Bản tin Biển Đông ngày 14/02/2019.
Trung Quốc tiếp tục đe dọa ngư dân Philippines ở Scarborough
Ngày 13/2, Inquirer đưa tin, Trung Quốc tiếp tục đe dọa các ngư dân Philippines đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough. Theo Đô đốc Phil Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, các tàu hải cảnh của Trung Quốc hiện nay nằm dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, thường xuyên quấy rối và đe dọa các tàu cá của Philippines cũng như của các nước khác trong khu vực hoạt động gần bãi cạn Scarborough. Theo Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, bãi cạn Scarborough là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục phớt lờ Phán quyết và giữ quyền kiểm soát bãi cạn này. Đô đốc Davidson khẳng định “Bắc Kinh duy trì yêu sách ở Biển Đông trái với luật pháp quốc tế, tạo ra mối đe dọa lâu dài đối với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Tướng Benjamin Madrigal Jr., Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, cho biết quân đội Philippines thường xuyên theo dõi các diễn biến ở vùng biển tranh chấp này và báo cáo các vụ việc bất thường cho các cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao. Theo tướng Benjamin Madrigal Jr., Bộ Tư lệnh Bắc Luzon của Philippines bảo đảm rằng các ngư dân nước này vẫn có thể đánh cá tự do và không bị hạn chế các hoạt động bởi sự hiện diện của các tàu nước ngoài tại khu vực.
Nước Anh muốn dạy cho Trung Quốc một bài học
Ngày 14/2, trang International Policy Digest đăng bài viết cho rằng Anh đang muốn dạy cho Trung Quốc một bài học. Theo phát biểu ngày 11/2 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson, Anh sẽ cử tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông để đưa Trung Quốc trở về đúng vị trí của mình. Tuy nhiên, bài viết đánh giá, về mặt quân sự, các nước phương Tây sẽ không làm được gì nhiều. Thông qua ngoại giao, phương Tây có thể điều chỉnh Trung Quốc sang hướng khác, nhưng một tàu sân bay mới của Anh chưa chắc đã tạo ra được sự khác biệt. Bài viết cho rằng, các tên lửa đặt tại tỉnh Phúc Kiến có thể giúp bảo vệ biển cho Trung Quốc, không cần đến hải quân để đối phó với tàu sân bay của Anh. Nếu tàu HMS Queen Elizabeth đi vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ phản đối và yêu cầu Anh ngừng gây hấn, và khi đó tàu HMS Queen Elizabeth sẽ lại rút lui. Bài viết nhận định, đối với Anh, tuy không có mối đe dọa nào từ Biển Đông nhưng có thể đó là do Trung Quốc là một kẻ thù cần phải được dạy cho một bài học mà nước này đã từng có kinh nghiệm với các nước phương Tây.