Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCâu chuyện cũ, bước tiến mới

Câu chuyện cũ, bước tiến mới

Vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung vừa kết thúc cuối tuần qua, nhưng việc hai bên đưa ra những thông điệp tương đối trái chiều về kết quả đàm phán khiến dư luận băn khoăn.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung vừa kết thúc tại Bắc Kinh vào cuối tuần vừa rồi. Đây là lần thứ 6 đoàn đàm phán hai bên làm việc với nhau kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại bùng nổ vào giữa năm ngoái. Dự kiến hai bên sẽ gặp nhau lần thứ 7 vào tuần này tại Washington.

Tần suất gặp liên tục như vậy cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều rất mong muốn đạt được một kết quả gì đó để cuộc gặp Trump – Tập có thể diễn ra vào tháng 3, nhằm tránh việc Mỹ tiến hành áp thuế 25% như đã tuyên bố trước đó.

Kể từ sau cuộc gặp bên lề G20 tại Argentina giữa ông Trump và ông Tập và thời hạn 90 ngày được đưa ra, hai bên đã tiến hành đàm phán gấp rút.

Chậm hơn kỳ vọng

Khác với vòng đàm phán lần trước diễn ra vào tháng 1-2019 tại Mỹ không đem lại kết quả gì cụ thể, trong cuộc gặp mới đây ở Bắc Kinh, được biết hai bên đã thống nhất cùng soạn thảo một bản ghi nhớ (MoU) chung, nhằm đạt được một bộ khung các vấn đề và hướng giải quyết.

Còn chậm và thấp so với kỳ vọng, nhưng đây cũng là một bước tiến đáng ghi nhận trong bối cảnh khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại còn quá lớn và sâu sắc. Bản MoU này sẽ giúp cả hai có lý do để trang trải đối nội lẫn đối ngoại, mở ra khả năng ông Trump sẽ tiếp tục dời thời hạn 1-3 để cho phép cấp dưới tiếp tục đàm phán.

Cần lưu ý rằng nếu làm vậy thì đó chỉ là nhượng bộ về thời hạn chưa áp thuế chứ không phải nhượng bộ về nội dung đàm phán. Khá giống với diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ – EU và Mỹ – Nhật trước đó, ông Trump sẽ đứng ra đẩy vấn đề lên rất cao nhằm ép buộc đối tác phải nghiêm túc xem xét đòi hỏi của mình, sau đó cấp dưới hai bên sẽ làm việc tiếp.

Một mục đích, hai cách chơi

Mặc dù vậy, việc hai bên đưa ra những thông điệp tương đối trái chiều về kết quả đàm phán mới nhất khiến dư luận băn khoăn. Phía Trung Quốc cho rằng đã đạt được tiến độ quan trọng, thậm chí còn cho rằng đàm phán về cọ xát thương mại kéo dài hơn một năm qua đang “chạy về đích”.

Ngược lại, phía Mỹ cho biết chưa có kết quả gì cụ thể, nhấn mạnh chưa đạt được đồng thuận và vẫn còn rất nhiều vấn đề cốt lõi chưa giải quyết được, như việc Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ, bản quyền trí tuệ, ăn cắp công nghệ qua mạng, nông nghiệp, rào cản phi thuế quan hay chính sách tiền tệ.

Điều này thể hiện cách chơi của hai nước trong cuộc cọ xát thương mại kéo dài 2 năm vừa qua. Với Mỹ là từ mềm sang cứng. Từ năm đầu tiên khi ông Trump lên cầm quyền, Mỹ luôn giữ thái độ rất cứng rắn với Trung Quốc, sẵn sàng áp thuế mạnh dù điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của họ. Mỹ luôn đưa ra những đòi hỏi cao nhất, thậm chí được coi là sẽ không thể chấp nhận được từ phía Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc đã chuyển từ cứng sang mềm, từ những phát ngôn mạnh mẽ ban đầu đã chuyển sang thái độ mềm mỏng, nhẫn nại hơn rất nhiều. Việc tuyên truyền về “made in China 2025” đã được hạ nhiệt. 

Một mặt, họ âm thầm có những biện pháp chuẩn bị nội bộ, cả về cải cách kinh tế lẫn ổn định chính trị xã hội. Mặt khác, Trung Quốc chủ động đưa ra thông điệp với Mỹ về khả năng hợp tác, thậm chí nhượng bộ, nhấn mạnh tính phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế.

Chỉ dấu đáng lưu ý

Hiện nay chính quyền Trump đang chiến đấu cùng một lúc ba mặt trận lớn: đàm phán với Triều Tiên, chiến tranh thương mại với Trung Quốc và giằng co nội bộ về việc xây tường ở biên giới với Mexico. 

Những cuộc tranh cãi trước đó với EU, Nhật Bản, Canada… cũng cho thấy rằng dù ông Trump có thể rất rắn, dám làm mạnh, nhưng cũng có thể đàm phán được mà đối phương không bị thiệt hoàn toàn. Người ta hi vọng với Trung Quốc lần này cũng vậy.

Chiến tranh thương mại luôn là câu chuyện của ai chịu đau tốt hơn. Nền kinh tế hai bên đều cho thấy khó chờ đợi được lâu dài. Tăng trưởng Trung Quốc và Mỹ đều dự báo sẽ đi xuống và dấu hiệu bất ổn xuất hiện ở thị trường chứng khoán hai nước. 

Bản thân nội bộ chính trị xã hội của cả Mỹ và Trung Quốc đều tương đối căng thẳng trước áp lực kinh tế, và điều này sẽ gia tăng khi tác động của cuộc chiến sẽ rõ rệt hơn vào năm 2019.

Trung Quốc đã từ lâu xác định phải cải cách kinh tế, chẳng qua ở mức độ như thế nào và làm sao để chống lại sự trì trệ của cách làm cũ. Với họ, cuộc chiến thương mại cũng là một sự cảnh tỉnh tích cực. Còn ông Trump sẽ không muốn để cuộc chiến thương mại tác động quá lớn đến kinh tế Mỹ, đặc biệt trong nội bộ Mỹ đã bước vào giai đoạn ban đầu của các chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.

Mặc dù khác biệt còn rất lớn, việc Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tiến hành các vòng đàm phán cấp bộ trưởng và lãnh đạo hai bên dự kiến gặp nhau chỉ sau 3 tháng kể từ G20 Argentina là chỉ dấu đáng lưu ý cho tương lai của cuộc chiến tranh thương mại. Bởi nó thể hiện quyết tâm chính trị của hai bên, chí ít là nhằm hạ nhiệt cuộc chiến này và từng bước chậm rãi đi đến một thỏa thuận để cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, bản chất của câu chuyện chiến tranh thương mại hiện nay là vấn đề mâu thuẫn trong phương thức phát triển kinh tế và hành xử thương mại, là cạnh tranh về chiến lược và công nghệ, tiêu biểu là công nghệ 5G. Đó là những mâu thuẫn nền tảng mà kẻ thua cuộc sẽ phải chấp nhận ngồi chiếu dưới.

Trong một tương lai không xa, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ đến hồi kết thúc, đơn giản vì nó sẽ không thể kéo dài mãi được. Nhưng những rủi ro mà cạnh tranh Mỹ – Trung đối với kin

RELATED ARTICLES

Tin mới