Trong những năm gần đây, để tăng cường ảnh hưởng và cạnh tranh chiến lược với các cường quốc khác, Trung Quốc đã tích cực hiện diện, đầu tư và gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.
Trung Đông có tiềm năng lớn để Trung Quốc lôi kéo, mua chuộc và tăng cường ảnh hưởng
Trung Đông với vị trí địa – chính trị nằm ở trung tâm 3 châu lục: châu Á – châu Âu – châu Phi, lại có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, từ lâu luôn giữ một ví trị chiến lược trọng yếu trên toàn cầu, là một địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. Vươn tới tầm cường quốc toàn cầu sau Mỹ và Nga, Trung Quốc cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế, quân sự đang dần đẩy mạnh sự can dự nhằm tìm kiếm vai trò và ảnh hưởng tại khu vực chiến lược Trung Đông cho tương xứng với vị thế mới của mình trên thế giới. Việc gia tăng tiếng nói và ảnh hưởng đối với Trung Đông không chỉ nằm trong chiến lược lớn tăng cường vị thế toàn cầu mà còn phục vụ những lợi ích rất quan trọng khác của Trung Quốc. Trước hết, là quốc gia đang nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với 9 triệu thùng dầu/ngày, Trung Quốc bằng mọi cách phải đảm bảo cho được nguồn dầu mỏ từ Trung Đông, khu vực nắm giữ 1/2 tổng trữ lượng “vàng đen” toàn cầu với trên 750 tỷ thùng.
Trung Đông còn là thị trường tiềm năng của Trung Quốc. Từ năm 2012 đến 2017, dân số của khu vực này đã tăng gần 16%, từ 720 lên 844 triệu dân, trong đó tính cả 190 triệu ở Bắc Phi, bao gồm cả Ai Cập – nước có hơn 97% là người Hồi giáo. Con số này chiếm 46% dân số Hồi giáo trên thế giới (1,83 tỷ người, chiếm 24,1% dân số thế giới năm 2017). Đây là tỷ lệ tăng dân số cao nhất so với các nhóm địa chính trị chủ chốt khác toàn cầu.
Nền kinh tế của Trung Đông đang ngày càng khởi sắc: GDP của 27 quốc gia khu vực Trung Đông chiếm tối đa khoảng 6% GDP toàn cầu, gấp 3 lần GDP trên danh nghĩa của vùng châu Phi hạ Sahara có diện tích và dân số tương đương; gấp đôi các quốc gia CIS và kém hơn một chút so với khu vực Trung Mỹ và châu Mỹ Latinh.
Trung Quốc đã và đang tích cực xâm nhập vào Trung Đông
Trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng giảm của Mỹ ở khu vực Trung Đông thì Trung Quốc với sáng kiến Vành đai và Con đường đang nổi lên như một thế lực hàng đầu ở khu vực này.
Thời kỳ cuối của Chiến tranh Lạnh chứng kiến cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Đông không dừng lại ở việc nâng cao vị thế toàn cầu mà còn củng cố mối quan hệ kinh tế sâu hơn nhằm hỗ trợ cho việc mở rộng nền kinh tế Trung Quốc. Nỗ lực này của Trung Quốc gặp thuận lợi do vào năm 1992, Bắc Kinh đã thiết lập ngoại giao với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình Arab-Israel vào thời điểm đó đã làm cho việc hợp tác kinh tế trở thành ưu tiên của các nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho Bắc Kinh.
Một bước phát triển quan trọng đối với sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc trong khu vực là việc Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng các sản phẩm hóa dầu vào năm 1993. Khi nền kinh tế Trung Quốc cất cánh trong thập niên 1990, mối quan hệ hóa dầu của nước này với Trung Đông bung ra mạnh mẽ. Trong suốt thời kỳ còn lại, quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Trung Đông được đặc trưng bởi nhu cầu mạnh của Trung Quốc đối với các sản phẩm hóa dầu của các nước vùng Vịnh – những sản phẩm góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế nóng của Trung Quốc lúc đó.
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa vào năm 1978, Bắc Kinh tự nhận mình là “người bên lề” hay “người lướt qua” ở khu vực Trung Đông, và sự hiện diện của Trung Quốc tại đây chỉ nhằm vào thu lợi ích kinh tế tối đa. Tuy nhiên xu hướng Trung Quốc tìm cách né tránh khía cạnh chính trị trong khu vực này bắt đầu giảm dần vào năm 2008, khi Bắc Kinh cử 3 tàu hải quân tới tham gia hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden.
