Trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội đã có nhiều bài phân tích, nhiều cuộc thảo luận về cuộc gặp lịch sử này. Quan tâm nhiều nhất là giới nghiên cứu và phân tích chính trị, các viện nghiên cứu của Mỹ. Kết quả cuộc gặp sẽ ra sao? Liệu có đi đến một quyết địnhlịch sử, hay vẫn dừng lại như cuộc gặp lần thứ nhất?
Dư luận Mỹ trông đợi nhiều ở cuộc gặp “Hà Nội” lần này.Trước đó, cuộc gặp tại Singapore hồi tháng 6/2018chưa đạt được một thỏa thuận nào cụ thể. Ngay đếnTuyên bố chung cũng rất mờ nhạt.
Đàm phán phi hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn hoàn toàn bế tắc. Kể từ cuộc gặp lần thứ nhất với tràn trề hi vọng đến nay chưa có tiến triển nào đáng kể. Vậy cuộc gặp sắp tới tại Hà Nội, có thể có “địa lợi”, nhưng nhân liệu có hòa? Liệu có là đột phá nào không? Có tìm ra tiếng nói chung hay chỉ là ai nói nấy nghe?
Theo một đảng viên Cộng hòa thân cận với Nhà Trắng thì Tổng thống Mỹ đang ở thế thượng phong. Người Mỹ không quan tâm đến chi tiết của ngoại giao hạt nhân. Họ chỉ tập trung vào việc phá vỡ thế bế tắc như thế nào? Người Mỹ hoài nghi khả năng Trump thuyết phục Kim từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Biết đâu ông Kim đang đánh vào sĩ diện của ông Trump. Chẳng hạnông Kim từng gửi ông Trump những bức thư mà ông chủ nhà trắnghớn hở khoe với các vị khách tới Phòng Bầu dục.
Còn phe chỉ trích thì nói huỵch toẹt. Rằng hội nghị thượng đỉnh trước đây của hai nhà lãnh đạo tại Singapore giống như hội diễn truyền thông hơn là cuộc trao đổi ngoại giao nghiêm túc. Cách đây vài tuần, Triều Tiên từ chối đề xuất bằng văn bản của Mỹ về lộ trình cho phi hạt nhân hóa. Điều này khiến chính quyền Trump giảm hẳn các kỳ vọng ở cuộc gặp lần 2.
Có điều vẫn còn hi vọng ở tài ngoại giao của ông Trump. Tổng thống Mỹ khi ngồi “chiếu trên”biết đâu chẳng phá vỡ một trong những vấn đề quốc tế khó khăn, nguy hiểm một cách gần tình cờ.”Đây không phải là vấn đề ngoại giao thông thường. Tuy nhiên, ông ấy cũng không phải là một tổng thống bình thường. Có lẽ bản thân ông ấy có một số ý tưởng tuyệt vời”, Graham Allison, một chiến lược gia hạt nhân lâu năm tại Đại học Harvard dự đoán.
Vẫn theo Allison, ông Trump có khá nhiều điểm tương đồng với ông Kim. Tuy ở thế thượng phong nhưng Tổng thống Mỹ thường chọn cách giao tiếp với nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên theo cách nhún nhường, không theo kiểu lên lớp.
Vì những lí do đó, dư luận Mỹ kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ cókết quả cụ thể hơn. Ít nhất cũng vạch ra một lộ trình cụ thể, mở đường cho các cuộc đàm phán sâu hơn sau này. Điều đáng lo với chính giới Mỹ là, ông Trump, với tính khí bốc đồngvà sự sòng phẳng, nôn nóng của một nhà buôn có hạng, có thể sẽ đưa ra những nhượng bộ quá đà, từ đó khiến sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á bị ảnh hưởng.
“Cuộc gặp Hà Nội” được kỳ vọng rất nhiều. Nhưng nếu như cuộc gặp cũng không đem lại một kết quả cụ thể thì sẽ là một thất bại lớn. Thất bại đó cả Mỹ và Triều Tiên chắc chắn đều không mong muốn. Sức ép đang đè nặng trên vai cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.
Tuy giới phân tích quốc tế đã nhiều ý kiến cho rằng cuộc gặp này sẽ có đột phá, nhưng đột phá ấy ở mức độ nào và các bên nhượng bộ nhau đến đâu thì khó dự đoán được.
Hiện vẫn tốn tại 3 vấn đề chính mà cuộc gặp lần thứ nhất nêu ra. Một, bình thường hóa quan hệ chính trị Mỹ-Triều; hai, Hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; ba, chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Có thể hiểu cuộc gặp lần đầu đã đưa ra một tuyên bố về nguyên tắc, còn cuộc gặp lần hai sẽ cụ thể hóa lộ trình thực hiện các vấn đề này.
Dẫu cuộc gặp Hà Nội sẽ có kết quả thế nào thì cũng sẽ là điểm khởi đầu để cho các cuộc đàm phán chi tiết và thực chất. Từ đó từng bước giải quyết các bất đồng giữa hai bên. Mà đã là bất đồng về chính trị, quân sự, bất đồng giữa hai nền ngoại giao thì không thể chỉ “họp” hai lần là xong.