Hoạt động hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí của Ấn Độ ở Biển Đông trong suốt gần 40 năm qua được xem là một điểm nhấn trong chính sách “Hành động Hướng Đông” của Ấn Độ, nước từng khẳng định Biển Đông là tài sản của thế giới, không ai có quyền đơn phương kiểm soát vùng biển này.
Hoạt động hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí của Ấn Độ ở Biển Đông. Nguồn: AFP
Vai trò của Biển Đông đối với Ấn Độ
Biển Đông có ý nghĩa về lợi ích địa chính trị và địa kinh tế quan trọng đối với Ấn Độ. Thứ nhất, liên quan đến an ninh hàng hải. Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Thứ hai, Biển Đông chiếm vị trí trung tâm trong lợi ích địa kinh tế của Ấn Độ, dựa trên các lợi ích chiến lược hai mặt của Ấn Độ. Một là, thương mại của Ấn Độ với ASEAN và các nước Đông Á. Hai là, nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông. Cả hai yếu tố này đóng vai trò chiến lược trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Có tới gần 92-95% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, Ấn Độ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng của nước này. Với 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển. Hàng ngày, có khoảng 200 – 300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại, chưa kể đến các tàu dưới 5.000 tấn, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Vì vậy, Biển Đông đã trở thành một phần không thể tách rời của vành đai an ninh của Ấn Độ, đóng vai trò quyết định đối với ngoại thương, năng lượng và lợi ích quốc gia.
Quan điểm, chính sách của Ấn Độ về vấn đề hợp tác dầu khí và tranh chấp Biển Đông
Mặc dù là nước không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Ấn Độ đã tham gia tích cực vào Biển Đông, cam kết tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh và tự do hàng hải, cũng như sự an toàn của các tuyến giao thông đường biển đối với tự do thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS, tập trung vào ba mục tiêu: Một là, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở. Bốn là, để duy trì quan hệ thân thiết với các cường quốc khu vực. Ba là, đảm bảo không có cường quốc nào khống chế toàn bộ khu vực này. Thông qua chính sách này, Ấn Độ đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường can dự với các quốc gia ASEAN. Bên cạnh tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác chiến lược đã được mở rộng qua các cuộc tập trận chung, các khoản tín dụng hào phóng, huấn luyện quân sự và bán vũ khí quân sự cho các nước trong khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện mạnh mẽ các phương tiện, khí tài quân sự của Ấn Độ trong khu vực không chỉ để bảo vệ các tuyến đường biển này mà còn thể hiện vai trò cường quốc ở khu vực. Về hợp tác dầu khí ở Biển Đông, Ấn Độ khẳng định Biển Đông là tài sản của thế giới, không ai có quyền đơn phương kiểm soát vùng biển này. Động thái cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc buộc Ấn Độ phải duy trì quyền lợi và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này. Ấn Độ cũng tuyên bố có đủ khả năng để bảo vệ các lợi ích tài chính và chiến lược của quốc gia.
Quá trình triển khai và kết quả hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của Ấn Độ ở Biển Đông
Ngay từ những năm 1980, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. Năm 1988, Tập đoàn dầu khí quốc gia ONGC Videsh Limited (OVL) của Ấn Độ đã hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam và sau đó tham gia 45% quyền lợi và nghĩa vụ thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 06/1 cách Vũng Tàu 370 km về phía Đông Nam bờ biển Việt Nam. Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ. Ấn Độ cũng bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ nhiều lần cập cảng Việt Nam và sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa. Vào tháng 10/2014, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định Lô 128 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS. Trước đó, vào năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh báo phi lý OVL rằng, “các hoạt động thăm dò của công ty này ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam là phi pháp và vi phạm chủ quyền Trung Quốc”, song OVL vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển này. Việc duy trì chính sách này được coi là nỗ lực của New Delhi trong việc khẳng định sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực mà Trung Quốc thể hiện hành động gây hấn. Ngoài ra, OVL tiếp tục sở hữu 45% cổ phần tại Lô số 6.1 ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam.