Bản tin Biển Đông ngày 18/03/2019.
Bắc Kinh đã hoàn thành việc chiếm đất ở Biển Đông
Ngày 15/3, VOA đăng bài viết của Ralph Jennings cho rằng hiện nay, Bắc Kinh đã hoàn thành việc chiếm đất ở Biển Đông. Theo đó, các học giả về biển đều cho rằng nỗ lực cải tạo đảo trong 7 năm của Trung Quốc đã dừng lại cách đây 2 năm vì Bắc Kinh đã đạt đến mức độ kiểm soát vùng biển mà họ mong muốn. Yun Sun, nghiên cứu viên tại Chương trình Đông Á phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Stimson tại Washington, cho rằng, “về cơ bản, Trung Quốc cảm thấy họ đã hoàn thành cái họ gọi là giai đoạn đầu tiên của cải tạo đảo ở Biển Đông”. Trung Quốc bắt đầu hoạt động xây dựng đảo từ khoảng năm 2010 với việc xây các nhà chứa máy bay, hệ thống ra-đa, các công trình phục vụ hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí. Hiện Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa với 130 đảo và 7 cấu trúc ở quần đảo Trường Sa. Theo Jonathan Spangler, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông tại Đài Loan, nếu mục tiêu cuối cùng là kiểm soát trên thực tế các tuyến đường biển, hàng không, thì có thể là số cấu trúc Trung Quốc đang chiếm đóng đã đủ để đạt đến mục tiêu đó. Các nước khác đều yếu hơn Trung Quốc về quân sự, bất bình trước hoạt động cải tạo đảo và quân sự hóa của Bắc Kinh, nhất là khi những hoạt động này xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của họ. Điều này đã khiến cho chính phủ Mỹ phải cử tàu chiến và máy bay đến khu vực này, cho rằng vùng biển phải mở cho tất cả mọi người. Các học giả cho rằng, trong bối cảnh đang có tranh chấp thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ không tiến hành hoạt động nào có thể chọc giận Washington mà chỉ tăng cường các yêu sách biển hiện có. Theo Yun Sun, sau khi giải quyết xong vấn đề thương mại Trung – Mỹ, có thể Trung Quốc sẽ bắt đầu lại việc cải tạo đảo hoặc chiếm thêm các đảo mới, nhưng sẽ tránh các đảo mà các nước khác đang chiếm đóng.
Ngân sách quốc phòng Mỹ tập trung vào vấn đề Trung Quốc
Theo New York Times ngày 16/3, đề xuất ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2020 được định hình bởi các mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ mà Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan tóm lược bằng 3 từ “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”. Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 14/3, ông Shanahan cho rằng, hiện tại Mỹ vẫn đang phải đối phó với các vấn đề như người Hồi giáo cực đoan, vấn đề nước Nga, xây tường biên giới… nhưng vấn đề chính gây sức ép an ninh mà quân đội Mỹ nên tập trung là việc quân đội Trung Quốc phát triển ngày càng nhanh. Shanahan không phải là lãnh đạo quân đội đầu tiên của Mỹ lo ngại về vấn đề Trung Quốc. Những người tiền nhiệm của ông này đã từng theo đuổi chính sách mà chính quyền Obama gọi là xoay trục về Thái Bình Dương, với lưu tâm về Trung Quốc. Nhưng ông Shanahan cho rằng đây là vấn đề ngày càng cấp bách, vượt ra khỏi các thước đo truyền thống về sức mạnh quân sự và các ưu tiên về đảng phái. Trong bản tường trình trước Ủy ban Quân vụ thượng viện, ông Shanahan khẳng định Trung Quốc đang hiện đại hóa một cách mạnh mẽ quân đội của mình, ăn cắp khoa học công nghệ một cách có hệ thống từ Mỹ và các đồng minh, tìm kiếm các lợi thế về quân sự thông qua chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự, quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông. Đồng tình với nhận xét của ông Shanahan, Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng Mỹ đang thiếu chiến lược hiệu quả để có thể đối phó với Trung Quốc trên diện rộng, Mỹ đã không bắt kịp trong một số lĩnh vực như bỏ qua tham vọng khu vực của Trung Quốc, trong đó có các nỗ lực nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.
Sự hiếu chiến của Trung Quốc phủ bóng lên Đối thoại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Ngày 16/3, The Economic Times của Ấn Độ đăng bài viết liên quan đến vấn đề Biển Đông và Đối thoại cấp cao Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sắp diễn ra vào ngày 20/3 tại Indonesia. Đây là cuộc đối thoại lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của 18 nước khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cuộc Đối thoại đóng vai trò là nền tảng trao đổi về hợp tác sâu hơn và toàn diện hơn ở khu vực, cụ thể là thảo luận các sáng kiến và khái niệm về hợp tác khác nhau, cụ thể, cùng có lợi ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và vành đai Thái Bình Dương, dựa trên các nguyên tắc về cởi mở, minh bạch, bao quát và tôn trọng luật quốc tế. Cuộc Đối thoại này diễn ra trong bối cảnh ở Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp như việc Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines ở đảo Thị Tứ, Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng ép ở Biển Đông, Thủ tướng Malaysia đề nghị Trung Quốc làm rõ các yêu sách tại Biển Đông… Bên cạnh đó, bài viết nhận định, việc gần đây Trung Quốc ngăn cản Hội đồng Bảo an trừng phạt thủ lĩnh tổ chức khủng bố JeM Masood Azhar là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không chấp nhận một trật tự thế giới dựa trên luật pháp hay duy trì UNCLOS đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Do vậy, việc tổ chức và kết quả của Đối thoại cấp cao Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần này mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với triển vọng hợp tác, hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.