Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTừ kho báu ở châu Phi, Mỹ đã tìm ra cách khắc...

Từ kho báu ở châu Phi, Mỹ đã tìm ra cách khắc chế sáng kiến Vành đai và con đường của TQ?

Vào năm 2006, bốn thập kỷ sau khi Anh chấm dứt sự cai trị, một kho báu ở Uganda được phát hiện. Nước châu Phi này là đối tác trong sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh.

Dự án nhà máy thủy điện ở Uganda do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Ảnh: NYT

Doanh nghiệp Mỹ hành động

Rajakumari Jandhyala, người lớn lên ở vùng ngoại ô Ohio, không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm việc trong ngành dầu khí, bà càng không nghĩ rằng sẽ đứng ở tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bà đảm nhiệm vai trò của một nhà tư vấn về các vấn đề chính sách châu Phi trong 20 năm, gần đây nhất bà là thành viên trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Nhưng vào năm 2016, bà đã tham gia đấu thầu sau khi biết đến đề xuất xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Uganda, với quy mô có thể là lớn nhất ở Đông Phi.

Bà tìm thấy một nhà đầu tư ở Kenya và thuê giám đốc điều hành dầu khí từ tập đoàn General Electric (GE). Một nhà thầu Ý cũng tham gia vào dự án này của bà.

Tuy nhiên, vấn đề chính của bà là các đối thủ cạnh tranh đang được hưởng lợi thế rất lớn. Đối thủ là hai công ty năng lượng của Trung Quốc, một trong số đó là một tập đoàn dầu mỏ quốc doanh được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, The New York Times (Mỹ) cho biết.

Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm các dự án đầu tư và công nghệ trên khắp thế giới, có thể thấy rõ nhất ở châu Phi. Nhiều công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng xây dựng đập, đường bộ, sân vận động, sân bay và đường sắt ở nước bản địa. Đồng thời, chính phủ nhiều quốc gia châu Phi đã vay một khoản tiền lớn từ Trung Quốc để trả cho các dự án quy mô lớn này.

Đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi được xem là vấn đề cốt lõi trong sáng kiến Vành đai và con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến này ​​đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào phát triển cơ sở hạ tầng nhằm mở rộng sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu của Bắc Kinh.

NYT cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay cáo buộc Trung Quốc đang tạo ra “bẫy nợ ngoại giao” đối với các nước bản địa và để đáp trả Bắc Kinh, Nhà Trắng đã công bố một kế hoạch giúp các công ty Mỹ cạnh tranh với các công ty Trung Quốc.

“Chúng ta đang hợp lý hóa các dự án tài chính và phát triển quốc tế, cung cấp cho các quốc gia khác một giải pháp công bằng và minh bạch, thay thế cho các bẫy nợ ngoại giao của Trung Quốc”, Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu hồi tháng 10/2018.

Ý tưởng của Mỹ là thách thức các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, đồng thời đẩy lùi các hoạt động thương mại, tấn công mạng và mở rộng các cơ sở quân sự và sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Bắc Kinh.

“Ở châu Phi, các doanh nghiệp Mỹ hầu như vắng mặt trong khi các công ty Trung Quốc đã ăn sâu cắm rễ, xây dựng liên minh lớn mạnh thông qua các biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp”, NYT cáo buộc, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã dùng tiền mặt hoặc các giao dịch dịch vụ như đại diện pháp lý hoặc bảo hiểm để hối lộ các quan chức châu Phi và người nhà họ.

Vào đầu năm ngoái, đã có một cuộc tranh luận căng thẳng diễn ra giữa bà Jandhyala và các giám đốc điều hành cấp cao khác trong tập đoàn với các quan chức Uganda – những người ủng hộ công ty Trung Quốc.

Trong một nỗ lực để giải quyết tranh chấp gay gắt này, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã buộc phải triệu tập cuộc họp.

NYT cho hay, trong một bài phát biểu vào tháng Tư, Tổng thống Museveni đã ca ngợi các công ty phương Tây vì “cuối cùng đã nhận thức được vai trò của châu Phi”. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, đây là điều mà người Trung Quốc đã sớm nhận thức được và – “họ thực sự, thực sự, thực sự rất năng động và nhanh nhẹn”.

Tranh chấp kho báu

Khu vực quanh những hồ lớn châu Phi từ lâu đã thu hút những người nước ngoài tới tìm kiếm sự giàu có và vào năm 2006, bốn thập kỷ sau khi chấm dứt sự cai trị của Vương quốc Anh ở Uganda, một kho báu đã được phát hiện: Mỏ dầu bên hồ Albert thuộc dạng lớn nhất Đông Phi, đủ để cải thiện kinh tế của Uganda.

Sau nhiều năm đàm phán với các công ty nước ngoài, chính phủ Tổng thống Museveni cuối cùng đã đồng ý khai thác mỏ dầu và xây dựng một đường ống dẫn đến bờ biển phía đông nam Tanzania, từ đó vận chuyển đi các nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Museveni cũng mong muốn xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Uganda để giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực vào nhiên liệu nhập khẩu. Hợp đồng ban đầu được trao cho người Nga nhưng họ đã rút lui.

Trong chuyến đi đến Uganda năm 2016, bà Jandhyala đã nghe về những kế hoạch này. Tại văn phòng ở Washington, bà đã kêu gọi các đối tác hợp tác nhằm đạt được dự án này.

“Với GE, đây là doạnh nghiệp Mỹ có tiềm năng rất lớn”, bà nói về công ty đối tác.

Tuy nhiên, cơ hội ở Uganda cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới, khi Uganda đã nhận được hơn 40 đề xuất xây dựng nhà máy lọc dầu.

Một trong những nhà thầu là Dongsong, một công ty khai thác điện năng tư nhân ở phía nam thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Một doanh nghiệp khác là CNOOC – Công ty TNHH dầu khí hải dương Trung Quốc, là doanh nghiệp dầu khí lớn thứ ba tại nước này.

Cả hai công ty đều có văn phòng tại Kampala, thủ đô của Uganda và đã làm việc chặt chẽ trong nhiều năm với Bộ Phát triển Năng lượng và Khoáng sản Uganda. Dongsong đang xây dựng một nhà máy phân lân, phân bón hóa học trị giá 620 triệu USD ở miền đông Uganda, còn CNOOC là một trong ba công ty nước ngoài đã đạt được thỏa thuận khai thác dầu mỏ.

Tuy nhiên, NYT cho biết, theo đánh giá của chính phủ Uganda, doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa ra nhiều điều khoản có lợi cho họ.

Trong khi, Dongsong muốn có khoản bảo lãnh cho vay chắc chắn, tức là nếu dự án thất bại, chính phủ Uganda phải chịu trách nhiệm về khoản nợ 60% cho lao động và nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. CNOOC thì muốn mở rộng quyền khai thác dầu mỏ.

“Chúng tôi đang phát triển một số lượng lớn các dự án thâm dụng vốn”, ông Robert Kasande, quan chức cấp cao Bộ năng lượng Uganda nói, “Chúng tôi cần tài chính và người Trung Quốc có thể làm được điều đó”.

Hãy ghi nhớ tên tôi

Những binh sĩ Uganda với súng trường Kalashnikov đang đứng gác trước trụ sở của Dongsong ở Kampala. Trụ sở của Dongsong là một biệt thự trên đỉnh đồi với một bể bơi và có tầm nhìn bao quát thủ đô Kampala. Người sáng lập của Dongsong, Lữ Vĩ Đông thường đến đây nhiều lần trong năm.

“Tham vọng lớn nhất của tôi là khi tôi đi vào các ngôi làng ở Uganda, dân làng xếp hàng và chào đón tôi bằng những tràng pháo tay”, doanh nhân Trung Quốc nói tại văn phòng ở Bắc Kinh, “Tôi hy vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp của Uganda, để lịch sử của Đông Phi và Uganda ghi nhớ tên tôi”.

NYT đánh giá, Lữ Vĩ Đông là điển hình của chiến lược vươn tầm thế giới của Bắc Kinh, chiến lược này khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc thiết lập chỗ đứng trên khắp thế giới.

Lữ Vĩ Đông, 50 tuổi, cựu giám đốc ngân hàng và là thành viên của cơ quan cố vấn chính trị thương mại của chính quyền Bắc Kinh. Ông này cho biết, ông đã mạo hiểm tới Uganda sau khi vô tình nhìn thấy Tổng lãnh sự quán của nước này ở Quảng Châu.

Rất nhanh, ông có được hợp đồng khai thác quặng. “Đây là ý trời”, Lữ nói.

NYT cho biết, theo báo cáo của Tổng chưởng lý Uganda, vào năm 2016, Văn phòng Tổng chưởng lý rút ra kết luận rằng, giấy phép khai thác của Dongsong có được do gian lận và đề nghị thu hồi cùng một loạt bê bối kéo theo sau đó.

Năm 2017, hai quan chức Bộ tài chính Uganda đã bị bắt giữ vì nghi ngờ đòi và nhận hối lộ từ Dongsong.

Công ty này cũng phải đối mặt với các vấn đề ở Trung Quốc. Một tòa án ở tỉnh Hồ Bắc năm ngoái cho rằng, ông Lữ đã thành lập một công ty vỏ bọc để hối lộ cho hai quan chức ngân hàng nhà nước bị kết án về tội tham nhũng.

Tất nhiên, Lữ Vĩ Đông đã phủ nhận mọi cáo buộc và gói đấu thầu của Dongsong vẫn được đánh giá cao ở Uganda.

Dongsong cũng giành được cam kết tài chính của một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc – miễn là Uganda đảm bảo cho khoản vay.

Theo NYT, mô hình này phổ biến trên khắp châu Phi. Những khoản vay này thường có các điều khoản nghiêm ngặt hơn các gói viện trợ của Ngân hàng Thế giới.

Theo AidData – Trung tâm nghiên cứu tài chính thuộc Đại học William & Mary (Mỹ), người vay phải trả nợ nhanh hơn mặc dù lãi suất có thể thấp hơn.

Các nhà phân tích cho rằng, điều này đã khiến một số quốc gia có nguy cơ bị khủng hoảng nợ cao. Ví dụ, ở Kenya, nếu Nairobi không trả được khoản vay 3,2 tỷ USD cho một dự án đường sắt thì một ngân hàng Trung Quốc có thể tiếp quản một cảng ở quốc gia này.

Gánh nặng nợ của Uganda được cho vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát mặc dù nước này đã tăng các khoản vay. Từ năm 2000 đến 2014, Uganda đã nhận được ít nhất 1,24 tỷ USD từ các khoản vay của Trung Quốc, theo AidData. Vào năm 2015, họ đã đồng ý vay thêm 1,9 tỷ USD cho hai con đập được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc, và hiện tại họ đang tìm kiếm khoản vay 2,2 tỷ USD cho một tuyến đường sắt.

Tuy nhiên, Tổng thống Museveni và các quan chức khác dường như đang cân nhắc lại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Vào năm 2016, một vụ bê bối lớn liên quan đến 2 con đập kém chất lượng đang thi công dang dở tại Uganda đã nhắc tên doanh nghiệp Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Dongsong vẫn tận hưởng một lợi thế độc nhất trong cuộc cạnh tranh xây dựng nhà máy lọc dầu.

Theo các tài liệu của công ty, kể từ năm 2013, công ty luật Abmak Associates được thuê làm cố vấn pháp lý ở Uganda cho Dongsong.

Giám đốc điều hành của công ty luật, Henry A. Kaliisa, con trai của Fred Kabagambe Kaliisa, người từng là quan chức năng lượng quyền lực nhất ở Uganda. Ông này đã từ chức sau vụ bê bối đập nhưng vẫn có ảnh hưởng rất lớn.

Cuộc cạnh tranh của người Mỹ

Uganda cũng đưa tập đoàn Mỹ vào danh sách nhà thầu và các quan chức Uganda cũng đã tới Washington khảo sát. Bà Jandhyala và đối tác tài chính, Ronald Mincy, đã tổ chức đón tiếp họ ở Washington. Tuy nhiên, theo NYT, vấn đề tài chính trở thành chủ đề nóng của cuộc họp.

Trong một báo cáo nội bộ sau đó, nhóm nghiên cứu của chính phủ Uganda đã đánh giá Dongsong cao hơn nhưng vẫn đề nghị mời doanh nghiệp hai nước đến Uganda để đàm phán song song.

Tuy nhiên, Dongsong đã từ chối và cuối cùng, chính phủ Uganda quyết định đàm phán vòng cuối với doanh nghiệp Mỹ.

NYT cho biết, cùng lúc đó, một nhà thầu Trung Quốc khác, CNOOC, lặng lẽ xuất hiện vào phút cuối, cạnh tranh dự án xây dựng nhà máy lọc dầu và hy vọng sẽ mở rộng quyền kiểm soát với các mỏ dầu.

Điều này buộc bà Jandhyala phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Washington và đó là tổ chức cung cấp tài chính của chính phủ Mỹ OPIC.

OPIC không cam kết sẽ cung cấp khoản đầu tư 1 tỷ USD như các ngân hàng Trung Quốc cung cấp nhưng họ đã gửi một lá thư cho biết, họ sẽ xem xét khoản vay 250 triệu USD và cung cấp bảo hiểm vay vốn.

“Điều này mang lại niềm tin cho người khác”, bà Jandhyala nói.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ xác định rằng dự án này phù hợp với lợi ích của Washington và cho phép Đại sứ Mỹ tại Uganda vận động hàng lang cho doanh nghiệp nước này.

Đại sứ Mỹ Deborah Malac cho biết bà đã thảo luận vấn đề này với Bộ trưởng Năng lượng Uganda cũng như Tổng thống Uganda. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã gửi hai bức thư và gọi điện trao đổi với chính phủ Uganda.

Do đó, vào tháng 1/2018, Tổng thống Uganda đã triệu tập một cuộc họp bên hồ Victoria, yêu cầu các quan chức năng lượng ngồi lại và thảo luận với bà Jandhyala và các đối tác. Sau đó, một thỏa thuận được ký vào tháng 4 cùng năm.

“Tôi nghĩ rằng, bài học quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động”, Đại sứ Malac nói, “Với tư cách là chính phủ Mỹ, chúng ta phải chủ động tìm cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ”.

Abigail Grace, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Xã hội mới của Mỹ, từng làm việc trong Hội đồng an ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ trên toàn cầu nên được đào tạo để đối phó với các vấn đề Trung Quốc.

Bà nói: “Ví dụ lần này cho thấy rằng, mặc dù mọi người đều nghĩ rằng Trung Quốc có thể đạt được lợi thế nhưng nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực, chúng ta có thể giành chiến thắng.”

Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Trump đã ký một dự luật thành lập một cơ quan mới để thay thế tổ chức OPIC và cung cấp 60 tỷ USD – gấp đôi so với trước đây nhưng đây vẫn là một phần nhỏ so với những gì Bắc Kinh đầu tư.

Trong khi đó, GE đã bắt đầu bán cổ phần của mình trong công ty dịch vụ mỏ dầu thuộc tập đoàn của bà Jandhyala. Sự rút lui của GE có thể làm suy yếu niềm tin của Uganda vào thỏa thuận này khả năng đảm bảo tài chính của doanh nghiệp Mỹ cũng chưa được chắc chắn.

Trái lại, người Trung Quốc đã tiếp tục di chuyển. Ông Lữ Vĩ Đông nói, ông dự định đầu tư vào một mỏ quặng ở Mozambique. Vào tháng 9 vừa qua, CNOOC cũng đã đạt được thứ mà họ muốn: Uganda đồng ý cho phép doanh nghiệp này tiến hành thăm dò một khu vực mới ở hồ Albert.

RELATED ARTICLES

95 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới