Trang tin ABC New (5/3) đưa tin, hai máy bay ném bom B-52 Stratofortress cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, Guam ngày 4/3 để tham gia các hoạt động huấn luyện thường kỳ. Thông báo của Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, một trong hai chiếc máy bay đã thực hiện huấn luyện gần Biển Đông trước khi trở lại Guam, chiếc còn lại tham gia hoạt động phối hợp với Hải quân Mỹ và lực lượng phòng vệ trên không và trên biển của Nhật Bản tại khu vực gần Nhật Bản. Thông tin cho biết, giống như các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, các hoạt động của Không quân Mỹ cũng nhằm khẳng định khu vực này là không phận quốc tế và phản đối việc Trung Quốc đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông.
Máy bay ném bom B-52 Stratofortress
Không quân Mỹ nhấn mạnh, các hoạt động của máy bay B-52 hôm 4/2 hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế và khẳng định đây là một phần trong sứ mệnh “hiện diện thường trực” của Mỹ ở Biển Đông.
Việc Mỹ điều máy bay B-52 tuần tra ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh: (i) Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) cam kết sẽ bảo vệ Philippines trước “các vụ tấn công bằng vũ trang” ở khu vực Biển Đông, khẳng định các hoạt động xây đảo và động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa tới chủ quyền, an ninh và kinh tế của Philippines cũng như Mỹ, nhấn mạnh Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên mọi vụ tấn công nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo điều 4 trong Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau Mỹ và Philippines. (ii) Trung Quốc đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. (iii) Trung Quốc đang tổ chức Kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khóa XIII và Kỳ hợp thứ hai Chính hiệp Trung Quốc khóa XIII.
B-52 Stratofortres là máy bay ném bom lớn nhất của Không quân Mỹ và là một phần trong “Bộ ba hạt nhân” của Mỹ. Hai loại vũ khí còn lại nằm trong bộ ba này gồm có các tên lửa đạn đạo có thể phóng từ tàu ngầm và các tên lửa đạn đạo liên lục địa. Được biết, Mỹ cho đồn trú các máy bay ném bom B-1, B-2 và B52 tại căn cứ Andersen ở Guam kể từ năm 2004. Sự hiện diện quân sự của Mỹ gần các khu vực Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông khiến Bắc Kinh bất an. Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ đâu vào bất cứ thời gian nào luật pháp quốc tế cho phép.
Sự hiện diện của các tàu khu trục và máy bay chiến đấu của Mỹ ở Biển Đông được Trung Quốc xem là “nhạy cảm” khi Bắc Kinh thời gian qua thực hiện yêu sách chủ quyền phi pháp ở đây cùng việc xây các cơ sở quân sự trái phép ở khu vực tranh chấp.
Trong năm 2017, Mỹ cũng đã nhiều lần cử máy bay B-52 và máy bay bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon tuần tra ở Biển Đông, cụ thể: (1) Ngày 27/4, Không quân Mỹ điều máy bay ném bom B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, sau đó bay tới gần Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đào tạo và tuần tra tự do hàng không trong khu vực Biển Đông. (2) Ngày 19/5, Mỹ cử máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thì bị Trung Quốc cử máy báy chiến đấu áp sát, gây nguy hiểm cho máy báy và phi công của Mỹ. (3) Tháng 6/2018, Mỹ tiếp tục điều 02 máy bay ném bom B-52 bay cách các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 30km. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những máy bay đồn trú ở Guam và tham gia “nhiệm vụ huấn luyện thường nhật”, bay từ căn cứ không quân Andersen đến cơ sở hỗ trợ hải quân của Mỹ ở Diego Garcia, vùng lãnh thổ của Anh trên Ấn Độ Dương. Chiến dịch này là một phần trong sứ mệnh “hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhằm “duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ”. (4) Ngày 01/8, Mỹ điều 02 chiếc B-52H thuộc Phi đội ném bom viễn chinh 96 tham gia đợt diễn tập chống tàu ngầm cùng với máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon trên khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. (5) Ngày 03/8, Mỹ triển khai các máy bay B-52H thực hiện những chuyến bay diễn tập và huấn luyện ở Biển Đông trong không phận hợp pháp theo các quy định quốc tế. (6) Ngày 27/8, Mỹ điều hai máy bay B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. Ngày 30/8, Mỹ tiếp tục điều hai máy bay B-52H đã tiến hành nhiệm vụ bay tuần tra Biển Đông. (7) Mỹ (23/9 và 27/9) liên tiếp điều 04 máy bay B-52H qua khu vực Biển Đông. Trung tá Dave Eastburn (26/9) cho biết, các máy bay ném bom của Mỹ đang tham gia vào “chiến dịch hỗn hợp định kỳ” và đây là một phần của “những hoạt động định kỳ nhằm tăng cường sự sẵn sàng và tính tương tác với các đối tác cũng như đồng minh của Mỹ trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu qua vùng biển và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép vào những thời điểm và khu vực do Mỹ lựa chọn. (8) Ngày 16/10, Không quân Mỹ điều hai chiếc B-52 bay từ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam tiến gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. (9) Ngày 19/11, không quân Mỹ đã điều hai máy bay ném bom B-52H tham gia sứ mệnh huấn luyện thường xuyên gần Biển Đông.
Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nữa nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.