Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngChỉ 1 chuyến thăm, ông Kim Jong-un cảm ơn ông Tập tới...

Chỉ 1 chuyến thăm, ông Kim Jong-un cảm ơn ông Tập tới 6 lần, TQ tiết lộ điểm đặc biệt

6 lời cảm ơn của ông Kim Jong-un gửi tới ông Tập Cận Bình đều tập trung vào một vấn đề.

Ông Kim Jong-un đã được đón tiếp nồng hậu khi tới Trung Quốc. Ảnh: KCNA/Reuters

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã sang thăm Trung Quốc vài ngày trước, cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sau đó đều đưa tin về chuyến công du này.

Trong bài viết đăng tải ngày 10/1 của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho thấy, ông Kim Jong-un đã 6 lần cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm này.

KCNA cho biết, vào 17 giờ chiều 8/1 (giờ địa phương), nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gặp ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân (Bắc Kinh, Trung Quốc).

6 lần cảm ơn

“[Đồng chí] Kim Jong-un đã bày tỏ sự cảm kích tới đồng chí Tập Cận Bình vì [Chủ tịch Trung Quốc] đã quan tâm sâu sắc và bớt chút thời gian trong quỹ thời gian bận rộn đầu năm mới để [đón tiếp lãnh đạo Triều Tiên]”, KCNA viết.

“Đồng chí Kim Jong-un bày tỏ sự cảm kích trước việc Tổng bí thư Tập Cận Bình và các đồng chí thân thiết trong đảng và chính phủ Trung Quốc đã gác lại lịch trình bận rộn vào đầu năm, nhiệt tình mời và tiếp đón chu đáo phái đoàn Triều Tiên thăm Trung Quốc…”, KCNA mô tả về cuộc hội đàm.

Hãng thông tấn Triều Tiên cũng cho hay, trong dạ tiệc chào mừng phái đoàn Triều Tiên ngày 8/1, ông Kim Jong-un đã nói trong bài phát biểu: “Tôi vô cùng cảm ơn sự hiếu khách và nồng hậu của đảng và chính phủ Trung Quốc đối với chuyến thăm Trung Quốc đầu năm mới”.

Một ngày sau đó 9/1, hai nhà lãnh đạo Trung-Triều tiếp tục tiến hành một cuộc gặp khác tại Khách sạn Bắc Kinh. “[Đồng chí] Kim Jong-un vô cùng cảm kích vì nhờ sự quan tâm đặc biệt và tiếp đón nồng hậu của đồng chí Tập Cận Bình mà không cảm thấy gặp phải bất cứ sự bất tiện nào, bày tỏ sự hài lòng về chuyến thăm tốt đẹp và ý nghĩa”, KCNA viết.

Khoảng 15 giờ chiều 9/1, ông Kim Jong-un, rời Bắc Kinh, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. “Khi rời Đan Đông, đồng chí Kim Jong-un đã gửi thư tay cảm ơn tới đồng chí Tập Cận Bình vì sự chào đón nhiệt tình và tiếp đãi nồng hậu trong chuyến thăm Trung Quốc”, hãng thông tấn Triều Tiên cho biết.

Từ thông báo của KCNA có thể thấy, sáu lời cảm ơn của ông Kim Jong-un đều dành cho cùng một sự việc: Sự tiếp đón thịnh tình của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận ra, báo cáo về chuyến thăm của ông Kim Jong-un giữa truyền thông Triều Tiên và Trung Quốc lại có sự khác biệt.

Trong bài viết đăng tải ngày 10/1, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã hai lần đề cập việc ông Kim Jong-un bày tỏ sự cảm ơn tới Chủ tịch Tập Cận Bình.

Lần thứ nhất, ông Kim Jong-un cảm ơn ông Tập Cận Bình vì sự tiếp đón nồng hậu, còn lại là cảm ơn vai trò của Trung Quốc trong việc làm dịu tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vào năm ngoái.

Sự khác biệt duy nhất trong báo cáo của Trung Quốc và Triều Tiên chính là, Bắc Kinh đề cập rằng, ông Kim Jong-un cảm ơn Trung Quốc về vai trò của nước này trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo, trong khi Bình Nhưỡng không nhắc tới tình tiết này.

Việc truyền thông Triều Tiên nhiều lần đề cập sự biết ơn của ông Kim Jong-un trước sự tiếp đón nhiệt tình của Trung Quốc nhằm nhấn mạnh, Kim thực sự được đón tiếp rất long trọng khi tới Bắc Kinh. Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng xây dựng hình tượng lãnh đạo vĩ đại của ông Kim Jong-un.

Trong khi đó, cách truyền tải thông điệp của Bắc Kinh phù hợp với tiêu chí tuyên truyền của Trung Nam Hải: Trung Quốc công khai lời cảm ơn của Triều Tiên nhằm tái khẳng định vị thế của nước này trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

Khi đề cập đến tình hình bán đảo, KCNA dường như bỏ qua lời cảm ơn của ông Kim Jong-un mà nhấn mạnh sự ủng hộ và đánh giá cao của Trung Quốc đối với ông.

Theo giới phân tích, điều này không có nghĩa ông Kim không nói lời cảm ơn mà động thái này chỉ thể hiện tính lựa chọn về nhu cầu chính trị: Triều Tiên đang tiến hành chuyển hướng chiến lược khi tập trung vào kinh tế hơn là quân sự như trước đây.

Đây là sự chuyển hướng chiến lược quan trọng và quyết sách của lãnh đạo tất nhiên là điểm nhấn cần được truyền thông đăng tải.

RELATED ARTICLES

Tin mới