Thế kỷ 21 đã bắt đầu được gần hai thập niên. Ở một nước tư bản đế quốc lớn như Mỹ giờ đây người ta quan niệm như thế nào về chủ nghĩa xã hội? Có hay không việc người dân ủng hộ những ưu việt của chế độ XHCN? Các nhà dân chủ Mỹ lợi dụng cụm từ chính trị này để tranh thủ ghế như thế nào?
Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nghĩa là hàng trăm năm đã qua CNXH được coi là một từ “dơ bẩn”. Giới cầm quyền thường dùng từ này như một cách mỉa mai chính trị.
Hầu hết quan điểm của của nhà cầm quyền cho rằng, CNXH là chế độ độc tài, đảng trị, là nơi quốc hữu hóa phương tiện sản xuất. Quan niệm như thế cho nên các ứng viên đảng Xã hội ở Mỹ hầu như bị công chúng tẩy chay. Vào năm 1920, thời cực thịnh của những người theo CNXH ở Mỹ, ứng viên đảng Xã hội Eugene V.Debs cũng chỉ nhận được 915 nghìn phiếu trong cuộc đua vào Nhà trắng.
Vậy mà có một “chuyện lạ”.
Rằng qua các cuộc thăm dò dư luận trong năm 2018, những ý tưởng của CNXH đang trở nên phổ biến tại Mỹ. Bằng chứng dễ thấy là, các ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua làm ứng viên Tổng thống năm 2020 đều đang áp dụng những cương lĩnh về kinh tế và chính sách xã hội có liên hệ chựt chẽ đến lí tưởng của CNXH.
Giáo sư kinh tế Richard D.Wolff – tác giả cuốn “Hiểu về Chủ nghĩa Mác” nói: “Cảm giác là chúng ta đang gặp rắc rối lớn, khi mà dân Mỹ không được hưởng những thứ đáng lí ra phải sẵn có trong một quốc gia giàu có như Hoa Kỳ”.
Hiện có tới trên dưới 44 triệu người Mỹ phải chịu món nợ tiền học đại học, theo ước tính của giáo sư Wolff. Có lẽ đây là một thực tế khiến nhiều ứng viên Dân chủ đề cập đến trong chiến dịch tranh cử.
Cụ thể, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, một người tự xưng là theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont, đã được sự ủng hộ của một lực lượng lớn cử tri. Đó là những người ủng hộ các chính sách cấp tiến như miễn học phí đại học và bảo hiểm y tế toàn dân.
Vào dịp này, khi ông Sanders tuyên bố sẽ ra tái tranh cử Tổng thống vào năm 2020 với tư cách là ứng viên của đảng Dân chủ, nhiều ứng viên khác tỏ ra quan tâm tới những hứa hẹn trước cử tri về mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe, chính sách về thuế và biến đổi khí hậu. Họ hứa sẽ tìm cách “Bảo hiểm sức khỏe cho mọi người” một chính sách từng được rất nhiều thành viên phe Dân Chủ cho là không tưởng bởi chi phí quá đắt đỏ. Một số liệu đáng quan tâm: 57% đảng viên Dân chủ lại ủng hộ cách nhìn của CNXH, theo một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup năm 2018.
Thái độ Tổng thống Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa thì sao? Họ đã liên tục sử dụng từ CNXH như một cách miệt thị . Họ công khai chỉ trích những đề xuất của các nhà lập pháp mới như dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, một cựu nhân viên trong chiến dịch tranh cử của ông Sanders. Ông Trump đã viết trên trang Twitter của mình: “Tôi nghĩ phe Dân chủ cần phải thúc đẩy cho Thỏa thuận Xanh Mới. Đối với cái gọi là “Khí thải hiệu ứng nhà kính này”, sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể loại bỏ vĩnh viễn tất cả máy bay, xe hơi, bò, dầu khí, gas và cả quân đội nữa – ngay cả khi không một quốc gia nào khác làm điều tương tự. Thật xuất sắc!”
Trump tuyên bố hôm 05/02 trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang “Nước Mỹ sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa”.
Kể từ khi Trump nhậm chức Tổng thống vào năm 2016, tổ chức CNXH Dân chủ Hoa Kỳ, tổ chức hàng đầu qui tụ những người tự nhận theo CNXH, công bố ồn ào rằng, đã có gần 60 nghìn thành viên (so với 5.000 vào năm 2015), trước khi ông Sanders lần đầu tranh cử Tổng thống.
Một vấn đề tối đối với những cử tri tự xưng theo XHCN dân chủ và những cử tri của đảng Dân chủ nói chung, đó chính là y tế miễn phí cho toàn dân.
Vào năm 2013, thời điểm ông Sanders giới thiệu dự luật Bảo hiểm Sức khỏe toàn dân, không ai cùng đứng tên với ông. Nhưng đến nay tình hình đã khác. Một dự luật tương tự về Bảo hiểm y tế được đưa ra bởi dân biểu cấp tiến Pramila Jayapal, dự kiến sẽ nhận được hơn 100 chữ kí ủng hộ khi được chính thức đệ trình. Như vậy Bảo hiểm y tế toàn dân đã trở thành một phép thử cho những ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ.
Hiện tại trong dư luận Mỹ khi bàn về ý nghĩa của CNXH đối với chính trị Mỹ đang có sự chia rẽ. Một cuộc thăm dò dư luận do Axios thực hiện hồi tháng 1 vừa qua cho thấy 61% cử tri thế hệ Z (những người từ 18-24 tuổi) có cảm tình với CNXH hơn là chủ nghĩa tư bản (41%). Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình trên toàn quốc. Tỷ lệ trung bình toàn quốc là 39% thích CNXH và 61% nghiêng về CNTB.
Còn một số cuộc thăm dò dư luận khác cho thấy, người dân dành nhiều sự ủng hộ cho các chính sách XHCN hơn là xác nhận thuật ngữ CNXH. Một cuộc thăm dò của Fox News hồi tháng 1 cho thấy 70% cử tri đăng kí đi bầu ủng hộ việc tăng thuế áp lên những gia đình có thu nhập hơn 10 triệu USD một năm.
Trong tình hình dư luận Mỹ phân tán khi bàn về xã hội XHCN, ông Trump càng ra sức phản đối, công kích CNXH. Ông ta chỉ nói mọt câu “Nước Mỹ trên hết”. Kể ra một người dám chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành động của mình như thế, kể cả chấp nhận thất bại, cũng là điều mà giới lãnh đạo cộng sản phải xem lại mình.