Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựTrung-Thổ căng thẳng vì Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Trung-Thổ căng thẳng vì Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Hình ảnh nhà thơ và nhạc sĩ người Duy Ngô Nhĩ Abdurehim Heyit xuất hiện trong một video mới đây đã xua tan nghi ngờ về cái chết của người nghệ sĩ nổi tiếng ở vùng Tân Cương, nhưng không vì thế mà khiến căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc giảm bớt, theo VOA.

Đoạn video được một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho công bố hôm Chủ nhật (10/2), trong đó ông Heyit nói mình vẫn ổn. Video xuất hiện chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố “hết sức đau buồn” về cái chết của ông Heyit, và lên án cách đối xử của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với người nghệ sĩ nổi tiếng của người Duy Ngô Nhĩ.

Theo VOA, nhiều nhà phân tích cho rằng tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ là một sai lầm ngoại giao nghiêm trọng và tin là nó có thể gây thiệt hại lâu dài cho quan hệ Trung-Thổ. Nhưng những người khác lại nghĩ rằng cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ về cái chết của ông Heyit dù có sai cũng không là gì đối với việc Trung Quốc đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong cái gọi là “trại cải tạo” trên khắp vùng tây bắc của nước này, một việc làm mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là “một nguyên nhân lớn tạo ra sự xấu hổ cho nhân loại”.

“Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sai về một trường hợp duy nhất [của Heyit]. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ mức độ chú ý của thế giới đối với Tân Cương tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh”, Arthur Ding, một nghiên cứu viên tại khoa Quan hệ quốc tế, Viện Đại học Quốc gia Chengchi, nói.

Heyit, 57 tuổi, là một nhà thơ, cũng là một nhạc sĩ kiêm vai trò ca sĩ, ông làm việc cho một đoàn kịch ở Tân Cương, ông bị nhà chức trách bắt giam vào đầu năm 2017 với nghi ngờ ông gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Người đàn ông được cho là nhà thơ Abdurehim Heyit xuất hiện trong một video được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố hôm Chủ nhật. (Ảnh: Reuters)

Không có minh bạch ở Tân Cương

Việc ông Heyit vẫn bị điều tra sau hai năm giam giữ “là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy bản chất tư pháp [ở Trung Quốc] trong những vụ giam giữ như này”, Michael Clarke, phó giáo sư tại Đại học An ninh Quốc gia Úc, nói trong email gửi cho VOA.

Giáo sư Úc nói thêm rằng Trung Quốc cần chứng minh tính xác thực của video về Heyit, điều mà ông Clarke coi là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu cảm thấy áp lực trước các chỉ trích quốc tế đối với chính sách Tân Cương của mình.

Cả Clarke và Ding đều thống nhất quan điểm rằng tuyên bố sai về cái chết của Heyit là kết quả dễ hiểu của sự thiếu minh bạch của những gì mà chính quyền Trung Quốc đã và đang thực hiện ở Tân Cương, và điều này cũng phản ánh những lo ngại của thế giới về hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

VOA cho hay, Trung Quốc hiện không cho thấy dấu hiệu cởi mở hơn về cách đối xử với ông Heyit hoặc kế hoạch đóng cửa các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, điều này được thể hiện thông qua việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh ‘lờ’ đi những câu hỏi chi tiết.

Media player poster frame
 
Tại sao người đàn ông Duy Ngô Nhĩ phải đau khổ thốt lên- Tôi thà bắn mẹ và vợ mình còn hơn
 
 Lo ngại tăng cao, quan hệ sứt mẻ

Ông Tugrul Keskin, giám đốc Trung tâm quản trị toàn cầu tại Đại học Thượng Hải, cho rằng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi đưa ra tuyên bố của mình mà không kiểm chứng kỹ về thông tin nghệ sĩ Heyit chết trong tù. Nhưng ông Keskin nghi ngờ rằng nhiều nước Hồi giáo có thể cũng sẽ lên tiếng về số phận của người Duy Ngô Nhĩ như cách mà Thổ Nhĩ Kỳ đã làm.

Trong khi đó Clarke, giáo sư Đại học An ninh Quốc gia Úc, đồng ý với quan điểm cho rằng nhiều quốc gia Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là ở Trung Á và Trung Đông, “đã xem Trung Quốc như một đối trọng với Mỹ và là nhà đầu tư [của họ] thông qua BRI [Sáng kiến Vành đai và Con đường]”.

Người Duy Ngô Nhĩ và những người ủng hộ đứng trước tòa nhà Liên Hợp Quốc biểu tình phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Trung Quốc ở Tân Cương, hôm 15/3/2018. (Ảnh: AP)

Nhưng, trong email gửi cho VOA ông viết, “có một số dấu hiệu cho thấy các quốc gia Trung Á (ví dụ Kazakhstan) hay chính xác hơn là người dân của họ đang dần nhìn nhận vấn đề này nghiêm trọng hơn [vấn đề Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ] khi thấy [bên cạnh người Duy Ngô Nhĩ thì] người dân tộc Kazakhstan và người Slovak ở Tân Cương cũng bị bắt vào các trại [cải tạo]”.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (11/2), phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã không đáp lại yêu cầu của phóng viên muốn biết thêm chi tiết về tình trạng của ông Heyit, thay vào đó bà Hoa liên tục xoáy vào Thổ Nhĩ Kỳ.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những lời buộc tội vô căn cứ đối với Trung Quốc dựa trên lời nói dối vô lý khi miêu tả người sống là đã chết. Điều này là vô cùng sai lầm và vô trách nhiệm, và chúng tôi kiên quyết phản đối”, bà Hoa nói.

Bắc Kinh hôm thứ Ba đã đưa ra một cảnh báo đối với công dân của họ rằng không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ du lịch; một cảnh báo tương tự đã được ban hành vào tháng 12/2018 liên quan đến du lịch Canada và Thụy Điển, sau vụ CFO của Huawei bị Ottawa bắt theo đề nghị của Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới