Trong những năm gần đây, sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quôc đã sử dụng mọi chiêu bài để tìm cách thâu tóm nguồn hải sản ở Biển Đông, phục vụ âm mưu, ý đồ phát triển kinh tế, khẳng định yêu sách “chủ quyền” và nguồn cung thực phẩm cho 1,4 tỷ dân đói khát.
Bất chấp Trung Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn bám biển, khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa
Âm mưu của Trung Quốc khi muốn kiểm soát Biển Đông
Biển Đông là khu vực có nguồn hải sản phong phú: Trải rộng từ vĩ độ 3 lên đến vĩ độ 26 Bắc và từ kinh độ 100 đến 121 Đông, Biển Đông là một biển nửa kín. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Tiềm năng của vùng biển này là nguồn sống phong phú của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Với vị trí, địa lý và khí hậu đặc biệt đã tạo cho vùng biển Đông sự đa dạng sinh học cao so với các nước trên thế giới, cả về cấu trúc thành phần loài, hệ sinh thái và nguồn gen. Khác biệt về điều kiện tự nhiên từ Bắc đến Nam như sự thay đổi nhiệt độ theo vĩ tuyến, mức độ trao đổi môi trường với các vùng xung quanh, hình thái thềm lục địa… đã tạo nên những nét đặc trưng của các hệ sinh thái giữa các vùng biển ở Việt Nam.
Cho đến nay, trong vùng biển này đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, trên 100 loài cá kinh tế, hơn 300 loài san hô cứng, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển và 5 loài rùa biển. Nguồn tài nguyên sinh vật biển quan trọng đã mang đến những ưu thế cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh. Trữ lượng hải sản đánh bắt khoảng 3 – 3,5 triệu tấn, cơ cấu hải sản rất phong phú, có giá trị kinh tế cao có thể khai thác được hàng năm. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Trung Quốc cần cá để ăn: Theo ước tính, thì năm 2012 Biển Đông chiếm khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá của thế giới, trị giá 21,8 tỷ USD. Nhưng với sự tham gia hoạt động đánh bắt cá ngày một nhiều của các nước trong khu vực. Thì sản lượng đánh bắt cá và nguồn trữ lượng cá năm 2015, đã giảm khoảng 70 – 90%, so với năm 1950. Riêng lượng cá chưa khai thác gần bờ có xu hướng giảm nhất, hiện nay giảm xuống chỉ còn từ 5 đến 30%. Vì nguồn lợi thủy sản chiếm vị trí quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế, đời sống và khẩu phần ăn của người dân nước này. Nên từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc phải tính tới việc ra lệnh cấm các nước đánh bắt cá đối với khu vực Biển Đông. Có thể nói, Trung Quốc vừa là nguồn cung, cũng vừa là thị trường lớn nhất vê tiêu thụ cá trên thế giới. Nước này có tới 9 triệu ngư dân (chiếm ¼ ngư dân của thế giới), nếu tính gộp tất cả các ngành nghề liên quan tới ngư nghiệp, đánh bắt thủy sản, thì mỗi năm đã đóng góp cho ngân sách nước này khoảng 330 tỷ USD, tương đương 3,5% GDP Trung Quốc.
Không những vậy, Trung Quốc còn là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Năm 1980, khi châu Á chiếm 43% sản lượng cá thế giới, Trung Quốc mới chỉ chiếm 7%. Đến năm 2013, châu Á chiếm 68% thì Trung Quốc đã chiếm 32%, mang lại cho nền kinh tế nước này 289 tỷ USD.
Khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp: Trước đây, Trung Quốc xác định vùng đánh bắt cá của ngư dân chủ yếu là bốn biển Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải (biển Hoa Đông) và Nam Hải (Biển Đông). Tuy nhiên, gần đây do biển Bột Hải và Hoàng Hải đã cạn kiệt cá, cần giảm việc đánh bắt để tái tạo nguồn cá, Trung Quốc đã đẩy mạnh đánh bắt cá tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Một báo cáo do tiến sĩ Rashid Sumaila và tiến sĩ William Cheung thuộc Đại học British Columbia, Canada công bố hồi năm ngoái cho thấy có đến 55% số tàu cá của toàn thế giới đang hoạt động ở Biển Đông, trong đó đội tàu cá của Trung Quốc và Đài Loan chiếm đa số. Đồng thời, Trung Quốc cũng điều chỉnh nhiều chủ trương, chính sách liên quan việc khai thác, đánh bắt hải sản. Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc về ngư nghiệp, Bắc Kinh đề ra mục tiêu cao đối với sản xuất cá. Từ năm 2016, đạt 73 triệu tấn vào năm 2020 và tiến đến đạt 77 triệu tấn vào năm 2024; tăng xuất khẩu lên 5,4 triệu tấn vào năm 2024. Theo tiến sĩ Euan Graham (Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore), hiện Trung Quốc đã cấp phép cho trên 500 tàu cá hoạt động tại vùng biển Trường Sa. Năm ngoái, nước này cũng đưa vào khai thác tàu chế biến hải sản trực tiếp trên biển với tải trọng 32.000 tấn có khả năng xử lý 2.000 tấn hải sản mỗi ngày và hoạt động liên tục 9 tháng.
Ngoài việc đánh bắt cá phục vụ các mục đích kinh tế, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư, viện trợ cho ngư dân ra đánh bắt cá tại các khu vực tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như ngư trường xung quanh quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa nhằm thực hiện âm mưu kiểm soát toàn bộ khu vực này. Tạp chí Science Advances cho biết, khoảng 54% ngành công nghiệp đánh bắt cá xa bờ sẽ không đạt lợi nhuận với quy mô như hiện nay nếu không có những khoản trợ cấp lớn của chính phủ. Theo thống kê, Trung Quốc trợ cấp 148 triệu USD cho các đội tàu đánh bắt xa bờ năm 2014, chiếm 10% toàn cầu. Khoản tiền này chủ yếu dùng để mua nhiên liệu cho tàu cá hoạt động ở vùng biển xa. Bắc Kinh cũng giúp ngư dân điều tra ngư trường Trường Sa và trợ cấp nguyên liệu cho ngư dân đánh bắt cá tại đây. Đáng chú ý, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Hải sản bị tận diệt chủ yếu là do phương thức đánh bắt của ngư dân Trung Quốc: Không chỉ đánh bắt cá, nhiều động vật quý hiếm đang đối diện nguy cơ bị tuyệt chủng do hoạt động phi pháp của Trung Quốc gây ra. Với sự khuyến khích ngang ngược, trái phép của chính quyền, trong một thời gian dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ, trong vùng Biển Đông. Ở Trung Quốc, trai tượng là một sản vật quý hiếm và được bán với giá rất cao. Thịt trai tượng được coi là đặc sản quý, còn vỏ trai tượng thì cũng được ưa chuộng vì nó vừa giống ngà voi, vừa giống đá cẩm thạch, với nhiều màu sắc. Người Trung Quốc gọi đó là “vàng trắng” hay “ngà voi biển.” Vỏ trai tượng được chạm khảm thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, được bán với cao. Chính việc đánh bắt trai tai tượng, nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo trong những năm gần đây đã hủy hại hơn 160 km2 rạn san hô, với tỷ lệ bình quân là 16%/thập kỷ, khiến cá mất đi chỗ đẻ trứng, các con non không còn nơi ẩn náu. Hậu quả là nhiều khu vực ở Biển Đông hiện nay đã gần như hết sạch cá.
Ngư dân Trung Quốc thường đi thành từng nhóm khoảng 20 – 100 tàu có công suất lớn, để khai thác, đánh bắt. Thời gian gần đây, một đội khoảng 30 -50 tàu cá Trung Quốc (cỡ 100 tấn trở lên) thường xuyên đánh bắt trái phép kéo dài ngày ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Những tàu trên đều được trang bị thiết bị định vị, phát hiện cá tinh vi; sử dụng các loại lưới đánh cá mắt nhỏ để khai thác, tận diệt hải sản. Không những vậy, dân Trung Quốc thường sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt hải sản, theo đúng phương châm “đánh bằng hết, diệt bằng sạch”. Họ thường sử dụng lưới vét – một loại lưới đã bị Liên Hợp Quốc cấm sử dụng từ năm 1992 để đánh cá; hoặc sử dụng những biện pháp đánh bắt như dùng thuốc nổ, thuốc độc tại các rặng san hô, sử dụng tàu giã cào (thiết kế bánh xe nên đi cả trên bãi rạn), máy nén khí thổi tung đáy biển để bắt hải sản.
Thủ đoạn kiểm soát nguồn hải sản ở Biển Đông của Trung Quốc
Đầu tiên, Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có “quyền đánh cá truyền thống” và “vùng nước lịch sử”ở Biển Đông để hợp thức hóa âm mưu độc chiếm hải sản trong khu vực. Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục cho rằng “Bắc Kinh có quyền từ xưa và chủ quyền lịch sử đối với các bãi ngầm, bãi đá ở Biển Đông”, và rằng “Biển Đông là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc”, đồng thời phản bác lại các tuyên bố chủ quyền của các nước đối với vùng biển này. Tuy nhiên, Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng thuyết phục và các lập luận liên quan yêu sách “chủ quyền” trên, cố tình mập mờ trong việc giải thích cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất yêu sách chủ quyền của mình.
Thứ hai, ban hành trái phép “Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm”. Từ năm 1999 đến nay, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Phạm vi mà Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, đã bao trùm lên một phần vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Dù biết vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc cố tình đưa ra lệnh cấm đánh cá nhằm: (1) Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để tìm cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. (2) Thông qua việc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá hàng năm, Trung Quốc muốn phản biện lại phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) bằng cách chứng minh “Trung Quốc là nước đang kiểm soát hiện hữu, lâu dài ở Biển Đông” và các thực thể địa lý (bị Tòa tuyên bố không phải đảo) đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”. (3) Trung Quốc muốn thông qua lệnh cấm đánh bắ cá mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.
Tuy nhiên, Lệnh cấm đánh bắt cá này là quyết định vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc 3 lần sử dụng vũ lực bất hợp pháp vào năm 1909, năm 1956 và năm 1974. Không những vậy, phạm vi của Lệnh cấm đánh cá này xâm phạm các EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và Philippines. Phạm vi lệnh cấm đánh cá còn vi phạm quy chế của vùng chồng lấn nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, với điều kiện địa lý của một vùng biển nửa kín, nơi các tài nguyên sinh vật có độ đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau lớn, việc tham vấn là một trong các nghĩa vụ bắt buộc để bảo tồn các loài có khả năng di cư cao và sinh sống trên vùng biển của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuỳ tiện áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong khoảng thời gian không phù hợp với thực tiễn đánh bắt cá ở Biển Đông và không tiến hành tham vấn với các quốc gia hữu quan. Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm cho thấy Trung Quốc vi phạm nguyên “kiềm chế, không thực hiện các hoạt động làm phức tạp và leo thang tranh chấp” đã được quy định trong DOC.
Thứ ba, sử dụng lực lượng chấp pháp đàn áp, bắt giữ trái phép tàu cá của Việt Nam. Trung Quốc thường xuyên duy trì các loại tàu quân sự, chấp pháp, máy bay tuần tra bắt giữ tàu cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Liên quan các vụ việc tấn công ngư dân Việt Nam, riêng trong năm 2018, đã xảy ra nhiều vụ tàu của ngư dân Việt Nam đã bị các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc xua đuổi, tấn công khi hoạt động đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc vào các đảo ở Hoàng Sa trú tránh bão. Năm 2015, các lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 264 lượt tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Trong đó, có 207 lượt tàu cá xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc Sơn Trà trong phạm vi từ 45 đến 50 hải lý. Từ khía cạnh thực tiễn và luật pháp quốc tế cho thấy, lực lượng chấp pháp Trung Quốc tiến hành đâm va, xua đuổi, thậm chí là cướp tài sản của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trong khu vực quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại các Tuyên bố chung, nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước mà còn đe dọa an toàn, tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam.
Thứ tư, Trung Quốc còn tìm cách xua đuổi ngư dân vào tránh bão, nhằm “răn đe” ngư dân không được đi vào “vùng biển của Trung Quốc”. Trong năm 2018, Văn phòng ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông tin (18/6) cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, 20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đã trú tránh ở rìa Nam Tây Nam đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu của Trung Quốc xua đuổi, không cho cập bờ tránh bão. Trong khi đó, một tàu cá với 6 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi (20/4/2018) đang hoạt động tại vị trí 16 độ 36 phút vĩ độ Bắc và 112 độ 50 phút kinh độ Đông, cách đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông-Đông Nam bị 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm. Trong năm 2016, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (12/8/2016) cho biết có 6 tàu cá tỉnh Qảng Nam cùng 259 ngư dân đang đánh bắt cá ở vùng biển có vị trí cách đảo Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng hiện đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ và kiểm soát phi pháp) khoảng 40 hải lý thì gặp thời tiết xấu, sóng lớn kèm theo gió mạnh cấp 6 – 7. Các tàu trên có đề nghị vào tránh trú tại đảo Bông Bay, song cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo “khu vực đảo Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa không thích hợp để tránh trú, đề nghị 6 tàu Việt Nam quay trở về”. Trước đó, 18 tàu cá Đà Nẵng (29/6/2016) đang neo đậu tại phía Bắc Hoàng Sa để tránh bão thì bị “một tàu lạ” cập mạn tàu cá cướp đi 25 thùng phi dầu, 4 tấn mực khô và 10 thùng nước ngọt, rồi xua đuổi tàu cá Việt Nam. Trong năm 2013, Tàu Hải quân Trung Quốc (1/2013) ngăn chặn hai tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi bị nạn trên biển vào đảo Bom Bay để tránh bão và sửa chữa hư hỏng. Chỉ đến khi Bộ Ngoại giao Việt Nam can thiệp với phía Trung Quốc thì các tàu trên mới được cập đảo Bom Bay. Hành động này của Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thỏa thuận quan trọng Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Thứ năm, thông qua cơ quan ngoại giao để bao biện cho các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (3/1/2019) cho rằng các quốc gia láng giềng trên thế giới có tranh chấp về nghề cá là việc “bình thường” và tàu hải cảnh của Trung Quốc nhiều lần xua đuổi, tấn công tàu cá của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa cũng là điều “bình thường”. Cái cớ mà Lục Khảng đưa ra để biện hộ cho hành xử ngang ngược của lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là thi hành “lệnh nghỉ đánh bắt cá” để nuôi dưỡng, phát triển nghề cá hải dương.
Hành động của Trung Quốc vi phạm cả luật quốc tế lẫn thỏa thuận song phương, đa phương
Đầu tiên, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (phi pháp) là quyết định vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc áp dụng nhiều thủ đoạn, để hợp thức hóa “chủ quyền lịch sử” đối với khu vực này, như xây dựng các căn cứ quân sự kiên cố; ồ ạt đưa quân, dân ra quần đảo để tạo lập các đơn vị hành chính “thành phố Tam Sa”; công bố văn bản pháp lý quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng các vùng biển và thềm lục địa bao lấy toàn bộ quần đảo; thường xuyên ra các lệnh, quyết định hành chính, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là một ví dụ điển hình.
Thứ hai, phạm vi của Lệnh cấm đánh cá vi phạm các quy định của UNCLOS 1982, Việt Nam (12/11/1982) đã công bố Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam, nên Việt Nam hoàn toàn có quyền xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình. Phạm vi mà Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, đã bao trùm lên một phần vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Không những vậy, tại phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (7/2016), Toà đã khẳng định việc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012 tại một khu vực lớn tại Biển Đông, mà không loại trừ EEZ của Philippines và không giới hạn áp dụng với các tàu mang cờ Trung Quốc, là sự vi phạm Điều 56 UNCLOS về quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật biển trong EEZ của Philippines (đoạn 716, phán quyết 2016). Việc tiếp tục đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh đánh bắt cá trong phạm vi rộng tại Biển Đông vào năm 2017, năm 2018, sau khi phán quyết Tòa Trọng tài có hiệu lực, cho thấy sự thách thức của Trung Quốc đối với quy định của pháp luật quốc tế hiện hành. Ngoài ra, phạm vi lệnh cấm đánh cá còn vi phạm quy chế của vùng chồng lấn nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định vùng chồng lấn này. Theo quy định của UNCLOS và theo thực tiễn quốc tế, trong khi đàm phán phân định vùng chồng lấn, các bên liên quan không được phép đơn phương tiến hành bất kỳ một hoạt động nào. Việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở vùng chồng lấn là trái với quy định của UNCLOS, bất chấp thông lệ quốc tế và hoàn toàn đi ngược lại cam kết chính trị của hai bên.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm mục a, mục b, Khoản 1, Điều 98 của UNCLOS về Nghĩa vụ giúp đỡ. Điều 98 quy định “Mọi quốc gia đòi hỏi thuyền trưởng của một chiếc tàu mang cờ của nước mình, trong chừng mực có thể làm được mà không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho con tàu, cho đoàn thủy thủ hay cho hành khách trên tàu, phải: a) Giúp đỡ bất kỳ ai đang gặp nguy khốn trên biển; b) Hết sức nhanh chóng đến cứu những người đang bị nguy cấp nếu như được thông báo những người này cần được giúp đỡ, trong chừng mực mà người ta có thể chờ đợi một cách hợp lý là thuyền trưởng phải xử lý như thế; c) Trong trường hợp xảy ra tai nạn đâm va, giúp đỡ chiếc tàu kia, đoàn thủy thủ và hành khách của nó và, trong phạm vi có thể, cho chiếc tàu đó biết tên và cảng đăng ký của tàu mình, và cảng gần nhất mà tàu mình sẽ cập bến”.
Thứ tư, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm cho thấy Trung Quốc vi phạm Điều 5 của DOC. Điều 5 quy định: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng. Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm: Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng. Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra”.
Thứ năm, vi phạm các quy định, thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông đã được ghi nhận và nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện song phương và khu vực. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết DOC. Các bên tái khẳng định cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”. Các bên cũng cam kết “sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên.” Tuyên bố DOC là một văn bản chính trị, không có giá trị ràng buộc, do đó không tạo ra bất kỳ giá trị pháp lý nào.
Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Thỏa thuận này yêu cầu hai nước trong quá trình đàm phán phải “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần” của Tuyên bố DOC. Nếu Thỏa thuận này được xem là một thỏa thuận có tính chất ràng buộc (một điều ước quốc tế) giữa hai nước thì bằng cách dẫn chiếu đến Tuyên bố DOC, hai nước đã trao giá trị ràng buộc cho Tuyên bố DOC.
Phản ứng của Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lân tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp với các vùng biển Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS; nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình ở khu vực.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng nhiều lần có công văn gửi các Bộ, ngành liên quan phản đối hành động đơn phương này từ phía Trung Quốc. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, hành động đơn phương han hành Quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển vịnh Bắc bộ, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại DOC; không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động đơn phương và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc. Quyết định trên của phía Trung Quốc là vô giá trị.
Việt Nam cũng thành lập lực lượng Cảnh sát Biển, Vùng II Hải quân… Hải quân, không quân thường xuyên được nâng cao năng lực phòng thủ và tăng cường hoạt động tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Các lực lượng tuần tra, kiểm soát của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển thường xuyên triển khai các công việc để quản lý các hoạt động trên biển, xua đuổi, xử lý hành chính các vụ việc tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam. Trong đó xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam cũng tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo như: Khai thác, chế biến dầu khí; hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển; khai thác, chế biến hải sản, du lịch… Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo. Hiện nay, các hoạt động về thăm dò, khai thác dầu khí của chúng ta đã và đang diễn ra bình thường, chúng ta đang tiếp tục duy trì hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn của Nga, Mỹ, Canada, Australia, Ấn độ, Nhật, Hàn Quốc trên vùng đặc quyền 200 hải lý và thềm lục địa… Các ngành chức năng và các địa phương cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ đối với ngư dân khai thác trên biển. Ngư dân ta tiếp tục đánh bắt hải sản ở khu vực đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sản lượng khai thác của khối tàu cá xa bờ chiếm 40% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước.