Các chuyên gia hàng đầu của Mỹ đã nghiên cứu tên lửa DF-26 của TQ có uy lực lớn, nhưng ở khâu kết nối vệ tinh thì đang còn rất yếu, Về việc này Mỹ có thể khai thác để vô hiệu hóa.
Sau khi TQ thông báo tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM) DF-26 đã được bố trí tại khu vực cao nguyên và sa mạc phía tây bắc nước này. Một chuyên gia vũ khí quân sự của Trung Quốc đã khẳng định DF-26, mẫu tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, có thể bao trùm toàn bộ Biển Đông với tầm bắn lên tới 4.000 km.
Chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng đây là một thông điệp mang tính răn đe được Trung Quốc gửi tới Mỹ, được phát đi chỉ một ngày sau khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 là mẫu gắn trên bệ phóng di động, được biên chế cho quân đội Trung Quốc vào tháng 4/ 2018. DF-26 có thể trang bị đầu đạn thông thường và hạt nhân, được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” bởi nó có thể đánh chìm một siêu tàu sân bay Mỹ chỉ với một phát bắn trúng đích, theo USCC.
Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, tiến sĩ Andrew Erickson cho biết việc Trung Quốc triển khai DF-26 ở khu vực tây bắc là một toan tính mang tính chiến lược. Vì DF-26 là một loại tên lửa đạn đạo, vận tốc của nó ở giai đoạn lấy độ cao ban đầu khá chậm, nên nếu triển khai ở gần bờ biển, nó có thể dễ dàng bị các hệ thống cảm biến hiện đại của Mỹ phát hiện và đánh chặn.
Nếu triển khai ở sâu trong nội địa Trung Quốc, tên lửa DF-26 có cơ hội ẩn mình và sống sót cao hơn trước khi bước vào giai đoạn hồi quyển và đạt tốc độ lớn tới mức gần như không thể đánh chặn. Với những tính năng đó, DF-26 được đánh giá là hệ thống tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới khai hỏa từ bệ phóng di động và có khả năng tấn công một nhóm tác chiến tàu sân bay đang di chuyển trên biển. Đây được coi là mối đe dọa nghiêm trọng với tàu chiến Mỹ, nhất là các chiến hạm lớn có giá trị cao hoạt động trên Biển Đông, trong tầm bắn của DF-26.
Dù vậy, Erickson cho rằng Mỹ và các đồng minh đã nghiêm túc đánh giá mối đe dọa tiềm năng từ tên lửa ASBM của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua để tìm cách đối phó. Chuyên gia này cho rằng DF-26 dù rất lợi hại vẫn tồn tại những điểm yếu rất lớn, đặc biệt là ở khâu liên lạc vệ tinh để xác định mục tiêu và dẫn đường. Để có thể phát hiện nhóm tàu sân bay Mỹ di chuyển trên Biển Đông rộng lớn, Trung Quốc sẽ phải dựa rất lớn vào hệ thống trinh sát, do thám tầm xa. Bắc Kinh hiện chưa sở hữu các loại máy bay tuần thám, trinh sát hiện đại, nên nhiều khả năng sẽ phải phụ thuộc vào các cảm biến trên vệ tinh để tìm ra nhóm tàu chiến Mỹ.
Trung Quốc sẽ phải triển khai nhiều hệ thống cảm biến vệ tinh đắt đỏ để cung cấp dữ liệu mục tiêu cần thiết, giúp đầu dò tên lửa DF-26 thực hiện thành công đòn tấn công. Để tấn công được các mục tiêu di động trên biển, Trung Quốc cần làm chủ quá trình phức tạp gồm thu thập thông tin mục tiêu bằng vệ tinh theo thời gian thực, đánh giá tình huống rồi truyền dữ liệu này đến kíp phóng tên lửa. Vệ tinh cũng phải liên tục cung cấp tọa độ mục tiêu theo thời gian thực cho tên lửa trong giai đoạn phóng để đảm bảo nó thực hiện đòn đánh trúng đích.
Tầm bắn của tên lửa DF-26 (đường màu đỏ). Đồ họa: BI
Toàn bộ quy trình này phải sử dụng các kết nối vệ tinh, vốn rất dễ bị can thiệp và vô hiệu hóa bởi các biện pháp tác chiến điện tử như gây nhiễu. Mỹ và các đồng minh ở khu vực châu Á gần đây đang tập trung vào phát triển các năng lực nhằm cắt đứt hoặc ít nhất là gây gián đoạn các kết nối trong “chuỗi tiêu diệt” này của tên lửa DF-26.
Tốc độ là điểm mạnh nổi trội của DF-26, giúp nó vượt qua các hệ thống phòng thủ của đối phương, nhưng cũng là điểm yếu khi kết nối dữ liệu mục tiêu bị gián đoạn. Khi đường truyền dữ liệu mục tiêu bị đứt hoặc bị can thiệp, DF-26 có thể bị nhầm lẫn, bay hết tầm trước khi nhận thấy điều gì đang thực sự diễn ra. Bằng việc thu và truyền lại tín hiệu tần số vô tuyến (RF) bằng kỹ thuật số, một thiết bị gây nhiễu hiện đại của quân đội Mỹ có thể gây ra sự nhầm lẫn này. Ngoài ra, các biện pháp tác chiến điện tử cũng có thể khai thác các hạn chế của Trung Quốc trong việc kết nối và dung hợp dữ liệu tác chiến cũng như việc thiếu kinh nghiệm trong việc ra quyết định theo thời gian thực và bộ máy chỉ huy thực hiện đòn tấn công chính xác tầm xa.
Erickson đánh giá biện pháp đối phó bằng “cơ chế mềm” này rất hiệu quả về mặt chi phí, đồng thời tránh theo thang căng thẳng như khi sử dụng “cơ chế cứng”, chẳng hạn như phóng tên lửa đánh chặn để diệt DF-26 hay tung đòn tấn công phủ đầu. Do đó, tác chiến điện tử là một giải pháp tiềm năng có thể đối phó “sát thủ tàu sân bay” DF-26 của Trung Quốc mà các chiến lược gia quân sự Mỹ cần tập trung phát triển.
Liệu TQ có khắc phục được điểm yếu mà Mỹ đã nhìn thấy?