Việc nghiêng về yếu tố an ninh này tiếp diễn trong cuộc Nội chiến Libya năm 2011, khi Trung Quốc đáp ứng các kỳ vọng trong nước họ về việc sử dụng quân đội để bảo vệ các Hoa kiều. Cụ thể, các đơn vị không quân và hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sơ tán 35.000 công dân Trung Quốc ra khỏi Libya khi đó. Cũng theo hướng này, Trung Quốc đã đóng góp 700 lính gìn giữ hòa bình cho lực lượng Liên Hợp Quốc ở Sudan vào cuối năm 2012. Họ cũng đóng góp vài trăm nhân viên quân y và công binh cho lực lượng lâm thời của Liên Hợp Quốc ở Lebanon. Những động thái nêu trên khiến một số nhà quan sát đặt dấu hỏi về chủ trương của Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đang phát triển khác. Tư tưởng không can thiệp này vốn là một trong 5 nguyên tắc của Cùng tồn tại Hòa bình mà Bắc Kinh đã tuyên bố tại Hội nghị Á-Phi của các nước không liên kết năm 1955.
Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Trung Đông trải qua bước phát triển lớn nhất vào năm 2013, với sự ra đời của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trung Đông có vai trò trung tâm trong sáng kiến này. Tại phiên họp toàn thể thứ 3 của Ban chấp hành trung ương khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2013, Trung Đông được xác định là khu vực “láng giềng” của Bắc Kinh. Nói cách khác, Trung Đông giờ đã rơi vào vùng địa chiến lược ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Trung Quốc xác định có 4 vòng tròn địa lý đồng tâm nhô ra từ “Vương quốc Trung tâm” này. Vòng tròn gần nhất là quan trọng nhất với Trung Quốc và vòng tròn này chứa đựng Trung Đông. Trung Đông đã trở thành trọng điểm của ngoại giao chủ động của Bắc Kinh, được thực hành thông qua khuôn khổ BRI. Với việc ưu tiên Trung Đông trong BRI , Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên đoàn Arab và Iran cũng như là đối tác chính của Israel.
Trung Quốc từ nhiều năm nay cũng đã tăng cường ngày càng nhiều hơn sự hiện diện cả về kinh tế và quân sự tại Trung Đông. Từ năm 2016, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Arập, chiếm 32% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Đông với tổng vốn gần 30 tỷ USD và tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Thập niên qua, trao đổi thương mại của Trung Quốc với khu vực Trung Đông đã tăng gấp 10 lần, hiện đạt trên 230 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của các nước Arập Trung Đông. Trung Quốc cũng đã cam kết cho các nước Trung Đông vay 20 tỷ USD và viện trợ 1,6 tỷ USD cho các dự án kinh tế.
Đã có 151 dự án với tổng chi phí đầu tư lên tới 382 tỷ USD được Trung Quốc triển khai ở các nước nằm trong khu vực Đại Trung Đông, trong đó Pakistan là 101 dự án với 184 tỷ USD; Iran có 5 dự án với mức đầu tư 35 tỷ USD. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có 5 dự án với 17,4 tỷ USD. Qatar là 3 dự án với 7 tỷ USD. Iraq có 1 dự án với 1,5 tỷ USD. Saudi Arabia có 9 dự án với 14,6 tỷ USD. Israel là 3 dự án với 15,8 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ có 5 dự án với 45,6 tỷ USD. Ai Cập có 5 dự án với 25,2 tỷ USD. Sudan có 2 dự án với mức đầu tư 6,3 tỷ USD.
Chính sách của Trung Quốc ở Trung Đông
Ưu tiên của Trung Quốc tại Trung Đông hiện tập trung vào an ninh năng lượng và tăng cường vị thế cường quốc toàn cầu của mình bằng cách dùng sức mạnh kinh tế để cân bằng lại ảnh hưởng của Mỹ. Trong năm 2017, lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng thêm 26,9%, đạt 68,6 triệu tấn. Sản lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng 10,2% (419,57 triệu tấn).
