Saturday, December 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại quá trình triển khai và thực trạng của cái gọi...

Nhìn lại quá trình triển khai và thực trạng của cái gọi là “hoạt động đầu tư tư nhân” của TQ ở Biển Đông hiện nay

Trong quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc ngoài các hành động quân sự hóa, bồi đắp đảo còn tiến hành nhiều biện pháp, phương thức khác nhau. Một trong số đó chính là hình thức kêu gọi đầu tư tư nhân trên các đảo không người ở tại Biển Đông. Mặc dù tiến hành đã lâu, song do tính phi pháp của hoạt động này vẫn là vấn đề thời sự được dư luận các nước đặc biệt quan tâm.

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của TQ ở Biển Đông. Nguồn: CSIS

Quá trình triển khai và kết quả đạt được của TQ

Hoạt động kêu gọi tư nhân đầu tư vào các đảo ở Biển Đông của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2011, khi đó Cơ quan quản lý hải dương Trung Quốc đã công bố danh sách 176 đảo “không người ở” ở Biển Đông để kêu gọi đầu tư theo nội dung phát triển hải đảo của Trung Quốc trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015). Hoạt động kêu gọi đầu tư tư nhântrên các đảo không người ở tại Biển Đông chính thức được hợp thức hóa khi Trung Quốc tháng 7/2012 ngang nhiên tuyên bố thành lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm nhằm thâu tóm toàn bộ các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc ráo riết đầu tư và kêu gọi đầu tư hạ tầng cho “thành phố” này vì phần lớn trong số các đảo và bãi đá tại đây đều không có người ở.

Tiếp đến đầu năm 2016, Trung Quốc đã lần đầu tiên kêu gọi hình thức “đầu tư tư nhân” theo chương trình “đối tác công tư” nhằm củng cố, phát triển các đảo, đá tranh do nước này cưỡng chiếm ở Trường Sa và Hoàng Sa. Theo một công trình nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore công bố cho biết, Bắc Kinh đã dùng các tập đoàn Nhà nước làm công cụ lấn chiếm và áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Các hoạt động của các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng cơ sở, du lịch cũng như dầu khí, mà một số nằm trong vùng tranh chấp với các láng giềng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Bắc Kinh đã khuyến khích hoạt động của các tập đoàn này. Đối với một số chuyên gia và nhà ngoại giao, hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ cản trở bất kỳ giải pháp tương lai nào cho khu vực nếu Bắc Kinh bảo vệ họ bằng quân sự và chính trị. Tâp Đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Corporation) và các công ty con, tận dụng chính sách được Chủ tịch Tập Cận Bình ban hành năm 2012 để phát triển năng lực hoạt động trên biển nhờ các hợp đồng ở Biển Đông, trong đó có việc đóng tàu nạo vét thuộc loại lớn nhất thế giới. Tập đoàn CCCC đã lập ra những đơn vị kinh doanh mới tập trung khai thác vùng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhắm vào lãnh vực du lịch, cơ sở hậu cần, đánh cá, xây dựng. Tập đoàn đã cam kết đầu tư 15 tỷ đô la vào những lãnh vực khác nhau. CCCC cũng hợp tác với những tập đoàn Nhà nước khác, trong đó có tập đoàn du lịch China Travel Service Group (CTSG), để phát triển tuyến du lich đến Hoàng Sa bằng tàu thủy, sau khi giới lãnh đạo không còn ngần ngại ủng hộ những hoạt động như trên.

Tháng 7/2018, Trung Quốc tiếp tục loan tin kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông với nhiều mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm. “Việc phát triển trên các hòn đảo không người ở sẽ đảm bảo sự ổn định của Nam Hải và loại bỏ các mục đích xâm lược và xâm chiếm của các nước khác đối với chủ quyền lãnh thổ của chúng ta”, một nghiên cứu sinh tại Học viên quốc gia Hải Nam của Trung Quốc bao biện.

Mục đích, ý đồ của TQ và phản ưng, dư luận từ các nước

Mặc dù Trung Quốc không công khai đến tình hình đầu tư của tư nhân tại các đảo, đá ở Biển Đông theo những lời kêu gọi, mời chào đầu tư trên. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, cộng đồng quốc tế, khu vực đã chứng kiến một quá trình xây dựng ồ ạt, quy mô lớn và quân sự hóa tại các đảo, đá ở Biển Đông của Trung Quốc. Nhiều công trình được Trung Quốc bao biện và khoác lên vỏ bọc “dân sự” như sân bay, cầu cảng, hệ thống hạ tầng cơ sở khác (điện, nước, mạng di động…). Song thực tế, giới chuyên gia các nước cho rằng đây đều là các công trình phục vụ cho mục đích quân sự. Theo đó,Việc Trung Quốc kêu gọi đầu tư tư nhân tại các đảo không người ở ở Biển Đông là nhằm củng cố và đạt được các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này giúp Trung Quốc huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường hiện diện của Trung Quốc các đảo, đá do nước này đang chiếm đang trái phép ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn sử dụng danh nghĩa hoạt động kêu gọi đầu tư tư nhân để “lách luật”, hướng lãi dư luận rằng các hoạt động xây dựng, cải tạo của Trung Quốc chỉ đơn thuần là phục vụ “mục đích dân sự”. Tuy nhiên dù mục đích gì thì những hoạt động này đều diễn ra tại các đảo, đá do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Ngoài ra, cũng giống như trong các hoạt động khác, Trung Quốc cũng muốn tuyên truyền theo chủ ý, đánh lạc hướng dư luận về hoạt động mở rộng, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng có thể Trung Quốc sẽ kêu gọi và cho phép một số tư nhân nước ngoài tham gia đầu tư tại một số đảo này.

Giới chuyên gia cũng cho rằng hoạt động kêu gọi đầu tư tư nhân tại các đảo, đá không người ở trên Biển Đông của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông ký kết năm 2002 (DOC). Các chuyên gia dẫn ra tại Điều 121 của UNCLOS quy định rất rõ rằng “các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tại điểm 7, Điều 60 của UNCLOS quy định “không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế”. Còn tại Điều 5 của DOC quy định “các bên không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới