Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế TQ có dấu hiệu hạ cánh cứng?

Kinh tế TQ có dấu hiệu hạ cánh cứng?

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2018 thấp là hệ quả 40 năm kinh tế nước này chạy theo số lượng cùng tác động của cuộc chiến thương mại.

Bình luận trước thông tin kinh tế Trung Quốc năm 2018 đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm qua (6,6%), Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho biết, những yếu kém của nền kinh tế có 40 năm chạy theo số lượng cùng với tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã gây nên hệ quả trên.

Nhìn lại 40 năm qua (1978-2018), Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá, kinh tế Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng thần kỳ, nhanh chóng nâng sức mạnh tổng lực quốc gia mà khó có nước nào sánh kịp. 

Để có mức tăng trưởng hai chữ số suốt mấy thập kỷ, Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, sân bay, bến cảng…), đẩy mạnh xuất khẩu để hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Thế nhưng, chính cách làm ấy cũng để lại hậu quả cho nền kinh tế Trung Quốc những hậu quả không dễ gì khắc phục.

“40 năm kinh tế Trung Quốc chạy theo số lượng với châm ngôn nhanh “đuổi kịp Pháp vượt Pháp, đuổi kịp Anh vượt Anh, đuổi kịp Đức vượt Đức, đuổi kịp Nhật vượt Nhật…” nhưng chất lượng tăng trưởng lại có vấn đề.

Song song với việc sở hữu kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới hơn 3.000 tỷ USD, Trung Quốc cũng gánh núi nợ công lên tới chừng 28.000 tỷ USD, gấp 3 lần GDP một năm của nước này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế thiếu cân bằng và không bền vững, như cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng phát biểu: “Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang mất cân bằng, không hợp lý và không bền vững…”.

 

Đó là hệ quả của việc chính phủ và các địa phương Trung Quốc đã đầu tư tràn lan khắp nơi, cuối cùng nhìn lại 40 năm qua, tình trạng của Trung Quốc là gánh nặng nợ công lớn, đầu tư không hiệu quả, sản xuất dư thừa, hàng hóa không tiêu thụ được…”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược nhận xét.

Năm 2018, vị chuyên gia nhìn nhận, chính là thời điểm những yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ mạnh mẽ với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung với các đòn thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng với hàng hóa Trung Quốc dù đây mới chỉ là bước dạo đầu.

“Dòng vốn đầu tư gián tiếp không những bị rút ròng, mà dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc cũng liên tiếp bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều tập đoàn đang dần dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các hàng rào thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, khiến nhiều công nhân mất việc làm, giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại quốc tháo chạy, dòng vốn của các công ty, giới nhà giàu Trung Quốc cũng lẳng lặng tìm đến những quốc gia khác để tìm cách bảo vệ giá trị tài sản. Những cơn sốt chứng khoán, bất động sản tại một số quốc gia như Úc, Canada hay những nước láng giềng thời gian qua có sự góp sức từ dòng tiền của các chủ đầu tư người Trung Quốc…

Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu “hạ cánh cứng”, dù chắc chắn chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ không để điều đó xảy ra và sẽ dốc toàn lực để kinh tế Trung Quốc hạ cánh nhẹ nhàng”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết.

Yếu tố tích cực trong năm 2019 đối với kinh tế Trung Quốc, theo vị chuyên gia, đó là nhiều khả năng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ đi đến hồi kết.

Tổng thống Trump dọa đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và vị chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ không để xảy ra điều này bởi một khi kịch bản thành hiện thực, kinh tế Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Vì thế, Trung Quốc có thể chấp nhận nhân nhượng Mỹ, mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quản lý tài sản.

Trong khi đó, uy tín của Tổng thống Trump đối với người dân Mỹ cũng được nâng cao, dù thực chất vị tổng thống này khó đủ sức đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD.

“Ông Trump không đủ sức vì vướng phải sự phản đối của người dân và các tập đoàn Mỹ, những đối tượng chịu thiệt thòi nếu đòn thuế quan được áp dụng. Vì vậy, các tập đoàn lớn tích cực vận động hành lang để Quốc hội Mỹ không đồng ý.

Hơn nữa, Tổng thống Trump cũng không còn công cụ để thực hiện đòn thuế quan nữa khi năm 2019, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ chi phối.

Dù chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia dừng lại thì những mâu thuẫn về kinh tế, chinh trị, an ninh sẽ vẫn ngày càng căng thẳng”, ông Cương nhận định.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược cũng đánh giá, năm 2019 và những năm tiếp theo, Trung Quốc phải có cuộc tổng điều chỉnh về chính sách kinh tế, đối nội và đối ngoại, rà soát lại tất cả các dự án làm sao đầu tư hiệu quả hơn, xem xét lại doanh nghiệp quốc doanh và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Vì lẽ đó, theo dự đoán, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 có thể còn thấp hơn năm 2018 và điều đó là hoàn toàn bình thường.

RELATED ARTICLES

Tin mới