Bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper (20/2) cho biết, quân đội Mỹ cần vũ khí có tầm bắn vượt qua vũ khí của đối phương, có thể từ một vị trí cố định, trên một đảo hoặc một vài nơi khác, nhắm bắn các mục tiêu kẻ thù.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper tiết lộ quân đội Mỹ đang phát triển một loại pháo tầm xa với tầm bắn 1.000 dặm (1.610km), có khả năng tấn công các mục tiêu di động ở Biển Đông từ một ụ pháo trên đất liền. Theo ông Mark Esper, với việc nghiên cứu, phát triển loại pháo trên Mỹ có thể khóa mục tiêu kẻ thù, khóa mục tiêu trên biển, ở khoảng cách xa từ trên đất liền. Dự án công nghệ đạn pháo tăng tầm (ERCA) mà Lục quân Mỹ đang triển khai là cơ hội để lực lượng này phát triển được những mẫu pháo có tầm bắn lên đến khoảng 1.600 km.
Khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, ông Mark Esper cho biết “các bạn có thể tưởng tượng một kịch bản khi hải quân Mỹ cảm thấy không thể tiếp cận Biển Đông do có sự hiện diện của các tàu chiến Trung Quốc, hay thứ gì đó và Mỹ có thể, từ một vị trí cố định, trên một đảo hoặc một vài nơi khác, nhắm bắn các mục tiêu kẻ thù, các mục tiêu tàu chiến, từ khoảng cách rất xa, duy trì thế đối đầu và từ đó mở cửa, nếu các anh muốn, cho hải quân hay thủy quân lục chiến”. Khi được hỏi vì sao Mỹ cần phát triển siêu pháo, ông Mark Esper cho biết “Vì sao giáo được phát triển? Bởi vì kẻ thù của chúng ta có kiếm. Giáo giúp chiến binh tăng tầm tấn công. Vì sao súng cao su ra đời? Bởi vì giáo chiếm ưu thế trước kiếm về tầm tấn công. Chúng ta muốn luôn ở thế đối đầu, có thể tấn công mà không lo bị bắn trả”.
Theo lời ông Esper, siêu pháo của Mỹ có thể được đặt trên một đảo nảo đó ở Biển Đông, bắn tới các mục tiêu của Trung Quốc cách đó gần 2.000 km, phá hủy các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tạo dựng trái phép để biến chúng thành các tiền đồn quân sự. Cũng theo Bộ trưởng Lục quân Mỹ, pháo có thể phá hủy các tàu chiến Trung Quốc và các mục tiêu quân sự khác trên các đảo ở Biển Đông, phá hủy hệ thống phòng không, radar, các tên lửa chống hạm và thậm chí là căn cứ không quân. Việc phá hủy các cơ sở nói trên trong chiến tranh cho phép không quân, hải quân và lực lượng mặt đất của Mỹ xâm nhập khu vực và giành lại từ tay Trung Quốc. Theo giới quan sát, địa điểm đặt siêu pháo trong tương lai của Mỹ có thể là trên các đảo Palawan và Luzon.
Được biết, các cuộc thử nghiệm siêu pháo với tầm bắn mở rộng là một phần chương trình ứng dụng công nghệ siêu thanh của lục quân Mỹ, thứ mà các quan chức quân sự Mỹ một số năm trước đã quyết định không mang vào ứng dụng chế tạo vũ khí. Ngoài ra, Trung Quốc hiện cũng đang nghiên cứu, chế tạo các loại pháp tầm xa để tìm cách thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Quân đội Trung Quốc mới đây đã đăng tải hình ảnh về một diễn tập bắn đạn thật với tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) tầm xa cực kỳ tiên tiến AR3 cỡ nòng 370 mm. Tổ hợp MLRS AR3 được Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Phương Bắc – NORINCO giới thiệu lần đầu tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2014. AR3 chính là bản nâng cấp toàn diện dựa trên tổ hợp pháo phản lực phóng loạt PHL-03 cỡ 300 mm đang được coi là tiêu chuẩn của pháo binh tầm xa Trung Quốc. Đạn rocket của PHL-03 có tầm xa tới 150 km với sai số vòng tròn (CEP) 10m. Phiên bản AR3 thế hệ mới hiện đang được Trung Quốc chào bán cho thị trường nước ngoài và chưa chấp nhận đưa vào trang bị chính thức cho pháo binh tầm xa. Đây là điều gây thắc mắc vì trong các cuộc thử nghiệm, AR3 đã có những màn thể hiện tuyệt vời khi đánh trúng mục tiêu cách xa tới 280 km với sai số nhỏ hơn 3m.