Sunday, January 19, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao Mỹ phản đối mô hình kinh tế TQ?

Tại sao Mỹ phản đối mô hình kinh tế TQ?

Giới tinh hoa Mỹ cho rằng cần phải kiềm chế Trung Quốc cho dù cách thức kiềm chế vẫn còn chưa được thống nhất. Quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ còn nhiều sóng gió

Theo nhà báo kỳ cựu của Thời báo Washington Post, Bob Woodward, nước Mỹ đang coi Trung Quốc là kẻ thù thực sự.

Bài viết này sẽ phân tích một số nguyên nhân tại sao Mỹ lại có sự phản đối mạnh mẽ Trung Quốc như thế.

Từ nhiều năm qua, giới tinh hoa Mỹ đã bày tỏ sự bất bình đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vì không được tham gia những lĩnh vực độc quyền của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc.

Họ phàn nàn rằng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được bảo vệ và bảo hộ mạnh mẽ đang đè bẹp các doanh nghiệp Mỹ không chỉ ở Trung Quốc mà còn trong cạnh tranh toàn cầu.

Kế hoạch “Made in China 2025” đặc biệt khiến Washington tức giận. Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence coi đây như là chiến lược của Bắc Kinh nhằm đặt 90% các ngành công nghiệp hiện đại nhất thế giới dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Kế hoạch “Made in China 2025” được cho là nhằm loại bỏ các hoạt động đầu tư của Mỹ ra khỏi các thị trường công nghệ cao của Trung Quốc, cạnh tranh với các hoạt động đầu tư công nghệ cao của Mỹ trên toàn cầu.[1]

Qua đó, cho phép Trung Quốc thách thức ưu thế quân sự của Mỹ và làm suy yếu năng lực của Mỹ sử dụng vũ lực để có được những cơ hội thương mại và đầu tư.

Nhận xét về mô hình kinh tế của Trung Quốc hiện nay, nhà kinh tế Chang Ha-joon cho rằng trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc được tạo thành từ hơn 100.000 doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước tham gia mạnh mẽ trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như công nghiệp viễn thông, ngành điện và sản xuất ô tô. [2]

Bắc Kinh mong muốn doanh nghiệp nhà nước trở thành những doanh nghiệp đi đầu thế giới trong ngành sản xuất sản phẩm bán dẫn, xe điện, chế tạo robot và tài trợ cho những doanh nghiệp này thông qua các khoản trợ cấp.

Ông Yang Weimin, một cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho biết Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thay đổi hệ thống kinh tế để trở thành một nước tự chủ về công nghệ.

Điều Trung Quốc làm không khác những gì các nước hiện đại hơn đã làm vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như Nhật Bản hay Đức. [3]

Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc được cho là thách thức ưu thế công nghệ toàn cầu của Mỹ (Ảnh: Getty).

Thực tế, mô hình kinh tế của Trung Quốc theo đuổi đã giúp họ thành công trong việc đưa nước đông dân nhất thế giới thoát nghèo.

Năm 1984, 75% dân số Trung Quốc sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Đến năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống dưới 1% và Trung Quốc đang ở vị thế thách thức ưu thế công nghệ của các nước phương Tây và Mỹ.

Tạp chí phố Wall thừa nhận rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc là do các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong khuôn khổ một kế hoạch công nghiệp. [4]

Hiện tại, Washington đang quyết liệt chống lại mô hình kinh tế của Trung Quốc bởi các công ty công nghệ Mỹ e ngại rằng họ không còn làm chủ sân chơi công nghệ toàn cầu nữa.

Thậm chí, Mỹ còn sử dụng chiến tranh kinh tế và đe dọa quân sự để ngăn chặn mô hình kinh tế Trung Quốc đang theo đuổi.

Mô hình kinh tế mà Trung Quốc đang theo đuổi được nhận định là làm ảnh hưởng đến những lợi ích sinh lợi của giới tinh hoa kinh tế Mỹ và các nhóm kinh doanh Mỹ theo cách như sau:

(i) các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đóng cửa với các nhà đầu tư Mỹ; (ii) các ngành được bảo hộ ngăn chặn các nhà đầu tư Mỹ kiếm lợi nhuận; (iii) những yêu cầu của Trung Quốc trong hợp tác liên doanh hạn chế các hoạt động đầu tư của Mỹ và nhằm mục đích tiếp cận công nghệ cho phép phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với các công ty Mỹ.

Dù việc tiếp cận với các thị trường Trung Quốc và nguồn nhân công giá rẻ được Mỹ đánh giá cao nhưng Washington không muốn rằng việc tiếp cận này phụ thuộc vào các thỏa thuận liên doanh cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp nhận công nghệ Mỹ.

Các tập đoàn lớn của Mỹ được yêu cầu tiếp cận không hạn chế tất cả các thị trường Trung Quốc và các doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh bình đẳng với Trung Quốc.

Mục đích của việc Washington đưa ra yêu cầu nói trên có thể có 2 lý do: thứ nhất, nhằm tối đa hóa những cơ hội mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư Mỹ ở Trung Quốc; thứ hai, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh phát triển những doanh nghiệp quốc gia lớn có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ.

Theo tạp chí Business Insider, mô hình kinh tế của Trung Quốc cũng đe dọa lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ và có thể trở thành một tiền lệ cho các nước khác. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm thêm cơ hội kiếm lợi nhuận cho người Mỹ.

Những nước kém phát triển đã nhiều lần thực hiện các mô hình kinh tế, trong đó các doanh nghiệp nhà nước và việc kế hoạch hóa công nghiệp ở vị trí trung tâm. Trong hầu hết mọi trường hợp, Washington đã sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Giờ đây, giới tinh hoa Mỹ nhất trí cho rằng cần phải kiềm chế Trung Quốc cho dù cách thức kiềm chế vẫn còn chưa được thống nhất. Quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ còn nhiều song gió trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới