Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir (4/3) đã ký sắc lệnh đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), sau quyết định tương tự của phía Mỹ hồi tháng 2.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay ký sắc lệnh cho phép Moskva ngừng tuân thủ điều khoản trong Hiệp ước INF và yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thông báo cho Washington về quyết định này. Theo đó, Nga cho rằng do tính cấp thiết tiến hành các biện pháp đối phó sau khi Mỹ vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Hiệp ước được ký kết giữa Liên Xô và Mỹ ngày 8/12/1987, Nga quyết định ngừng tuân thủ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cho đến khi Mỹ ngừng vi phạm Hiệp ước hoặc cho tới khi Hiệp ước hết liệu lực.
Theo Chủ tịch Ủy ban về Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Viktor Bondarev, sự đình chỉ thực thi Hiệp ước INF của Nga là một bước đối ứng với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước. Mỹ là bên đầu tiên từ chối hiệp ước với cáo buộc chúng tôi vi phạm thỏa thuận. Một lần nữa, chúng tôi nhấn mạnh rằng Nga không bao giờ vi phạm các yêu cầu của Hiệp ước INF.
Trước quyết định của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga về kiểm soát vũ khí, nhưng trong những điều kiện nhất định. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những điều kiện để đàm phán là khả năng Washington tiến hành các cuộc kiểm tra vì mục đích “an ninh của Mỹ và các đối tác”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự thất vọng khi Nga chưa sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để quay trở lại và giữ Hiệp ước INF. Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo (1/2) tuyên bố Mỹ sẽ ngừng thực hiện các nghĩa vụ của nước này theo Hiệp ước INF, đồng thời cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước.
Hiệp ước INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký vào năm 1987. Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm gần và trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.
Suốt 10 năm qua, việc duy trì Hiệp ước INF gặp nhiều nguy cơ khi cả 2 Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm điều khoản của hiệp ước. Mỹ cho rằng Nga đã bí mật phát triển loại tên lửa vi phạm INF. Trong khi Nga bác bỏ các cáo buộc này. Nga cũng cáo buộc tương tự, cho rằng Mỹ sử dụng tên lửa tầm trung trong việc phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa, trong đó có hệ thống AEGIS Ashore. Trong khi đó, Mỹ khẳng định các bệ phóng AEGIS Ashore ở Romania và Ba Lan là hoàn toàn mang tính phòng thủ, những Nga lại coi đây là mối đe dọa đối với lãnh thổ Nga. Thời gian gần đây, Mỹ cáo buộc tên lửa 9M729 của Nga vi phạm vì có tầm bay gần 5.000 km, trong khi Moskva cũng cho rằng Washington không tuân thủ INF khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km tại châu Âu.
Năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nếu Nga không phá hủy kho tên lửa mà Mỹ cho là vi phạm INF, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước này. Các cuộc đàm phán giữa 2 bên đã không giải quyết được tình hình và Mỹ đã tuyên bố chính thức dừng thực thi Hiệp ước này hồi đầu tháng 2/2019.
Ngay sau đó, Nga cũng tuyên bố sẽ làm điều tương tự, cáo buộc Mỹ chơi trò 2 mặt và cho rằng Mỹ đã sử dụng những cáo buộc với tên lửa Nga làm cái cớ để hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân khi không còn cảm thấy hài lòng với nó. Nga khẳng định nước này không có ý định xây dựng và triển khai các tên lửa tầm trung có khả năng hạt nhân trên mặt đất nếu Mỹ không làm điều đó trước. Nhưng nếu Mỹ làm điều đó, Nga có cả công nghệ lẫn năng lực sản xuất để đáp trả nhanh chóng. Trong thông điệp liên bang mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, các tên lửa Nga sẽ nhằm vào không chỉ các tên lửa của Mỹ ở châu Âu, mà còn cả “các trung tâm quyết định” phát đi lệnh tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Nga. Quân đội Nga hồi tháng 1 công khai mẫu tên lửa 9M729, cho biết tầm bắn của nó là 480 km và không vi phạm hiệp ước, từ chối yêu cầu phá hủy tên lửa của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó tuyên bố Washington sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng nếu Moskva không phá hủy các tổ hợp 9M729.
Nhiều nhà phân tích về vấn đề kiểm soát vũ khí cảnh báo rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể tạo ra “một cuộc chạy đua phát triển tên lửa” mới, còn thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov viết trên mạng xã hội Twitter nhấn mạnh, động thái này sẽ là “cú đòn giáng mạnh vào toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới”.