Đối với mỗi nước ở Trung Đông, Trung Quốc có cách tiếp cận riêng nhằm khai thác tối đa “lợi ích” ở nước đó.
Qatar là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu dầu từ Iraq, Iran và Arab Saudi. Trước đây, Riyad từng là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, nhưng vào năm 2016 và năm 2017, Arab Saudi đã bị Nga “vượt mặt”. Do vậy, tự nhiên Trung Quốc đã trở thành một trong các đối tác kinh tế – thương mại quan trọng nhất của các quốc gia Trung Đông. Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỉ USD vào Iraq, Iran và các quốc gia Vùng Vịnh khác. Và Trung Quốc cũng dự định mở rộng đáng kể sự hợp tác này, bằng cách hình thành một khu vực thương mại tự do (FTA), quy tụ tất cả các thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến Palestine. Vào tháng Giêng năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 50 triệu nhân dân tệ cho quốc gia này – gần 8 triệu đô la. Song song đó, Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển quan hệ với Israel. Chẳng hạn, các công ty của Trung Quốc hiện đang xây dựng một bến cảng mới tại cảng Ashdod, tuyến đường sắt tại Tel-Aviv và một đường hầm tại Mount Carmel ở Haifa.
Quan trọng hơn thế, họ rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ của Israel như trong các ngành về Internet, an ninh mạng, các thiết bị y tế, năng lượng thay thế và nông nghiệp.
Iran từ lâu đã có mâu thuẫn với Israel, tuy nhiên điều này cũng không cản Tehran và Trung Quốc xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và lâu dài. Trung Quốc đã thường xuyên giúp nước Cộng hòa Hồi giáo này trong những thời kỳ khó khăn nhất khi Tehran phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, và mối quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển: thương mại song phương đã tăng 22% vào năm 2017, đạt 30,5 tỉ USD. Điều quan trọng nữa là người Iran còn sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch hợp tác này. Vì vậy, Trung Quốc phải duy trì vị thế cân bằng trong hệ thống các mối quan hệ chính trị phức tạp tại Trung Đông. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng phải nuôi dưỡng, xây dựng mối quan hệ hòa hảo với các quốc gia có quan hệ thù địch lẫn nhau. Một trong các lợi thế của Trung Quốc là không xung đột về tôn giáo, thuộc địa và lịch sử có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Trung Quốc không thể hiện sự phân biệt đối xử trong quan hệ giữa người Do Thái với người Arab, hay giữa người Sunni với người Chite, và duy trì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trên. Tất cả điều này đều trái ngược với chính sách quân sự mà các thế lực bên ngoài vẫn luôn tiến hành tại khu vực Trung Đông.
Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng đang quan tâm tới các vấn đề an ninh tại các khu vực này, nhất là đối với sự đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giống như Nga, Trung Quốc cũng phải đối mặt với mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Người Hồi giáo ở Trung Quốc đã tham gia chiến đấu trong hàng ngũ các tổ chức khủng bố như của IS và Mặt trận al-Nosra. Những thành phần này có thể sẽ quay về Trung Quốc để hoạt động.
Ngoài ra, các nhóm khủng bố tại Trung Đông cũng đang đe dọa đến các lợi ích về kinh tế của Trung Quốc, nhất là đối với kế hoạch thực hiện dự án “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh. Đó là lí do tại sao, Bắc Kinh lại ủng hộ việc chống lại chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông bằng cách bán vũ khí và máy bay không người lái cho các quốc gia trong khu vực này.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực để thúc đẩy hòa bình tại khu vực này, vì các cuộc xung đột giữa những nước Trung Đông đã kéo dài gây trở ngại cho việc thực hiện dự án. Đặc biệt, Trung Quốc ủng hộ tất cả các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi. Tất cả điều này là nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực cũng như đảm bảo việc thực hiện ý đồ của họ.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Trung Đông cũng còn gặp nhiều khó khăn. Thách thức của Trung Quốc hiện nay nằm ở chỗ phải đạt được các mục tiêu trên nhưng vẫn duy trì được vị thế của bên trung gian và không rơi vào thế đối đầu chính trị tại khu vực.
Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Trung Đông đang ảnh hưởng tới an ninh và sự ổn định của Trung Quốc khi các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở khu vực này có thể tác động, hậu thuẫn cho các phần tử Hồi giáo tại Tân Cương, Tây Tạng. Các vụ tấn công khủng bố do các phần từ cực đoan nguồn gốc từ Tân Cương hay Tây Tạng gây ra thời gian qua đã buộc Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.
Quan hệ Trung Quốc – Trung Đông có thực tốt như những gì Bắc Kinh tuyên truyền
Quan hệ Iran – Trung Quốc: Trong khi Mỹ coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa trực tiếp thì Mỹ lại coi sự trỗi dậy và xuất hiện của Trung Quốc ở Trung Đông là “gián tiếp” không kém phần nguy hiểm, nhất là khi hai quốc gia bắt tay, mặc dù cả hai chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Trong thực tế Iran và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những tình tiết mới, đặc biệt là hậu Chiến tranh lạnh, chính sách thù địch với phương Tây và Mỹ gia tăng, và gần đây khi quốc gia này có tân tổng thống. Trong chiến tranh Iran- Irắc những năm thập niên 80 ở thế kỷ trước, Trung Quốc đã từng hỗ trợ đắc lực cho Iran và giờ đây còn tiếp tục cung cấp cho Iran sự hỗ trợ về quân sự và hạt nhân, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại song phương lên “tầm cao mới”, tăng từ 12 tỷ USD năm 1997 lên 28 tỷ USD năm 2009, đưa Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Cũng trong thời gian nói trên sự trừng phạt vẫn tiếp tục áp dụng với các công ty năng lượng phương Tây, nên các công ty của Trung Quốc đã nhanh chóng thế chân, đưa doanh số thương mại song phương vượt trên trên 45 tỷ USD.
Mặc dù bề ngoài thân thiện nhưng đằng sau chiếc mặt nạ này là mối quan hệ âm mưu và toan tính. Tehran từ lâu đã coi Bắc Kinh như một con dao hai lưỡi, còn Trung Quốc thì lại sử dụng Iran như một con bài, làm đòn bẩy trong giao dịch với Mỹ và sẵn sàng “sang tay” nếu như có lợi. Ví dụ, do áp lực của Mỹ, Trung Quốc đã ngừng chương trình hỗ trợ hạt nhân cho Iran năm 1997 cũng như ngừng bán vũ khí cho Tehran để làm lành với Mỹ. Con số ngưng giao dịch lên tới 4 tỉ USD mà phía Iran phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Gần đây, trong khi ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân của Iran nhưng Trung Quốc lại ngấm ngầm bảo vệ những lợi ích riêng tại Iran. Theo báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương công bố năm 2011, trong số 45 tỷ USD thương mại song phương Trung Quốc – Iran thì có tới 3 tỷ USD được giải ngân.
Ngoài ra, thị trường Iran đang tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, sự kiện này đã tàn phá ngành công nghiệp trong nước, làm cho người dân Iran bất bình, dấy lên làn sóng phản đối, tẩy chay và yêu cầu chính phủ Iran phải vào cuộc để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.
Trung Quốc với Afghanistan và Pakistan: Giống như ở Iran, Trung Quốc đã xây dựng một mối quan hệ tương tự tại Afghanistan. Cả Afghanistan, Iran lẫn Trung Quốc đều phản đối sự cai trị của Taliban trong những năm 90 nhưng riêng Trung Quốc còn chơi cả với Taliban phòng khi tổ chức này quay lại nắm quyền. Mối giao bang giữa Trung Quốc với Pakistan gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là khi mối quan hệ Islamabad với Washington xấu đi nghiêm trọng.
Đặc biệt là sự hiện diện của người Trung Quốc tại tỉnh Balochistan của Pakistan, nơi Trung Quốc đang thực hiện dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, đặc biệt là mở rộng cảng Gwadar. Tuy nhiên trong chừng mực nào đó, nó lại gây ra mối đe dọa cho Iran vì hậu thuẫn cho nhóm khủng bố chống Iran, có tên Jundallah phát triển. Tóm lại, sự hiện diện của người Trung Quốc tại khu vực này gây bất lợi cả cho Iran lẫn Pakistan lẫn Ấn Độ. Có thể dễ hiểu cảng Gwadar là “chuỗi ngọc trai” béo bở ở Trung Đông mà từ lâu người Trung Quốc đã nhắm tới.