Thursday, January 16, 2025
Trang chủĐiểm tinTăng trưởng u ám, sa thải hàng loạt, doanh nghiệp TQ điêu...

Tăng trưởng u ám, sa thải hàng loạt, doanh nghiệp TQ điêu đứng trước “mùa đông kinh tế”

Nếu vài năm trước, kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng và đạt được những thành tựu mới thì tình hình hiện tại đã khác.

Ảnh minh họa: Reuters

“Mùa đông kinh tế”

Ngày 21/1, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng Bắc Kinh cần chú trọng hơn tới các nguy cơ bất ổn xã hội gây ra bởi hàng loạt các vấn đề kinh tế leo thang. Lời tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình hình việc làm tại Trung Quốc đang có dấu hiệu suy thoái nhanh chóng, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Liệu Bắc Kinh có áp dụng những chính sách cần thiết để kết thúc thương chiến với Mỹ và ổn định lại tăng trưởng trong năm nay hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, lời cảnh báo của ông Tập đã phản ánh khá rõ rệt những vấn đề mà những người chủ doanh nghiệp như ông Guo Fengcen gặp phải.

Hoạt động tại miền nam tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, ông Guo không ngờ rằng những biến động lớn trong nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng “kết liễu” giấc mơ mở rộng chuỗi cửa hàng bánh của ông ở thành phố Đông Quản.

Tháng 2/2017, ông Guo và gia đình đã bắt đầu hiện thực hóa tham vọng gây dựng chuỗi cửa hàng bánh xuyên suốt khắp thành phố. Đây là thời điểm mọi người ở Trung Quốc đều tin rằng tất cả các ngành kinh tế sẽ bùng nổ không ngừng trong những năm sắp tới.

Viễn cảnh tươi sáng này dường như xuất hiện khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm sức tiêu thụ hàng hóa, đầu tư tư nhân, thu nhập cá nhân, giá trị bất động sản và tiến bộ công nghệ kĩ thuật.

Với tinh thần lạc quan ấy, ông Guo cùng gia đình đã mượn 2,3 triệu NDT (khoảng 341.000 USD) thuê một nhà máy, mua sắm thêm trang thiết bị sản xuất bánh, mở cửa và trang hoàng 24 cửa hàng mới cũng như thuê tổng cộng 150 nhân viên.

Nhưng cỗ máy tăng trưởng đã gặp trục trặc lớn vào năm ngoái sau hậu quả của chiến tranh thương mại ngày càng leo thương với Mỹ.

Mặc dù đã nâng cấp nội thất, trang trí cửa hiệu lộng lẫy và tăng chất lượng của các loại bánh ngọt, việc kinh doanh của ông Guo xuống dốc nhanh hơn cả trước khi bắt đầu đầu tư.

Sự tự tin của nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng sụt giảm, buộc tầng lớp trung lưu phải cắt giảm tiêu dùng, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa dừng các khoản đầu tư, tinh giảm nhân lực để sẵn sàng đối phó với một “mùa đông lạnh” ở phía trước.

Tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng

Theo những nhà phân tích trong nước, tỉ lệ việc làm đã giảm sút ở những ngành từng phát triển mạnh, bao gồm internet, công nghệ cao và khởi nghiệp game online, thậm chí đối với những nhãn hiệu nội địa nổi tiếng.

Các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đang chật vật giải quyết tình trạng đơn đặt hàng nước ngoài ít hơn bao giờ hết do thuế quan Mỹ, nguồn tiền bị thắt chặt, và đồng NDT mất giá làm tăng chi phí nguyên liệu nhập khẩu và các chi phí nội địa khác như năng lượng, thuế, tiền thuê phòng, nhân công.

Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc trở nên đặc biệt thận trọng đối với các khoản đầu tư tại thời điểm này.

Ông Guo đã nhanh chóng cắt lỗ bằng việc đóng cửa nhà máy, bán trang thiết bị với giá rẻ, đóng cửa 15 cửa hàng, giảm nhân công từ 150 còn 35 người chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm.

“Tôi nghĩ tôi đã không tính tới một yếu tố nguy hiểm, đó là việc các nhà máy tại Đông Quản đã cắt giảm nhân công hàng loạt. Hầu hết cửa hàng của chúng tôi đều đặt tại những thị trấn công nghiệp ở Đông Quản. Số lượng nhân công ở khu này là yếu tố thiết thực nhất đối với hoạt động của cửa hàng bánh,” ông Guo nói.

“Công ty điện tử Suyin ở Qingxi đã cắt giảm từ 10.000 nhân công xuống chỉ còn 2.000 người. Đây từng là những khách hàng quan trọng của chúng tôi. Họ mua bánh hàng ngày để ăn sáng, tiệc sinh nhật và vô số dịp khác nữa”.

Sau 20 năm điều hành một xưởng quần áo ở Quảng Châu, người đàn ông 42 tuổi Leo Li cũng buộc phải điều chỉnh lại số nhân công giữa bối cảnh lợi nhuận của ngành sản xuất đang sa dần vào chuỗi xoắn ốc theo chiều đi xuống.

Xưởng của ông Li chuyên sản xuất đồ lót nam giới cho thị trường trung lưu ở Đại lục. Nơi này từng thuê tới 600 nhân công vào thời kỉ đỉnh cao cuối những năm 2000. Hiện tại, chỉ còn khoảng 100 người lao động được giữ lại.

Nhìn chung, tình hình ở Trung Quốc thay đổi rất nhanh từ “mở rộng tiêu dùng nhanh chóng” cho tới “sụt giảm tiêu dùng” vì lo ngại về viễn cảnh kinh tế trước mắt. Theo ông Li, khi lợi nhuận giảm, lượng nhân công cũng giảm theo.

“Tôi chỉ giữ những nhân công kì cựu có tay nghề. Theo như những gì tôi biết từ bạn bè và người thân, tất cả các doanh nghiệp tư nhân đều đang làm tương tự như vậy bởi không có đủ đơn đặt hàng để duy trì nhân công quy mô lớn. Chúng tôi có thể thuê thời vụ nếu có thêm đơn hàng”.

Có thể thấy lợi ích của việc thuê nhân công thời vụ là doanh nghiệp không phải trả tiền an sinh xã hội, trả lương thấp hơn và phải đảm bảo ít quyền lợi hơn cho nhân công.

Cắt giảm hàng loạt

Các công ty Internet và trò chơi điện tử đang trải qua thời kì khó khăn. Lin Yue, một kĩ sư hạ tầng kì cựu, đã bị sa thải vào tháng 8 bởi một công ty trò chơi tại Bắc Kinh. Công ty này đã cắt giảm nhân công từ 500 xuống chỉ còn 350 người.

Ông Lin cho biết các công ty trò chơi tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu và Thâm Quyến đã giảm số lượng nhân viên chỉ còn 1 nửa từ đầu năm ngoái sau khi cơ quan quản lí quyết định giới hạn số lượng trò chơi được lưu hành và hạn chế thời lượng chơi trò chơi sau khi ông Tập kêu gọi giải quyết vấn đề cận thị ở trẻ em.

“Ngành trò chơi nở rộ vào năm 2015 và 2016. Thậm chí cả những nông trại tư nhân, cửa hàng bán váy cưới và cơ sở khai thác khoáng sản cũng đầu tư vào các dự án viết trò chơi mà họ tin rằng sẽ trở thành bom tấn,” Joshph Ma, một nhân viên làm việc tại công ty phân phối trò chơi điện thoại ở Quảng Châu, cho biết.

“Một lập trình viên hoặc thiết kế trò chơi máy tính có thể kiếm được hơn 30.000 NDT (~4.448 USD) vào thời điểm đó. Nhưng bây giờ mọi chuyện hoàn toàn khác.”

Ở lĩnh vực công nghệ cao, hơn 200 sinh viên mới tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu đã bị hủy hợp đồng lao động bởi công ty thiết bị điện tử y sinh Mindray vào hồi tháng 12 vì những thay đổi trong kế hoạch tuyển dụng của công ty.

Theo Liu Kaiming – Viện trưởng viện Quan sát Thời đại ở Thâm Quyến, tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở Trung Quốc còn nhiều thiếu sót vì đã không tính tới gần 300 triệu người lao động di cư.

“Cho tới nay mức độ thất nghiệp vẫn đang được kiểm soát. Chúng ta phải chờ xem liệu thương chiến Mỹ – Trung và căng thẳng giữa hai nước sẽ giảm thiểu hay tồi tệ hơn trong năm nay. Nếu tồi tệ hơn, các nhà đầu tư sẽ phải tính toán chi ly hơn về việc tiếp tục kinh doanh hay nên đóng cửa và rời khỏi Trung Quốc. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường việc làm”.

Ernan Cui, một nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu Gavekal, nói rằng Trung Quốc sẽ đối diện với một thị trường việc làm khó khăn kể cả khi Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ và kết thúc thuế quan thương mại.

Theo ông Cui, có những chỉ số cho thấy thu nhập và lượng tiêu thụ hàng hóa trong một vài năm tới tại Trung Quốc chắc chắn sẽ sụt giảm.

Những tín hiệu khác từ công nghiệp Trung Quốc cũng phản ánh nỗi lo ngại trên thị trường việc làm. Hoạt động sản xuất robot công nghiệp, bao gồm các sản phẩm từ công ty nước ngoài ở Trung Quốc, đã giảm từ tháng 9 tới tháng 12 năm ngoái.

Mức giảm 12,1% vào hồi tháng 12/2018 so với cùng kì năm 2017 đã tương phản rõ rệt so với mức tương trưởng 30% hàng tháng trong 5 tháng đầu năm 2018.

Trung Quốc sản xuất tới 70% sản lượng đồ điện tử của thế giới, và chiến tranh thương mại đang làm lung lay quyết định đầu tư vào công nghiệp robot của các nhà đầu tư.

“Ngành công nghiệp robot đang cho thấy ảnh hưởng to lớn của thương chiến với công nghiệp điện tử Trung Quốc,” nhà phân tích Bloomberg Nikkie Lu cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới