Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Mở ra giai đoạn mới giữa 2...

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Mở ra giai đoạn mới giữa 2 nước Mỹ-Triều

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ VN tại Hàn Quốc và Nhật Bản Nguyễn Phú Bình tin rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.

Ngày 26.2, Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới VN để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Thanh Niên có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ VN tại Hàn Quốc, Nhật Bản, về những vấn đề xoay quanh sự kiện đang được cả thế giới quan tâm tại Hà Nội.

Liệu cuộc gặp tại Hà Nội lần này giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim có tạo nên bước ngoặt trong quan hệ giữa hai bên?
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Từ chỗ thù địch, hai bên đã ra tuyên bố chung với 4 điểm, đưa đến những nguyên tắc lớn, điều phối giữa hai nước và vẽ ra viễn cảnh không còn thù địch, có quan hệ bình thường, củng cố một bước cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp lần thứ hai tại Hà Nội chắc chắn sẽ có bước tiến triển trong mối quan hệ này bởi nếu không tiến triển hơn, cả hai phía sẽ không thúc đẩy một cuộc gặp giữa hai lãnh đạo cao nhất. Từ sau cuộc gặp lần một, hai phía đã qua lại rất nhiều. Triều Tiên cử phái viên sang Mỹ và phía Mỹ cũng đã cử ngoại trưởng, phái viên đến Triều Tiên nhiều lần.
Bên cạnh đó, tuyên bố từ Bình Nhưỡng, dù chưa phải là tuyên bố cấp cao nhất, thể hiện mong muốn có “đột phá”, còn Washington cũng hướng tới một “cú hích” trong việc thực hiện những vấn đề đã thống nhất trong hội nghị ở Singapore. Hai bên cũng đã có những động thái kiềm chế nhất định. Tổng thống Trump gần đây khẳng định Mỹ không vội vàng, thúc ép Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa mà chỉ cần không thử vũ khí. Triều Tiên thì từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất cũng không thử hạt nhân dù vẫn giữ vũ khí hạt nhân như con bài đàm phán. Có thể thấy, bầu không khí không o ép, căng thẳng như trước và đó sẽ là cơ sở để có những bước tiếp theo trong sự kiện lần này.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều (Hà Nội 2019): Mở ra giai đoạn mới giữa 2 nước Mỹ - Triều

Người dân chào đón Tổng thống Mỹ đến Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều

Ảnh: TTXVN

Nhiều người đã nghĩ tới một hiệp ước hòa bình giữa hai bên sau cuộc gặp tại Hà Nội?
Chắc chắn sau hội nghị lần này tại Hà Nội sẽ có một tuyên bố chung để kết thúc một giai đoạn thù địch, mở ra một giai đoạn mới, đồng thời cụ thể hóa một số bước triển khai 4 nội dung đã được thống nhất trong tuyên bố chung tại cuộc gặp lần thứ nhất. Tuy nhiên, mức độ đột phá lớn hay nhỏ còn tùy thuộc quá trình đàm phán và lợi ích của mỗi bên.
Việc lựa chọn VN làm nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai cho thấy điều gì về vị thế của VN?
 Trước đây, cứ nhắc đến VN là nhiều người nghĩ đến chiến tranh, nhưng với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này đánh dấu vị thế VN đã khác. Từ rất sớm, chúng ta thực hiện mở cửa, chủ động tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, đăng cai nhiều diễn đàn, sự kiện quốc tế quan trọng… Rất nhiều nước cũng sẵn sàng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Thái Lan rồi có thể Trung Quốc, Mông Cổ cũng muốn nhưng VN đã được lựa chọn. Như vậy, có thể nhìn thấy vị thế VN đã khác, cao hơn nhiều so với trước đây cả về chính trị, kinh tế cũng như quan hệ quốc tế. Rõ ràng VN hiện nay đã khác với hình ảnh VN trong quá khứ, đã gắn với hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.
Cũng trong dịp này, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ thăm chính thức VN. Chuyến thăm này có ý nghĩa thế nào đối với quan hệ VN – Triều Tiên?
VN và Triều Tiên có mối quan hệ truyền thống. Vào đầu năm 1950, Triều Tiên là nước thứ ba, sau Trung Quốc và Liên Xô, thiết lập quan hệ ngoại giao với VN. Lãnh đạo cấp cao hai bên cũng đã gặp gỡ, thăm nhau nhiều lần. Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) có chuyến thăm chính thức VN vào năm 1958 và lần cuối ông tới thăm VN là vào năm 1964. Trong kháng chiến chống Mỹ, Triều Tiên đã hỗ trợ, sát cánh cùng VN, giúp chúng ta cả tinh thần và vật chất, đào tạo trên dưới 1.000 lưu học sinh VN để phục vụ việc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Sau này, khi tình hình của chúng ta tốt hơn, Triều Tiên bị bao vây cấm vận thì có nhiều đợt ta cũng giúp nước bạn về lương thực, thực phẩm. Có thể nói, quan hệ giữa hai nước khá gắn bó.
Việc ông Kim Jong-un thăm chính thức VN cho thấy Triều Tiên rất coi trọng mối quan hệ với VN. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore năm ngoái, nhà lãnh đạo không thăm song phương với nước chủ nhà mà chỉ có tiếp xúc xã giao. So với Singapore, chúng ta có “ưu thế” là có quan hệ truyền thống, gắn bó hơn. Hơn nữa, mô hình phát triển của VN cũng như sự tương đồng trong mối quan hệ Việt – Mỹ và Triều – Mỹ là một gợi ý tốt cho Triều Tiên.
Triều Tiên có cơ sở hạ tầng rất tốt, họ cũng tiến hành điện khí hóa, công nghiệp hóa trước VN. Do đó, nếu sắp tới thực hiện mở cửa, Triều Tiên sẽ có nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội. Khi đó, với quan hệ truyền thống, VN hoàn toàn có thể trở thành một trong những đối tác thuận lợi của Triều Tiên.
Xin cảm ơn ông!
RELATED ARTICLES

Tin mới