Cả Mỹ và Israel đều bày tỏ quan ngại về việc sử dụng các thiết bị viễn thông của Trung Quốc trong một số ngành nhạy cảm.
Bến tàu của hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush của Hoa Kỳ cập cảng Haifa, Israel ngày 3/7/2017. Ảnh: REUTERS
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lời một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ ngày 9/1 cho hay nhận định trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi cuối tuần qua tại Washington.
Quan chức này khẳng định hai nước lo ngại tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và các công ty viễn thông Trung Quốc là nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo.
Đề cập đến hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại cảng Haifa, cảng biển lớn nhất của Israel và là nơi neo đậu của các tàu chiến thuộc Hạm đội 6 của Mỹ, quan chức này cũng nêu rõ Washington không muốn bất kỳ trở ngại nào trong việc chia sẻ thông tin nhạy cảm với Israel.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các công ty công nghệ của Trung Quốc đẩy mạnh nhiều thương vụ mua lại các công ty công nghệ của Israel. Hồi tháng 12/216, tập đoàn Huawei đã thâu tóm công ty khởi nghiệp HexaTier của Israel với giá 42 triệu USD, qua đó sở hữu công nghệ lưu trữ dữ liệu đám mây.
Cũng trong thời gian này, Huawei đã hoàn tất thương vụ mua lại công ty nghiên cứu công nghệ thông tin Toga Networks, song không tiết lộ giá trị thương vụ này. Theo truyền thông Israel, không chỉ Huawei mà ZTE cũng đang để ý tới ngành công nghệ của nước này.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã ngăn chặn Huawei và một tập đoàn lớn khác của Trung Quốc là ZTE tiếp cận thị trường nước này với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 12/2018, chính quyền Mỹ dự định kể từ đầu năm 2019 sẽ cấm các doanh nghiệp nước này mua thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất, theo đó chắc chắn hai tập đoàn Huawei và ZTE sẽ có danh sách cấm này.
Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Australia, Anh, Đức hay Pháp cũng bắt đầu chủ trương không để các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào những lĩnh vực công nghệ thông tin chiến lược, đặc biệt là mạng 5G.