Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị An ninh Munich...

Một số điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị An ninh Munich 2019

Hội nghị An ninh Munich 2019 có sự góp mặt của 35 nguyên thủ quốc gia, 50 ngoại trưởng, 30 bộ trưởng quốc phòng và nhiều tổ chức quốc tế. Với hàng trăm cuộc thảo luận, hội nghị đã bàn về các vấn đề từ cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc, tương lai của Liên minh châu Âu, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đến tương lai của kiểm soát vũ khí và chính sách quốc phòng, sự giao thoa giữa thương mại và an ninh quốc tế…

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 55 đã tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng như chống khủng bố, hồ sơ hạt nhân Iran, việc giải trừ quân bị, kiểm soát việc chạy đua vũ trang, khủng hoảng tại Venezuela, vai trò và đóng góp của Trung Quốc với an ninh thế giới… Về tổng thể, Hội nghị An ninh Munich 2019 đề cập đến hầu như tất cả các vấn đề nóng nhất của an ninh thế giới, tại cả các phiên thảo luận chính thức lẫn các cuộc gặp và phát ngôn bên lề. Đây thực sự là một cuộc gặp gỡ, đối thoại an ninh thường niên rất chất lượng, với sự góp mặt của những lãnh đạo của nhiều cường quốc trên thế giới.

Mâu thuẫn giữa châu Âu – Mỹ

Tại Hội nghị An ninh Munich, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích rất mạnh các chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump, từ vấn đề hạt nhân Iran, việc Mỹ rút quân khỏi Syria hay rút khỏi Hiệp ước INF ký với Nga năm 1987. Bà Merkel cho rằng việc Mỹ đơn phương hành động trong các hồ sơ này mà không có tham khảo quan điểm từ phía châu Âu, dù châu Âu là bên chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp, như trong vấn đề Hiệp ước INF, là “tin tức vô cùng xấu”. Ngoài ra, bà Merkel còn chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump coi ngành công nghiệp ô tô châu Âu là mối đe doạ với an ninh quốc gia Mỹ là điều khó chấp nhận. Để đáp trả, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã ngay lập tức tuyên bố rằng “đã đến lúc các nước châu Âu rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran”. Đồng thời, ông Mike Pence cũng kêu gọi châu Âu hành động giống Mỹ trong cuộc khủng hoảng tại Venezuela hiện nay là coi Tổng thống tự phong Guaido là lãnh đạo của Venezuela.

Giới chuyên gia nhận định, mâu thuẫn giữa châu Âu và Mỹ được cho là do Mỹ đã đơn phương áp đặt một số chủ trương, chính sách ảnh hưởng đến châu Âu. Theo đó: (i) Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran (JCPOA) được Iran và nhóm P5+1 (gồm 06 cường quốc Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga) ký kết. Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý thu hẹp chương trình hạt nhân và chịu sự kiểm soát của quốc tế để đổi lấy việc cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận nói trên với cáo buộc rằng Iran sắp sửa có được những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới. Ngay lập tức, các nhà lãnh đạo của châu Âu đã lên tiếng chỉ trích quyết định trên của Tổng thống Mỹ, bởi họ cho rằng châu Âu, Trung Đông và thế giới có thể lại rơi vào vòng xoáy nguy hiểm mới khi dồn một nước có tiềm lực vũ khí hạt nhân vào chân tường. Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cũng nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran là thành tựu lớn về mặt ngoại giao và không phổ biến hạt nhân, góp phần đảm bảo an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế.Thực tế, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực vào tháng 8/2018 thì Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU đã chỉ thị các công ty châu Âu không cần tuân theo yêu cầu của Washington về việc chấm dứt giao dịch với Iran. (ii) Tổng thống Donald Trump đơn phương từ chối miễn thuế thép và nhôm mà ông đã áp đặt lên các nước khác vào tháng 3/2018. Ông Donald Trump lập luận, việc làm trên nhằm bảo vệ an ninh quốc gia cho Mỹ, nhưng Liên minh châu Âu lại nghĩ khác. Họ cho rằng khối EU là đồng minh của Mỹ nên không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. (iii) Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích NATO. Trong những ngày diễn ra phiên họp thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2018, Donald Trump được cho là đã nói với các quan chức an ninh Mỹ rằng, ông không nhận thấy giá trị của liên minh quân sự và cho rằng NATO đang làm tiêu hao tiền bạc của Mỹ. Tại thời điểm đó, ông Donald Trump gây sức ép để buộc các đồng minh gia tăng chi phí quân sự. Tổng thống Mỹ đã ám chỉ rằng: “Nhiều nước nợ Mỹ số tiền khổng lồ trong nhiều năm trở lại đây, họ không trả đúng hạn và Mỹ phải trả cho họ”. Hiện nay, các nước thành viên NATO đóng góp ngân sách theo một công thức được nhất trí tương ứng với GDP của nước đó. Mỹ đóng góp 22,14% vào ngân sách này; Đức 14,65%, Pháp 10,63% và Anh 9,84%. Ngoài ra còn có các đóng góp gián tiếp cho NATO. (iv) Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Mỹ tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ INF với Nga từ ngày 2/2/2019 để phản đối việc Moskva triển khai các tên lửa 9M729. Cùng ngày, Nga đáp trả bằng quyết định tương tự. Mặc dù hai bên vẫn còn sáu tháng để cứu vãn hiệp ước này nếu như tìm lại được tiếng nói chung. Với việc Nga và Mỹ luôn cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF, có thể thấy thỏa thuận được coi là hòn đá tảng để bảo đảm an ninh châu Âu như INF đã mất tác dụng khi lòng tin chiến lược giữa các bên bị suy giảm. Trong bối cảnh tương lai của INF chưa chắc chắn, các nước thành viên NATO đang ráo riết thảo luận về những biện pháp có thể thực hiện nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước nguy cơ chạy đua vũ trang mới.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã đánh giá cao các động thái chính trị mà châu Âu đã làm nhưng cho rằng chưa đủ, nhất là các giải pháp kinh tế. Iran cho rằng các giải pháp kinh tế mà EU đưa ra quá muộn, đáng lẽ nó phải được thực hiện trong vòng vài tuần sau khi Mỹ rút lui và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước này. Ông Zarif cho biết cơ chế thương mại châu Âu với Iran hoạt động không tốt và nhấn mạnh Đức, Pháp và Anh phải làm nhiều hơn để thể hiện cam kết của họ đồng thời nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro trước chủ nghĩa đơn phương nguy hiểm của Mỹ. Ông Zarif nói Iran cam kết theo thỏa thuận hạt nhân nhưng sự kiên nhẫn bị hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng với Iran, những biện pháp mà các nước châu Âu đưa ra chưa đủ để đảm bảo các lợi ích cho Iran khi phải chống lại các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đưa ra 2 gói trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Iran hồi tháng 8 và tháng 11/2018, các nước châu Âu vẫn cam kết duy trì thỏa thuận để đảm bảo lợi ích kinh tế và an ninh. Cuối tháng 1 vừa qua, dù còn nhiều bất đồng trong nội bộ liên quan tới JCPOA nhưng Anh, Pháp, Đức đã ban hành một tuyên bố chung về cơ chế thanh toán phi USD trực tiếp. Cơ chế này nhằm bảo vệ các mối quan hệ thương mại giữa EU với Iran khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran. Xét trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội Iran hiện nay cũng như tình hình khu vực và trước sức ép từ của Mỹ cùng các lệnh trừng phạt, chính quyền Iran chắc chắn vẫn muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hơn là rút lui khỏi thỏa thuận này. Theo đó, Iran vừa có thể phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với các đối tác EU để góp phần ổn định an ninh, chính trị và xã hội đất nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, vừa tiếp tục đảm bảo an ninh, tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa của Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Ngay cả EU cũng muốn duy trì thỏa thuận này để tránh những tổn thất kinh tế, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh và tránh không phổ biến hạt nhân trên toàn cầu. EU không muốn những hệ lụy này ảnh hưởng tới an ninh của riêng mình. Do đó, trong ngắn hạn, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và EU vẫn duy trì và các bên tiếp tục đàm phán, gây sức ép lẫn nhau để cân bằng lợi ích trước sức ép từ Mỹ.

Vấn đề Biển Đông

Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Singapore Ng Eng Hen cho biết ASEAN và Trung Quốc chuẩn bị đàm phán về vấn đề Biển Đông trong tháng 2/2019 nhằm tránh các sự cố quân sự nguy hiểm trên biển.

Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng trong bài phát biểu, ông Ng Eng Hen đã cố gắng chứng minh mức độ hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực đã bị cường điệu hóa. Luận điểm chính của ông Ng Eng Hen là các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Theo ông Ng Eng Hyun, các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ trên đảo Guam gấp 12 lần và Hawaii vượt trội hơn 70 lần so với hiện diện của Trung Quốc ở khu vực biển Đông.

Đáng chú ý, cũng tại Hội nghị, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tiếng chỉ trích về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, đồng thời ông bày tỏ sự phản đối với các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông; đồng thời cảnh cáo Anh giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông.

Được biết, Hội nghị An ninh Munich ra đời năm 1963, ban đầu được xem là diễn đàn đối thoại an ninh quan trọng nhất đối với mối quan hệ châu Âu-Mỹ, tiếp đó thì mở rộng ra nhiều chủ đề an ninh lớn khác trên toàn cầu. Đây là Hội nghị quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, các tổ chức nghiên cứu chiến lược và các chính trị gia. Vì thế, đây trước hết là không gian đối thoại về an ninh toàn cầu, về trật tự thế giới, chứ không phải là nơi đưa ra chính sách, và vì vậy thì cũng khó có thể nói là dư luận có thể trông đợi hay kỳ vọng vào một điều gì cụ thể từ Hội nghị an ninh này. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là Hội nghị An ninh Munich 2019 không có ảnh hưởng quan trọng, mà ngược lại, là rất quan trọng. Vì thế, trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều biến động lớn như hiện nay thì việc đối thoại giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng, nhằm tránh các rủi ro đối đầu trực diện. Và đó là điều mà Hội nghị An ninh Munich đã làm được.

RELATED ARTICLES

Tin mới