Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTàu TQ ngang nhiên đâm chìm tàu cá Việt Nam ở vùng...

Tàu TQ ngang nhiên đâm chìm tàu cá Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 10h10 ngày 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm. Các ngư dân trên tàu cá Quảng Ngãi bị chìm đã được cứu vớt an toàn, tiếp tục đánh bắt hải sản.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam nhiều lần bị tàu Trung Quốc đâm chìm

Theo Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khi bị đâm chìm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này. Sau đó, Văn phòng Uỷ ban đã yêu cầu Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc cứu nạn các ngư dân. Đến trưa cùng ngày, năm ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, rời khu vực bị nạn để tiếp tục đánh bắt hải sản.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Khu vực quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển phụ cận là một phần lãnh thổ, lãnh hải hợp pháp của Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc.

Từ thế kỷ 17, người Việt đã dong thuyền ra đánh bắt hải sản và khai thác yến sào trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Công cuộc khai thác, chiếm hữu này được thực hiện liên tục, sau này được tổ chức ngày càng chính quy hơn. Chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập ra đội Hoàng Sa, hằng năm cử đội này ra Hoàng Sa thăm dò, đo đạc hải trình, khai thác yến sào trên đảo và thu nhặt vũ khí, vàng bạc, hàng hóa… từ các con tàu đắm của nước ngoài khi đi ngang qua vùng biển này.

Từ nửa sau thế kỷ 18, ngoài đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn còn lập thêm đội Bắc Hải trực thuộc đội Hoàng Sa. Hằng năm từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, chính quyền sai cử hai đội này ra Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác sản vật, kiêm thêm công vụ kiểm tra, kiểm soát, thực thi chủ quyền ở khu vực này. Các đội Hoàng Sa và Bắc Hải được tổ chức có hệ thống, hoạt động ổn định, chuyên nghiệp và kéo dài đến tận cuối thế kỷ 18. Công việc này không hề gặp bất kỳ một sự phản ứng hay tranh chấp nào từ các quốc gia lân cận.

Sau khi lên ngôi, năm 1803, vua Gia Long đã ra chỉ dụ củng cố các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đặt các đội này vào trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông. Năm 1816, vua Gia Long đã sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng với thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Việc này được người phương Tây đương thời ghi nhận, coi đây là hoạt động chiếm hữu chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa. Các triều đại nhà Nguyễn sau đó tiếp tục tiến hành các hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục và triệt để. Thời vua Minh Mạng đã sai thủy quân ra đồn trú tại đây để thu thuế và bảo trợ ngư dân đánh bắt cá, đều đặn đi vãng thám, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Năm 1834, Minh Mạng chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền.

Từ sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và thiết lập chế độ bảo hộ, bối cảnh Việt Nam, Đông Dương, quốc tế đã có nhiều biến đổi và theo đó, việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng có những yếu tố mới. Chính quyền Pháp đại diện cho nhà nước Việt Nam trực tiếp quản lý Hoàng Sa (1885 – 1950). Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Tuyên bố này được ghi vào văn kiện của Hội nghị San Francisco (1951) với đa số tán thành và không có bất kỳ một phản ứng chống đối hay một yêu sách nào của tất cả các quốc gia tham dự. Từ năm 1951 đến 1955, trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không còn quân đội nước ngoài chiếm đóng, ngoài lực lượng trú phòng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, quân Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương. Trong lúc chuyển giao quyền lực, lợi dụng sơ hở, Trung Quốc cho quân đổ bộ lên chiếm đóng nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (năm 1956). Năm 1974, một lần nữa, lợi dụng lúc Chính phủ Việt Nam Cộng hòa suy yếu, Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm toàn bộ nhóm đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng đồn trú của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên đảo cùng với hải quân được tăng cường từ đất liền đã giao chiến quyết liệt với quân Trung Quốc, nhưng do tương quan lực lượng không cân xứng nên Hoàng Sa đã rơi vào tay quân Trung Quốc. Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép quần đảo này cho đến hiện nay. Đây là hành động phi pháp, đi ngược lại công lý và luật pháp quốc tế. Đây cũng là bi kịch của lịch sử vì bạo lực phi nghĩa vẫn còn hiện diện và giành được ưu thế trong thế giới văn minh.

Việc Trung Quốc cho tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam khi đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là đi vi phạm luật pháp và đi ngược lại đạo lý làm người. Các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi thuộc về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1974 – điều mà luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc không cho phép và thừa nhận. Việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là không thể chấp nhận được. Hành động này của Bắc Kinh rất phù hợp với câu nói “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

Nhìn chung, trong những năm gần đây, tàu cá của Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc, bao gồm tàu Hải cảnh, tàu Kiểm ngư, tàu “dân quân biển” (tàu quân sự đội lốt tàu cá), tàu cá cỡ lớn được chính phủ hậu thuẫn… đâm chìm khi đánh bắt cá hợp pháp trong ngư trường truyền thống của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên của Trung Quốc là muốn thông qua đâm chìm tàu cá Việt Nam, để hòng đe dọa ngư dân ta không vào đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống, qua đó Trung Quốc sẽ từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, biến biển đảo của Việt Nam thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu và ý đồ nham hiểm của Bắc Kinh sẽ không bao giờ thành hiện thực. Ngư dân Việt Nam sẽ kiên dũng, không sợ Trung Quốc đe dọa để đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống của mình và góp phần lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ngoài ra, việc tàu Trung Quốc (phải có sự hậu thuẫn đằng sau) đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được. Nó vừa đi ngược lại các quy định quốc tế, Thỏa thuận đa phương, song phương mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết, nó còn đi ngược lại đạo lý làm người. Việc làm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, không có lợi trong việc xây dựng lòng tin giữa các nước; không tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới