Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐài Loan muốn mua thêm máy bay tiêm kích F-16V của Mỹ...

Đài Loan muốn mua thêm máy bay tiêm kích F-16V của Mỹ để đề phòng bị TQ tấn công

Chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn mới đây đã yêu cầu Mỹ bán cho Đài Bắc 66 máy bay chiến đâu F-16V kèm tên lửa không đối không, không đối đất và gói huấn luyện phi công cùng hai năm bảo dưỡng máy bay trị giá 13 tỷ USD.

Máy bay chiến đâu F-16V

Đài Loan quyết tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc

Đài Loan gần đây ngày càng lo ngại về các động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bao gồm việc tăng 7% ngân sách quốc phòng năm 2019 và triển khai oanh tạc cơ chiến lược H-6 ở căn cứ không quân Hưng Ninh, tỉnh Quảng Đông, cách đảo Đài Loan chỉ 450 km. Khiến  Đài Loan đang tìm cách mua thêm các vũ khí hiện đại từ Mỹ, đồng thời đưa các công ty của hòn đảo này vào chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng của Washington, bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc đại lục. 

Hồi cuối năm ngoái, lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan nhận chiếc F-16V đầu tiên trong khuôn khổ hợp đồng nâng cấp phi đội F-16 được ký kết với tập đoàn Lockheed Martin. Phiên bản F-16V được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), máy tính điều khiển thế hệ mới và nhiều cải tiến trong buồng lái giúp đối phó nhiều mục tiêu cùng lúc. Phi công cũng được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay, tăng khả năng tác chiến của tên lửa tầm nhiệt AIM-9X.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ được đánh giá ở mức gần gũi chưa từng thấy, Đài Loan đã cử một nhóm quan chức quân sự và lãnh đạo ngành công nghiệp phòng vệ tới dự Hội nghị Công nghiệp Phòng vệ Mỹ – Đài Loan thường niên tại Maryland. Tại hội nghị, Đài Loan đã cho thấy nhu cầu về vũ khí của hòn đảo này, đồng thời đề xuất với Mỹ các thỏa thuận và dự án mới liên quan tới vũ khí. Phát biểu tại hội nghị hôm qua, Phó lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Chang Guan-chung cho biết Đài Loan quyết định chi hàng tỷ USD để mua sắm vũ khí và hiện đại hóa ngành công nghiệp phòng vệ của hòn đảo này. Ông Chan cũng tiết lộ kế hoạch nâng cấp vũ khí của Đài Loan, trong đó Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Đài Loan sẽ chế tạo 66 máy bay huấn luyện T-5 và công bố vào tháng 9 năm sau. Ngoài ra, Đài Loan cũng lên kế hoạch đóng các tàu ngầm, các tàu tuần tra thế hệ mới, các tàu mang tên lửa và ngư lôi để nâng cao năng lực phòng vệ của hải quân. Cũng theo ông Chan, Đài Loan sẽ tiếp tục tăng ngân sách phòng vệ để tạo điều kiện và cải thiện quá trình thu mua vũ khí. Quan chức cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, Đài Loan một mặt mua vũ khí từ các nước khác, song hòn đảo này cũng cần hiện đại hóa ngành công nghiệp phòng vệ để có thể tự chế tạo những vũ khí mà Đài Loan không thể mua được từ nước ngoài. Ông Chan kêu gọi Mỹ ủng hộ ngành công nghiệp phòng vệ Đài Loan bằng cách cho phép các công ty của hòn đảo này tham gia hợp nhất vào chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Đây cũng là quan điểm của ông Chen Wen-cheng – phó tổng thư ký Hội đồng An ninh Đài Loan và là một thành viên của phái đoàn Đài Loan tại hội nghị ở Mỹ.

Đài Loan muốn mua vũ khí gì từ Mỹ

Công nghệ tàu ngầm, tiêm kích tàng hình F-35 và xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams là những vũ khí mà Đài Loan muốn mua từ Mỹ bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Hệ thống vũ khí và công nghệ tàu ngầm: Đài Loan từ lâu đã tìm cách mua công nghệ và linh kiện để nâng cấp hạm đội tàu ngầm lạc hậu cũng như xây dựng tàu ngầm bản địa. Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, trong tháng 4, Washington đã cho phép các nhà thầu quốc phòng Mỹ giúp Đài Loan chế tạo tàu ngầm. Tuy vậy, Đài Loan sẽ cần sự trợ giúp của các quốc gia khác để hoàn thành kế hoạch chế tạo tàu ngầm điện diesel, vì Mỹ chỉ chế tạo tàu ngầm hạt nhân.

Tiêm kích tàng hình F-35: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Yen Teh-fa cho biết phiên bản F-35B phù hợp với yêu cầu của Đài Loan về loại máy bay cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng. Ông Yen cho biết các cuộc đàm phán về việc mua sắm đã bắt đầu và Đài Bắc sẽ chuyển yêu cầu tới Mỹ sau khi hoàn thành việc đánh giá đề xuất. F-35 là máy bay chiến đấu tàng hình đa chức năng do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Nó được trang bị một loạt các công nghệ tiên tiến và sẽ trở thành trụ cột của quân đội Mỹ trong tương lai gần. Tuy nhiên, giới phân tích quốc phòng đánh giá thấp khả năng Đài Loan có thể mua được F-35. Hợp đồng bán F-35 được đánh giá là quá nhiều rủi ro cả về ngoại giao lẫn bí mật công nghệ.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams: Lực lượng phòng vệ Đài Loan đang sử dụng xe tăng M48, M60 do Mỹ chế tạo. Hạm đội xe tăng của Đài Loan đã lạc hậu và không còn phù hợp với chiến trường hiện đại. Đài Loan từ lâu đã thảo luận kế hoạch thay thế xe tăng cũ bằng M1A2 Abrams do Mỹ chế tạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc phòng lo ngại loại xe tăng này không phù hợp với các vùng đất ngập nước ven biển và địa hình nhiều đồi núi ở đảo Đài Loan. Sau hơn một thập kỷ tranh luận, ngày 10/7/2018, chính phủ Đài Loan cho biết muốn mua 108 xe tăng M1A2 Abrams nhưng không rõ khi nào lô hàng đầu tiên được chuyển giao.

Những vũ khí Đài Loan cần có để đối phó với Trung Quốc

Căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan đang có dấu hiệu gia tăng sau khi Mỹ thông qua Đạo luật Đi lại Đài Loan và Chủ tịch Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định sẽ thông nhất với Đài Loan bằng mọi giá, đồng thời cảnh báo mọi hành động thúc đẩy Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc sẽ đối mặt với “sự trừng phạt của lịch sử”, ám chỉ một cuộc tấn công quân sự nhằm thống nhất hòn đảo này. Tuy nhiên, hiện Đài Loan cũng đang sở hữu nhiều loại vũ khí có thể răn đe đòn tấn công tiềm tàng của Trung Quốc.

Máy bay không người lái vũ trang tầm xa:Do hạn chế về khoảng cách và diện tích nhỏ hẹp của các sân bay, lực lượng chiến đấu cơ Đài Loan dễ bị vô hiệu hóa trước tên lửa đạn đạo Trung Quốc. Để khắc phục điểm yếu này, Đài Bắc có thể trang bị dòng máy bay không người lái (UAV) vũ trang có tầm hoạt động đủ xa như MQ-9 “Reaper” để xâm nhập vào không phận Trung Quốc. Với kích thước nhỏ và khả năng hoạt động bí mật, MQ-9 “Reaper” hoàn toàn có khả năng lợi dụng các “điểm mù” trong hệ thống phòng không Trung Quốc để phóng tên lửa không đối đất Vạn Kiếm hoặc tên lửa bức xạ chống radar phá hủy các sân bay, trạm radar, trung tâm chỉ huy, căn cứ hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, Đài Loan cũng có thể mua các mẫu UAV “tự sát” như Harpy của Israel để tấn công làm tê liệt hệ thống radar, dọn đường cho các đợt  ném bom bằng máy bay thông thường nhằm vào Trung Quốc.

Tiêm kích hoạt động trên đường băng ngắn: Việc mất kiểm quyền kiểm soát không phận sẽ gây nguy hiểm cho những hệ thống vũ khí quan trọng dưới mặt đất của Đài Loan, bao gồm các trực thăng tấn công AH-64E Apache. Do đó, Đài Bắc cần phải tăng cường năng lực triển khai không quân bằng cách mua hoặc phát triển những tiêm kích có khả năng cất/hạ cánh trên đường băng ngắn hay theo phương thẳng đứng. Điều này giúp giảm đe dọa từ một cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa Trung Quốc. Đài Loan từ lâu đã bày tỏ mong muốn mua chiến đấu cơ F-35B từ Mỹ nhưng Washington nhiều khả năng không thể cung cấp mẫu máy bay này cho Đài Bắc do những lý do về chính trị và ngân sách. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn có những lựa chọn khác như dòng tiêm kích đa nhiệm JAS 39 Gripen của Thụy Điển. Ngoài khả năng chiếm ưu thế trên không, tiêm kích đa nhiệm hiện đại với khả năng hoạt động bí mật và tầm tác chiến xa hơn mẫu chiến đấu cơ F-16A/B đang có trong biên chế sẽ là bước tiến quan trọng giúp Đài Loan có thể không kích Trung Quốc đại lục, như một phần trong chiến lược tấn công đa tầng, gồm chiến tranh điện tử, tên lửa hành trình và UAV tấn công tầm xa.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất: Bên cạnh tên lửa hành trình tầm ngắn HF-2E (Hsiung Feng) có tầm bắn chỉ 650 km, Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Trung Sơn (CSIST) của Đài Loan được cho là đang phát triển một loại tên lửa hành trình đất đối đất cải tiến, với tầm bắn lên đến 1.200 km. Việc phát triển tên hành trình tầm trung và tầm xa sẽ giúp lực lượng phòng vệ Đài Loan có khả năng tấn công những mục tiêu như hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát, trinh sát (C4ISR), radar, bệ phóng tên lửa đạn đạo, sân bay và các mục tiêu quan trọng khác nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Được trang bị đầu đạn thông thường hay chống bức xạ, các tên lửa hành trình này có thể vô hiệu hóa khả năng tấn công của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc nhằm vào Đài Loan, cũng như làm tê liệt năng lực tấn công hạt nhân của Bắc Kinh.

Tàu ngầm diesel – điện: Nhiều quan chức Đài Loan ủng hộ việc mua thêm các tàu ngầm diesel – điện có độ ồn thấp để tăng cường năng lực tác chiến cho lực lượng phòng vệ trên biển.Theo giới chuyên gia, bất cứ phương tiện nào có khả năng hoạt động bí mật và có thể đe dọa tàu chiến Trung Quốc tại eo biển Đài Loan hay tây Thái Bình Dương đều khiến Bắc Kinh phải chùn bước trong các tính toán quân sự. Nhờ được trang bị ngư lôi và có thể cả tên lửa hành trình, tàu ngầm diesel – điện sẽ là vũ khí quan trọng giúp Đài Loan ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển và tấn công hòn đảo từ Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ không sản xuất tàu ngầm diesel – điện, nhưng một số nước châu Âu đang phát triển loại vũ khí này và có thể hỗ trợ Đài Loan đóng những tàu ngầm có lượng giãn nước trung bình. Ngoài ra, hòn đảo này cũng có thể mua những tàu ngầm cũ từ Nhật Bản, thường có tuổi đời hoạt động không quá 18 năm.

Mỹ luôn sẵn sàng bán vũ khí cho Đài Loan

Bất chấp phản đối của chính quyền Trung Quốc đại lục, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý thông qua 2 thỏa thuận vũ khí với Đài Loan trong vòng chưa đầy 18 tháng. Hai thỏa thuận lần lượt được thông qua vào tháng 6/2017 và tháng 9/2018 với giá trị là 1,4 tỷ USD và 330 triệu USD. Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Đài Loan Rupert Hammond-Chambers, Washington dự kiến sẽ tiếp tục phê chuẩn một thỏa thuận vũ khí nữa với Đài Bắc vào cuối năm nay, dự kiến có giá trị khoảng 50 triệu USD. Nếu được thông qua, đây sẽ là thỏa thuận vũ khí thứ 3 của Mỹ và Đài Loan kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu phòng vệ của Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo này theo đúng quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan; nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục làm vậy nhằm hỗ trợ an ninh cho hòn đảo và bảo vệ hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan.

Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương David Helvey cho rằng Đài Loan “cần thêm nguồn lực để hiện đại hóa quân đội, tăng cường huấn luyện sẵn sàng đối phó với nguy cơ xâm lược”. Trong khi đó, Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng của tập đoàn RAND cho biết nếu căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, Washington sẽ còn phê chuẩn nhiều thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan hơn nữa, chứ không chỉ 1-2 lần như hiện nay.

Trung Quốc cực lực phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ và luật pháp quốc tế, xâm phạm lợi ích quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc; kêu gọi Washington tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” bằng việc chấm dứt các hợp đồng bán vũ khí và cắt quan hệ quân sự với Đài Bắc, nhằm tránh làm tồn hại quan hệ Trung-Mỹ và duy trì hòa bình ổn định tại eo biển Đài Loan.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng quân đội Trung Quốc giữ vững “quyết tâm không sao lay chuyển được” để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới