, Kiểm ngư; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát ở Biển Đông; tiếp tục củng cố chứng cứ pháp lý, ngụy tạo bằng chứng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp hàng năm, tích cực điều lực lượng chấp pháp trên biển ngăn chặn, bắt giữ ngư dân các nước ở Biển Đông.

Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác tài nguyên ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên ở các vùng biển tồn tại tranh chấp, nhất là thúc đẩy quá trình thăm dò, khai thác băng cháy; tìm cách ngăn chặn các nước, nhất là Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí với nước ngoài. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ điều các giàn khoan thăm dò dầu khí như Hải Dương 981, Hải Dương 982… vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị phục vụ hoạt động thăm do, khai thác tài nguyên ở vùng biển sâu.

Ngoài ra, trong năm 2019, Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động khảo cổ ở Biển Đông, nhằm tìm kiếm chứng cứ lịch sử để phục vụ công tác tuyên truyền trong nước và củng cố chứng cứ pháp lý về yêu sách vùng nước lịch sử ở Biển Đông.

Nhìn chung, trong năm 2019, Trung Quốc sẽ chủ động hơn trong các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền và quân sự ở Biển Đông; tích cực thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải; đẩy nhanh quá trình đàm phán COC. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chính sách cứng rắn trong yêu sách chủ quyền và ngăn chặn các nước lớn can dự vào vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới