Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngBiên giới phía Bắc 1979: 5 ý đồ của TQ khi tấn...

Biên giới phía Bắc 1979: 5 ý đồ của TQ khi tấn công Việt Nam

Từ cuối năm 1978, Trung Quốc tăng cường làm đường cơ động, xây dựng căn cứ, hệ thống kho trạm, vận chuyển tập kết vật chất, sơ tán dân về phía sau. Đồng thời, thực hiện các hoạt động nghi binh, đề ra kế hoạch “dạy cho Việt Nam một bài học” và chuẩn bị chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”.

Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và ngay từ những ngày đầu, chính phủ nước này đã áp dụng chính sách ngoại giao “Nhất biên đảo” (nghiêng hẳn về phe xã hội chủ nghĩa). Chính sách này đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 1959-1969, quan hệ Trung – Xô – Mỹ có những diễn biến phức tạp, bắt đầu từ sự rạn nứt trong quan hệ Trung – Xô, đỉnh điểm là cuộc xung đột biên giới năm 1969.

Trái ngược với mâu thuẫn sâu sắc trong quan hệ Trung – Xô, quan hệ Trung – Mỹ xích lại gần nhau hơn và sự kiện Tổng thống Mỹ Nixon thăm Bắc Kinh vào tháng 2/1972 được coi là một “cột mốc quan trọng làm xoay chuyển cục diện thế giới”.

Trong lúc mâu thuẫn Trung – Xô sâu sắc, quan hệ Việt – Xô lại phát triển ngày càng mạnh mẽ, đã tác động mạnh đến những tính toán chiến lược của Trung Quốc. Ngày 3/11/1978, Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, đánh dấu bước phát triển mới của tình đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Ngày 17/4/1975, tập đoàn Pol Pot lên nắm quyền ở Campuchia, lập ra nhà nước “Campuchia dân chủ” thực hiện chính sách diệt chủng cực kỳ tàn bạo ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Trước hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của chế độ Pol Pot, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng Campuchia vào ngày 7/1/1979.

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot đã đẩy sự căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên đỉnh điểm.

Trung Quốc đã chuẩn bị để tấn công Việt Nam như thế nào?

Ngay từ đầu những năm Việt Nam thống nhất đất nước, Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ gây sự bằng việc liên tục tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai (từ 234 vụ năm 1975, 812 vụ năm 1976, tăng lên 873 vụ năm 1977 và đặc biệt là năm 1978 lên tới 2.175 vụ), gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam.

Từ tháng 5/1978, Trung Quốc dựng lên “sự kiện nạn kiều”, thực chất là dụ dỗ, đe dọa, lần lượt cưỡng ép gần 20 vạn Hoa kiều đang sống yên ổn ở Việt Nam phải về nước. Tiếp đó, họ trắng trợn vu cáo Việt Nam ngược đãi, khủng bố xua đuổi Hoa kiều, rút chuyên gia về nước, gây ra tình hình hết sức căng thẳng.

Từ cuối năm 1978, Trung Quốc tăng cường làm đường cơ động, xây dựng căn cứ, hệ thống kho trạm, vận chuyển tập kết vật chất, sơ tán dân về phía sau. Đồng thời, thực hiện các hoạt động nghi binh, đề ra kế hoạch “dạy cho Việt Nam một bài học” và chuẩn bị chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”.

Họ tuyên bố lừa mị dư luận trong nước và quốc tế rằng chỉ sử dụng lực lượng “bộ đội biên phòng” để thực hiện “phản kích tự vệ”, bởi Việt Nam gây ra xung đột, “lấn chiếm đất đai”, “quấy rối biên cương” phía Nam.

Thực tế, trên vùng biên giới Việt – Trung không có lực lượng vũ trang nào của Việt Nam được triển khai gây sức ép buộc Trung Quốc phải “tự vệ”, chỉ có phía Trung Quốc chuẩn bị lực lượng quy mô lớn đánh Việt Nam.

Từ tháng 8/1978, phía Trung Quốc điều động lực lượng từ phía sau ra biên giới gồm 9 quân đoàn và 5 sư đoàn độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh), cùng 550 xe tăng, xe bọc thép, 2.558 pháo (trong đó có 1.092 pháo xe kéo), 676 máy bay…

Trên hướng biển có hàng chục tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải hỗ trợ. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn bố trí nhiều trận địa pháo, trạm ra đa, trang bị vũ khí cho dân binh các công xã ở vùng biên giới, tổ chức nhiều cuộc diễn tập, gây căng thẳng trên vùng biên giới phía Bắc.

5 ý đồ của Trung Quốc

Đêm 16 rạng ngày 17/2/1979 (đêm thứ Bảy rạng ngày Chủ nhật), lợi dụng trời tối, sương mù, phía Trung Quốc bí mật đưa lực lượng lớn vượt biên, luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực trên toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu); đồng thời triển khai đội hình gồm một lực lượng lớn áp sát biên giới chuẩn bị tiến công.

Mở cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc nước ta, quân xâm lược Trung Quốc hy vọng thực hiện được 5 mục tiêu:

Một là, cứu chế độ diệt chủng Pol Pot, giữ Campuchia trong quỹ đạo của họ (mục tiêu chủ yếu). Ý đồ là chiếm một số khu vực đất đai của ta ở gần biên giới, nếu ta sơ hở sẽ tiến vào sâu, buộc ta phải đàm phán, đòi ta rút quân khỏi Campuchia để đánh đổi việc họ rút quân.

Mức thấp là đánh để buộc Việt Nam vì lo bảo vệ miền Bắc sẽ phải rút quân khỏi Campuchia, tạo điều kiện cho quân Pôn Pốt bảo toàn lực lượng, giữ được các căn cứ, đẩy mạnh hoạt động, hòng khôi phục lật lại chính quyền Campuchia Dân chủ.

Hai là, tranh thủ Mỹ và các nước đế quốc giúp họ xây dựng “bốn hiện đại hóa” (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội và khoa học – kỹ thuật).

Ba là, phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế của ta, làm ta suy yếu. Ý đồ của họ là tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang ta, nhất là khối bộ đội chủ lực, phá hoại các cơ sở kinh tế, tàn sát gây tâm lý khủng khiếp trong nhân dân ta, kích động bạo loạn, hạ uy thế quân sự, chính trị to lớn của ta sau chiến thắng 30/4/1975.

Bốn là, uy hiếp từ Lào về phía Bắc, làm suy yếu liên minh chiến đấu Việt – Lào, buộc Lào phải “trung lập” trong cuộc đấu tranh giữa ta và họ; phá hoại Lào toàn diện, buộc Lào theo họ chống lại ta, uy hiếp ta từ phía Tây. Đồng thời thị uy các nước Đông Nam Á, gỡ thể diện cho họ sau thất bại nặng nề ở Campuchia.

Năm là, thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu sau này.

Quân và dân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc

Trước diễn biến căng thẳng trên vùng biên giới phía Bắc, Đảng và Nhà nước ta kiên trì chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình; đồng thời khẩn trương tăng cường lực lượng, đẩy mạnh xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, nhất là ở Quân khu 1 và Quân khu 2.

Đây là một địa bàn chiến lược rất quan trọng, án ngữ toàn bộ vùng biên giới phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc, có chung đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 1.400km, chạy qua 145 xã, 19 thị trấn thuộc 27 huyện của 6 tỉnh (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu).

Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Việt Nam làm nhiệm vụ ở các đồn và cửa khẩu vùng biên giới các tỉnh phía Bắc thường xuyên tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Hoa kiều trở về nước. Trong cuộc đấu tranh chống âm mưu cưỡng ép người Hoa về nước, một số cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Tháng 7/1978, Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa IV) của Đảng đã chỉ đạo tập trung lực lượng để giải quyết nhanh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên hướng biên giới Tây Nam; đồng thời động viên, tăng cường lực lượng và công tác phòng thủ của đất nước ở biên giới phía Bắc.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội được chấn chỉnh, tăng cường về tổ chức biên chế, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị, nâng cao sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngày 6/1/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc tăng cường chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc, nêu rõ:

“Phải theo dõi nắm chắc tình hình địch, kịp thời phát hiện âm mưu và hành động tiến công phá hoại của chúng, quyết không để bị bất ngờ, không mắc mưu khiêu khích của chúng… Gấp rút đẩy mạnh công tác sẵn sàng chiến đấu ở các địa phương trên toàn biên giới, bảo đảm sẵn sàng đánh bại địch ngay từ đầu trong bất kỳ tình huống nào”.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu, quân và dân cả nước, đặc biệt là lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2, nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã nhanh chóng chuyển địa bàn, vốn là hậu phương trước đây, thành tiền tuyến của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.

Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc gấp rút củng cố thế trận phòng thủ, chấn chỉnh tổ chức biên chế, bổ sung quân số và trang bị kỹ thuật, tăng cường huấn luyện, hoàn chỉnh phương án tác chiến, sẵn sàng chiến đấu cao.

Các tỉnh (thành), huyện (quận) ở tuyến sau cũng dự kiến kế hoạch chuẩn bị lực lượng, chủ động hiệp đồng giữa các ngành và địa phương, khi cần kịp thời cơ động lực lượng chiến đấu chi viện các tỉnh, huyện tuyến trước; đồng thời có kế hoạch sơ tán và tổ chức lực lượng tại chỗ, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ hậu phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới