Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNăm 2019 sẽ đầy thách thức với ông Tập Cận Bình?

Năm 2019 sẽ đầy thách thức với ông Tập Cận Bình?

Vì nhiều lí do, 2019 được coi là một năm vô cùng quan quan trọng nhưng có thể cũng là thách thức nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình vừa có một năm nhìn chung tương đối thành công về phương diện cá nhân.

Tháng 3/2018, Quốc hội Trung Quốc đã đồng thuận bỏ phiếu bầu ông Tập giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Động thái diễn ra chỉ một tuần sau khi cơ quan lập pháp này thông qua hiến pháp sửa đổi, trong đó bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước.

Việc tái đắc cử đồng nghĩa ông Tập hiện nắm giữ cùng lúc ba vị trí quyền lực nhất của Trung Quốc là Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Tuy nhiên, năm 2018 đã khép lại với những dấu hiệu cảnh báo về một năm tiếp theo đầy áp lực, thử thách đối với ông Tập. Các nhà phân tích nhận định, cách ông Tập điều hành đất nước trong năm 2019 có thể định hình tương lai của nền kinh tế Trung Quốc cũng như vị trí lãnh đạo của ông.

Vào ngày 1/10 năm nay, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 70 năm quốc khánh. Nhân dịp này, Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ ăn mừng những thành tựu kinh tế đạt được sau hàng chục năm tiến hành cải cách, mở cửa. Song, sau hàng thập niên tăng trưởng chưa từng có ở nhiều lĩnh vực, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại.

Theo CNN, các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng nợ nần gia tăng trên khắp cả nước đã dẫn đến sự suy giảm chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và đầu tư. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc cũng đang chững lại.

Ngay cả các báo cáo lạc quan nhất của đảng cầm quyền cũng chứa đựng những cảnh báo thận trọng về “các thay đổi to lớn trong môi trường bên ngoài”, đòi hỏi toàn đảng, toàn dân Trung Quốc phải “nỗ lực hết sức để vượt qua các khó khăn”.

Không chỉ đối mặt với những thách thức nội tại, nền kinh tế Trung Quốc còn bị ảnh hưởng nặng nề vì chiến tranh thương mại với Mỹ. Căng thẳng giữa Bắc Kinh – Washington hiện đã lan sang cả các vấn đề về chính trị và quân sự.

Kể từ khi “nổ phát súng đầu tiên” vào ngày 6/7 cho tới hết năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục áp các gói thuế nhập khẩu mới đánh vào hàng hóa Trung Quốc, có trị giá tổng cộng lên tới hàng trăm tỉ USD, nhằm xóa bỏ thâm hụt thương mại song phương cũng như trả đũa những gì Washington cáo buộc là ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi thương mại bất công bằng.

Phía Mỹ cũng đòi chính phủ của ông Tập phải chấm dứt việc mạnh tay tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.

Mặc dù tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina ngày 1/12 vừa qua, ông Tập và ông Trump đã đạt thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày nhằm dàn xếp các bất đồng, nhưng vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tại Canada theo yêu cầu của Washington hồi đầu tháng 12/2018 đang cản trở tiến trình đàm phán giữa hai nước.

Dù chỉ còn không đầy 2 tháng là tới hạn chót đình chiến thương mại (ngày 1/3), nhưng giới quan sát vẫn chưa thấy dấu hiệu về bất kỳ giải pháp nào cho thế bế tắc hiện tại.

Bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bài phát biểu quan trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 18/12 cũng tuyên bố, tranh chấp thương mại với Mỹ có thể kéo dài. Song, ông bày tỏ tin tưởng “sự vĩ đại” có thể giúp Trung Quốc vượt qua thách thức.

Ông Tập được cho là đang đối mặt với nhiều áp lực phải xử lý khôn khéo vấn đề với chính quyền Tổng thống Mỹ Trump, sao cho vừa xoa dịu được Washington, vừa không phải nhượng bộ quá nhiều.

Một số nhà phân tích khuyến cáo, ngay cả khi ông Tập có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng thương mại hiện thời, Washington có thể mở các mặt trận mới chống Bắc Kinh.

Chính phủ Trung Quốc được cho đã đánh giá thấp Tổng thống Trump khi ông mới lên nắm quyền. Họ dường như tin có dễ dàng đối phó với một nhà lãnh đạo Mỹ non kém về kinh nghiệm chính trị. Song, các động thái nhanh chóng và quả quyết của ông Trump có thể khiến Bắc Kinh phải nghĩ lại.

Theo giới phân tích, để đập tan những lời chỉ trích, củng cố vai trò lãnh đạo và đưa Trung Quốc vượt qua các thách thức, tiếp tục phát triển trong năm 2019, ông Tập có thể phải xem xét lại cách tiếp cận ngoại giao quốc tế, duy trì cân bằng giữa sự hòa giải, chủ nghĩa yêu nước, các cải cách thị trường với việc kiểm soát của chính phủ.

RELATED ARTICLES

Tin mới