Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ cự tuyệt tham gia Hiệp ước hạt nhân INF

TQ cự tuyệt tham gia Hiệp ước hạt nhân INF

Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, không tham gia INF nên Mỹ và Nga không hài lòng với việc bản thân bị bó buộc bởi hiệp ước hạt nhân này.

Mỹ và Liên Xô đã ký kết Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces – INF) vào năm 1987, cấm các loại tên tửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 – 5.500 km bố trí trên mặt đất, vốn được hai bên phát triển rất nhiều thời Chiến tranh Lạnh.

Vào thời điểm ký kết INF, Mỹ và Liên Xô đã muốn có các đại diện châu Âu và cả Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên khi đó, Anh, Pháp, Đức đưa ra quan điểm họ không phát triển những loại tên lửa tầm trung này nên việc tham gia là vô nghĩa; Trung Quốc không đàm phán và không tham gia vào các vấn đề thuộc châu Âu. Vì thế, INF trở thành một hiệp định song phương giữa Washington và Moscow.

Thực tế, sau khi Mỹ và Liên Xô ký INF, Trung Quốc liên tục nghiên cứu phát triển, triển khai nhiều loại tên lửa hành trình, trong đó hầu hết có thể được phóng bằng xe phóng cơ động. Do nhiều nước không tham gia INF, nên Mỹ và Nga đều không bằng lòng việc phát triển và triển khai vũ khí của mình bị hiệp ước này ngăn cản. Từ năm 2008, Nga đã thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Năm 2013, Nga từng cho biết có thể sẽ rút khỏi INF vì hiệp ước này chỉ ràng buộc 2 nước Mỹ và Nga, tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển vũ khí một cách tự do. Ở phạm vi toàn cầu, giao dịch buôn bán vũ khí quân sự xuyên quốc gia tên lửa tầm trung duy nhất chính là thương vụ Trung Quốc bí mật bán tên lửa DF-3A (Đông Phong – 3, có tầm bắn lên đến 2.800 km) cho Saudi Arabia năm 1988.

Không bị kiểm soát bởi INF, khả năng quân sự của Trung Quốc đang ngày càng được tăng cường và phát triển, nhất là việc mở rộng các lực lượng tên lửa tầm trung. Sức mạnh quân sự của Bắc Kinh không chỉ ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực mà còn đe dọa trực tiếp các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và trên lãnh thổ Mỹ. Chính quyền Mỹ cho rằng, INF đang đặt Mỹ ở thế bất lợi. Cuối năm 2018, khi lên kế hoạch hủy bỏ INF, Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Nga liên tiếp vi phạm hiệp ước này, yêu cầu Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình tân tiến, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 9M729, trong khi kho vũ khí bị ràng buộc trong INF của Trung Quốc ngày càng hùng mạnh.

Nhắm tới Trung Quốc?

Theo cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nga Kokoshin, mục tiêu chính của Mỹ trong việc rút khỏi INF là Trung Quốc. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã triển khai hơn 1.000 tổ hợp tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhắm vào vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, đe dọa các đội tàu sân bay Mỹ tiến vào những vùng biển này. Nhiều đại diện phương Tây cũng đã có những kêu gọi Trung Quốc cùng tham gia vào một hiệp ước mới mang tính chất đa phương. Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh), 95% kho tên lửa hành trình và đạn đạo của Trung Quốc sẽ vi phạm INF nếu nước này là thành viên của hiệp ước. Người đứng đầu NATO cũng bày tỏ mong muốn mở rộng INF để Trung Quốc có thể tham gia.

Ngày 1/11/2018, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Antonov bất ngờ lên tiếng ủng hộ việc Mỹ rút khỏi INF, theo đó, Nga cảm thấy đồng thuận với quan điểm của Mỹ về vấn đề INF chỉ là một hiệp ước song phương, và đã đến lúc giải tán hiệp ước này khi thế giới đang cho thấy những thực tế khác biệt. Có thể thấy rằng, việc Nga đưa ra ý kiến đồng thuận với Mỹ về INF đang thể hiện rất khác so với những quan điểm của Moscow trước đó. Việc Nga bất ngờ muốn INF biến thành một thỏa thuận đa phương cũng là một nước cờ rất đáng chú ý. Khi đề xuất INF đa phương, Nga trói buộc tất cả các quốc gia có tiềm lực quân sự vào chung một đoàn tàu mà Nga sắm vai trò đầu tàu. Như vậy, an ninh toàn cầu và những nguy cơ của cuộc chạy đua vũ trang mới một lần nữa được Moscow sắm vai thuyền trưởng để giải quyết.

Không dừng ở đó, Nga góp phần đảm bảo khi phải giới hạn sức mạnh quân sự, sẽ có một mẫu số chung mà những quân đội hùng mạnh trên thế giới phải chấp nhận. Đồng nghĩa với việc nguy cơ về an ninh của Nga cũng được đảm bảo với cấp độ cao hơn. Một khi triển khai INF đa phương, với mối quan hệ giữa Nga – Trung và Trung – Mỹ như hiện tại, Moscow hoàn toàn chắc chắn việc Bắc Kinh sẽ trở thành bạn đồng hành của mình, đối diện với bên kia đường đua là Mỹ – NATO. Như vậy, cuộc đua hay mọi tranh chấp đều bình đẳng hơn. Nga không còn đơn độc trong cuộc chạy đua vũ trang hay kiểm soát vũ trang với Mỹ. Việc đưa ra một INF đa phương giúp Moscow trình diễn với thế giới một gương mặt thân thiện mà Mỹ hay NATO khó có thể từ chối một lời đề nghị thân thiện như vậy. Việc NATO nhất mực từ chối như trước đây, và Mỹ vẫn tự hành xử theo cách của mình, đồng nghĩa kẻ gây rối ở đây vẫn là Washington.

Không phải bỗng nhiên Đại sứ Nga đã nhấn mạnh về việc các đồng minh phương Tây của Mỹ lo ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận INF. Như vậy, hoặc Mỹ cùng các đồng minh của mình sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Nga và bạn đồng hành Trung Quốc để đưa ra một thỏa thuận chung. Điều này có lợi rất nhiều cho Nga khi tránh được một cuộc chạy đua vũ trang và không ở thế đơn độc đối phó với cả khối NATO. Hoặc một hướng khác, Mỹ vẫn tự làm theo ý mình, và các đồng minh phương Tây của họ không ngồi vào bàn đàm phán. Lúc này vai phản diện vẫn được Mỹ sắm vai, còn Nga được hưởng lợi như một thuyền trưởng luôn lo cho an ninh toàn cầu.

Nhận định mục đích thực sự của việc Mỹ rút khỏi INF, giới chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng ông Trump hủy INF với hai mục đích: siết chặt mối quan hệ chống Nga giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu; gia tăng mọi sự ràng buộc bao gồm cả vấn đề Trung Quốc. Nếu Mỹ có được hiệp ước INF mang tính đa phương, Mỹ sẽ có được sự kiểm soát hoàn toàn với các đối thủ của mình. Trung Quốc nếu tham gia, tất nhiên sẽ phải hủy bỏ một phần kho vũ khí của mình. Còn nếu INF được đa phương và có cả Bắc Kinh, trong tương lai Washington cũng sẽ tự cho mình quyền chỉ trích, cáo buộc Trung Quốc, thậm chí là kêu gọi các đồng minh tham gia trừng phạt Trung Quốc với lý do đó.

Sau khi Mỹ tuyên bố tạm dừng thực hiện nghĩa vụ của INF và khởi động trình tự rút khỏi hiệp ước này, Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng và nói rằng hiệp ước này có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình thế giới; Trung Quốc phản đối Mỹ rút khỏi hiệp ước, đồng thời cũng phản đối xây dựng một hiệp ước mới bao gồm có cả Trung Quốc trong đó. Phân tích cho rằng Trung Quốc hy vọng dùng hiệp ước INF để buộc chân người khác, còn mình tiếp tục một mình phát triển tên lửa.

Theo Reuters, Thủ tướng Đức Merkel đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước kiểm soát vũ khí toàn cầu vì lo ngại khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ sau sự sụp đổ của INF mà Mỹ đã đình chỉ nghĩa vụ thực thi với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên, phát biểu tại Munich (Đức) ngày 16/2, Dương Khiết Trì – Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc phát triển năng lực hoàn toàn phù hợp với nhu cầu quốc phòng và không hề đe dọa bất cứ ai. Chính vì vậy, chúng tôi phản đối việc đa phương hóa INF”. Họ Dương nhấn mạnh rằng, các tên lửa của Trung Quốc hoàn toàn mang tính chất phòng vệ và INF sẽ đặt ra những giới hạn không công bằng đối với quân đội nước này.

Trung Quốc hiện đang đặt mục tiêu hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân vào năm 2035, cải thiện lực lượng không quân và đẩy mạnh các công nghệ mới, trong đó có tên lửa hành trình tốc độ cao và các thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo. Reuters dẫn lời một tướng Trung Quốc về hưu cho rằng, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới sẽ chỉ có hiệu lực nếu bao gồm các tên lửa phóng từ trên không, trên biển và trên đất liền vì phần lớn công nghệ quân sự của Trung Quốc là trên mặt đất và nước này không muốn đặt mình vào thế bất lợi. Trước đó, trong buổi họp báo đầu tháng 12/2018 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố Trung Quốc phản đối đa phương hóa INF bởi đây là Hiệp ước đã được ký kết giữa Mỹ và Nga.

Có thể thấy, với phương châm “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ Trump là phần nào có lý khi muốn các nước lớn nhỏ, kể cả Trung Quốc, đều bình đẳng trong việc phát triển và triển khai tên lửa tầm gần và tầm trung. Với trách nhiệm trước nhân loại, Liên Xô (nước Nga) hiện nay, cũng mong muốn duy trì INF trên cơ sở hợp tác, xây dựng vì an ninh toàn cầu nói chung và an ninh châu Âu nói riêng. Là một nước lớn với trọng trách là thành viên Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, nhiều chính sách và hành động của nước này đã không vì lợi ích toàn cầu mà vì lợi ích nhóm của Trung Nam Hải. Theo giới ngoại giao, Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng trên thế giới về việc ích kỷ khước từ tham gia hiệp ước dạng INF, nhưng các chuyên gia cảnh báo nhiều khả năng Bắc Kinh vẫn sẽ giữ nguyên lập trường của mình với các chính sách hiện nay

RELATED ARTICLES

Tin mới