Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngDùng vũ lực chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa và...

Dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: TQ đang vi phạm các quy định cơ bản nhất của Luật quốc tế

Năm 1945, sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Hiến chương Liên hợp quốc ra đời với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới; trong đó có quy định về hòa bình, giải quyết tranh chấp là nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên không được đe dọa sử dụng vũ lực và cấm đe dọa sử dụng vũ lực. Trung Quốc là thành viên của Liên hợp quốc. Vậy nhưng, năm 1974 Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp tại Hoàng Sa, vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc và các quy định luật pháp quốc tế khác.

Chủ quyền quốc gia không thể xác lập bằng việc sử dụng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ của nước khác

Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tất cả các văn bản luật quốc tế đều không thừa nhận việc sử dụng vũ lực để chiếm đóng. Hành động của Trung Quốc năm 1974 có nhiều chứng cứ cho thấy là một cuộc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Suốt quá trình trước, trong và sau trận hải chiến Hoàng Sa, Việt Nam Cộng hòa liên tục phản đối các hành động của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên cáo lên án Trung Quốc xâm chiếm và khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam Cộng hòa tại quần đảo này.

Trên thực địa, nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền, hải quân Việt Nam Cộng hòa đã phải nổ súng, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, dù biết đối phương mạnh hơn. Một ngày sau trận chiến, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa tiếp tục có công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc để yêu cầu Tổng thư ký, theo Điều 99 Hiến chương, lưu ý Hội đồng Bảo an về tình hình nghiêm trọng xảy ra bởi hành động xâm chiếm của Trung Quốc. Tiếp đó, Việt Nam Cộng hòa gửi thư cho các quốc gia thành viên của Hiệp định Paris 1973 để cảnh báo về hiểm họa gây ra bởi việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Ngày 21/1/1974, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc đã triệu tập sứ quán các nước để tố cáo hành động của Trung Quốc và yêu cầu các nước lên tiếng bày tỏ thái độ, ban hành những biện pháp thích hợp trước biến cố này. Ngày 14/2/1974, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa công bố một bản Tuyên cáo xác nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định Việt Nam Cộng hòa sẽ tiếp tục đấu tranh để tái lập và bảo vệ chủ quyền của mình trên những quần đảo này. Tuy sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng, nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam Cộng hòa từ bỏ chủ quyền trên những quần đảo này. Ngày 22/3/2974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đã đến New York (Mỹ) hội kiến Tổng thư ký Liên hợp quốc để tái xác định lập trường của Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc ở Biển Đông

Bằng các hành động dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1956 và 1974 cùng 6 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam năm 1988, Trung Quốc đã vi phạm Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 thuộc Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, cụ thể: Khoản 2 quy định: Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này để được đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có; Khoản 3 quy định: Tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý; Khoản 4 cho rằng: Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc được thể hiện trong Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/10/1970, trong đó quy định rõ: “Lãnh thổ quốc gia không thể bị chiếm đóng quân sự do việc sử dụng vũ lực trái với những điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ quốc gia không thể bị một quốc gia khác chiếm đoạt là kết quả của việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực. Không một sự chiếm đóng lãnh thổ do việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nào được công nhận là hợp pháp”. Nghị quyết cũng quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như một biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực ra đời đã đặt dấu chấm hết cho phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng xâm chiếm (conquest). Nguyên tắc này ra đời trước khi trận hải chiến tại Hoàng Sa diễn ra. Do đó, Trung Quốc bằng hành vi sử dụng vũ lực, không thể xác lập chủ quyền phi pháp của mình trên quần đảo Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế. Nguyên tắc này cũng được cụ thể hóa trong một loạt các văn kiện quốc tế quan trọng khác như: Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc 1974 về định nghĩa “xâm lược”, Định ước của Hội nghị Hensinki 1975 về an ninh và hợp tác của các nước châu Âu, Tuyên bố năm 1987 về việc nâng cao hiệu quả của nguyên tắc khước từ đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế… Việc Trung Quốc xâm chiếm các đảo Phú Lâm và Lin Côn năm 1956 và dùng quân đội chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Cam Tuyền, sau đó là toàn bộ nhóm đảo Trăng Khuyết là hành động cưỡng chiếm bằng vũ lực, phù hợp định nghĩa về hành vi “xâm lược” theo luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 3314 ngày 12/4/1974 đã đưa ra danh mục các hoạt động được coi là hành vi xâm lược, không phụ thuộc có tuyên bố chiến tranh hay không và ở nơi nào. Theo đó, việc sử dụng lực lượng vũ trang chiếm đóng, thôn tính toàn bộ hay một phần lãnh thổ quốc gia khác được coi là hành vi xâm lược.

Trong khi đó Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) không quy định các nguyên tắc về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Vì vậy việc giải quyết tranh chấp về xác lập chủ quyền trên quần đảo Trường Sa phải dựa trên các quy định tập quán quốc tế và thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ của các cơ quan tài phán quốc tế. Bên cạnh đó, các quốc gia yêu sách cũng đồng thời tuyên bố thiết lập các vùng biển bao quanh các thực thể địa lý thuộc quẩn đảo Trường Sa (theo cách hiểu của mỗi nước về quy định của UNCLOS). Trong bối cảnh tranh chấp nhạy cảm như vậy, Trung Quốc đã đơn phương tiến hành bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, bất chấp sự phản đối từ các bên liên quan trên một số cấu trúc, thực thể ở Trường Sa gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa và Vành Khăn. Hành động này của Trung Quốc trước hết đã vi phạm nghiêm trọng Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều khoản này quy đinh: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”.

Công pháp quốc tế quy định rõ, giải quyết tranh chấp quốc tế một cách hòa bình là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi quốc gia, kiềm chế mọi hành động căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Trung Quốc vi phạm UNCLOS

Đối với các tranh chấp biển, UNCLOS thường được viện dẫn với tính chất điều ước quốc tế đa phương, đồng thời chứa đựng các quy phạm tập quán quốc tế, điều chỉnh tương đối toàn diện các vấn đề pháp lý liên quan đến việc hoạch định, sử dụng và khai thác các vùng biển. Nhìn theo Công pháp quốc tế thì trên Biển Đông đang tồn tại 3 loại tranh chấp: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp các vùng biển chồng lấn tạo ra theo quy định của UNCLOS và tranh chấp về việc giải thích, áp dụng UNCLOS ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc cản trở các hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các bãi đá nửa nổi nửa chìm hoặc chìm hoàn toàn dưới mặt nước biển khi thủy triều lên mà họ bồi lấp thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa đang vi phạm các quy chế dành cho các thực thể, cấu tạo trên biển theo Phần III của UNCLOS bởi các cấu trúc này không được hưởng bất cứ quy chế nào về các vùng biển. Không những vậy, Trung Quốc cũng đã vi phạm các Khoản 3, Khoản 5, Khoản 7, Khoản 8 thuộc Điều 60 của UNCLOS quy định đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong việc tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các công trình trên biển. Trung Quốc đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ. Ngoài ra, Trung Quốc vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Trung Quốc còn vi phạm Điều 208 UNCLOS về ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển.

Như vậy có thể thấy yêu sách, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam theo UNCLOS, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Tất cả đều bắt nguồn từ tham vọng bành trướng lãnh thổ cụ thể hóa bằng đường lưỡi bò mà Trung Quốc không có cách nào giải thích, nhưng lại đang tìm mọi cách để hiện thực hóa yêu sách trên.

Một số vụ việc điển hình trong giai đoạn gần đây

Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam: Hành động trên là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm UNCLOS, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điểm đặt giàn khoan cách điểm cơ sở là đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý và cách ranh giới bên ngoài 200 hải lý là 80 hải lý, cách đảo Tri Tôn là điểm đảo gần nhất của quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý và cách xa đảo Hải Nam là hơn 180 hải lý. Theo Điều 57 UNCLOS qui định: Chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển sẽ không vượt quá 200 hải lý; đồng thời tại Điều 76 của Công ước này cũng qui định rằng: Một trong những cách lựa chọn xác định chiều rộng của thềm lục địa một quốc gia ven biển tối thiểu là 200 hải lý. Nếu chiểu theo ranh giới 200 hải lý thì vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngoài ra, theo Điều 56 và Điều 76 UNCLOS qui định chung về quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 về chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, một quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nhằm thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên gắn liền dưới đáy biển ở thềm lục địa nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền của Việt Nam.

 Quyền tài phán của quốc gia ven biển là được cấp phép, cho phép lắp đặt xây dựng các công trình nổi trên biển, trong khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là công trình nổi trên biển, trắng trợn đưa vào thềm lục địa của Việt Nam, không được sự đồng ý của Việt Nam, rõ ràng đã vi phạm quyền tài phán của Việt Nam. Điều 81 của UNCLOS cũng chỉ ra rằng: Mọi hoạt động tiến hành khoan, thăm dò hay vì bất kỳ mục đích gì trong thềm lục địa phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Soi chiếu những cơ sở pháp lý này, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Bằng hành động của mình, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng cam kết về ứng xử trên Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc đã đi ngược lại lời nói của mình, đơn phương đe dọa sử dụng vũ lực, khiêu khích, leo thang trong khi Việt Nam hết sức kiềm chế để bảo đảm hòa bình trên Biển Đông. Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 rõ ràng đã làm phức tạp thêm tình hình và thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho họ.

Trong tuyên bố 6 điểm mà lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã ký vào năm 2011, có thỏa thuận thể hiện nội dung quan hệ đặc biệt láng giềng hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc gói gọn trong 16 chữ (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và tinh thần 4 tốt (Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt). Cách hành xử văn minh trong quan hệ quốc tế giữa hai quốc gia láng giềng là không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Hành vi của Trung Quốc đã đi ngược lại những gì họ đã cam kết trong Tuyên bố của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Chỉ bằng hành vi đơn phương khiêu khích trên thực địa, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã xóa nhòa tất cả những gì tốt đẹp nhất mà nhân dân hai nước đã dày công vun đắp, vi phạm trắng trợn UNCLOS.

Tàu chấp pháp Trung Quốc tấn công phi pháp tàu Việt Nam: Tàu Trung Quốc thường xuyên gây hấn, dùng vòi rồng để phun vào các tàu của Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam, sử dụng các tàu hộ vệ tên lửa, máy bay tuần tiễu; đặc biệt nguy hiểm hơn là những vũ khí luôn để ở chế độ sẵn sàng nổ súng… Đây hiển nhiên là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng chấp pháp có thẩm quyền, có quyền tài phán trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được qui định tại Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc là nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực.

Không chỉ như vậy Trung Quốc còn vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa hòa bình, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực biển của Việt Nam nói riêng và trong khu vực của Biển Đông nói chung. Theo Điều 58 và Điều 78 UNCLOS, tất cả các quốc gia, các loại tàu thuyền, các phương tiện bay có thể lưu thông trên biển hợp pháp nhưng với hành vi triển khai tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám cũng như máy bay tuần tiễu, Trung Quốc không chỉ vi phạm vào quyền tự do hàng hải của Việt Nam, mà tàu thuyền của các quốc gia khác trên thế giới cũng bị đe dọa đến an toàn, an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, Công ước luật biển còn nêu chống đâm va để đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế. Những công ước này qui định cho những quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam tôn trọng và bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế nhưng những hành vi mà Trung Quốc đã làm trong thời gian qua là không đảm bảo an toàn so với qui định của Công ước.

Trung Quốc vĩnh viễn không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Theo luật quốc tế, nếu có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có một khoảng gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô hiệu. Tuy nhiên, việc Trung Quốc dũng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ không tạo ra “chủ quyền” cho Bắc Kinh.

Nghị quyết 2625 quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương LHQ. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu từ một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. Bên cạnh đó, tại khoản 4 điều 2 Hiến chương LHQ cũng quy định: “Các nước thành viên Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế không được đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc nhằm những mục đích khác không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc”.

Do đó, việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo của Việt Nam vào năm 1974 và sau này là hành động chiếm đóng bất hợp pháp, đi ngược với Hiến chương Liên hợp quốc và nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Chính vì việc chiếm đóng này là bất hợp pháp nên Trung Quốc sẽ không bao giờ có căn cứ để xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa.

Trong khi đó, với những bằng chứng lịch sử và pháp lý mà Việt Nam đang có hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có quyền khẳng định Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ 17, phù hợp với nguyên tắc phát hiện và chiếm hữu thực chất – nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xác định chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ được luật pháp quốc tế công nhận. Điển hình là việc chúa Nguyễn lập “đội Hoàng Sa”, “đội Bắc Hải” để khai thác tài nguyên và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa đã được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử như Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo (1686), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776)… Đồng thời, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Paracel – Hoàng Sa cũng được thừa nhận trong nhiều tài liệu của nước ngoài như Hải ngoại ký sự (1696) của Thích Đại Sán, Nhật ký Batavia(1631-1636) của Công ty Ấn Độ – Hà Lan, An Nam đại quốc họa đồ (1838) của Taberd. Đặc biệt là Bộ Atlas của nhà địa lý học Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Bruxelles đã ghi nhận Paracel – Hoàng Sa thuộc chủ quyền của đế chế An Nam (Empire d’An-nam)…

Và khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam thì phía Việt Nam đã có sự chống trả quyết liệt và đã phát hành các công hàm ngoại giao phản đối hành vi chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc. Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình đối với các đảo do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

RELATED ARTICLES

Tin mới