Tại Cuộc họp lần thứ 11 của Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển (14-15/3) do Việt Nam, Australia và Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì tại thành phố Đà Nẵng, các đại biểu bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương, quân sự hoá ở Biển Đông, cho rằng hành động phi pháp của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình ở khu vực.
Cuộc họp lần này có sự tham gia của 80 quan chức đầu ngành về an ninh và hợp tác biển đến từ 27 nước và tổ chứ thành viên ARF, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế, khu vực liên quan và các Bộ, ngành của Việt Nam. Đây là hoạt động thường kỳ trong khuôn khổ ARF nhằm rà soát, kiểm điểm tình hình an ninh biển, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ARF và đề xuất hoạt động, sáng kiến mới cho giai đoạn tiếp theo. Kết quả hợp tác giữa các bên và cơ chế đề ra; kiểm điểm tình hình hoạt động của các cơ chế; chia sẻ thông tin về chủ trương, chính sách và biện pháp được thực hiện ở cấp quốc gia và khu vực; thảo luận các chủ đề an toàn hàng hải, môi trường biển và phát triển bền vững…
Về tình hình an ninh biển ở khu vực, các đại biểu bày tỏ lo ngại tình hình an ninh trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó các tranh chấp chưa được giải quyết, sự gia tăng các loại tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn ma tuý, buôn người và nạn khai thác cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa…
Liên quan tới vấn đề an toàn hàng hải, cuộc họp ghi nhận việc ASEAN đã thông qua quy trình hoạt động chuẩn nhằm giúp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các nước trong những chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, đề xuất của Nhật Bản, ứng dụng công nghệ trong theo dõi di chuyển của tàu bè và sáng kiến của Mỹ về bảo đảm an toàn thông tin, chống tấn công mạng nhắm vào tàu thuyền.
Các đại biểu tham dự Cuộc họp đều đồng thuận cho rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông như cải tạo đảo đá trái phép, quân sự hoá các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, không tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác giải quyết những thách thức chung. Các đại biểu đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982; kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình; không quân sự hoá; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hữu hiệu, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các đại biểu đề nghị thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng các nước, xây dựng quy tắc hướng dẫn chung, cải tiến cơ chế trao đổi về biển, hoạt động tuần tra chung, xây dựng và mở rộng cơ chế chia sẻ thông tin, hỗ trợ xây dựng và nâng cao năng lực, cũng như tiến trình thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.
Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm giữa kỳ về An ninh biển là hoạt động thứ 3 trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển (ARF) do Việt Nam tổ chức về chủ đề an ninh biển từ đầu năm tới nay.
Trước đó, Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF, 18-19/1/2018) về tăng cường hợp tác thực thi luật pháp trên biển đã trao đổi về việc giải quyết các thách thức đang đe dọa đến pháp luật và trật tự trên biển, bao gồm gia tăng tội phạm trên biển, cướp biển, cướp có vũ trang, buôn bán ma túy, buôn người diễn ra thường xuyên, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định diễn biến phức tạp… Các đại biểu có nhận định chung là an ninh biển ở khu vực có tính chất phức tạp, đa diện, đa tầng lớp, không một nước nào có thể duy trì hòa bình, an ninh và ổn định biển được. Theo đó, việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển là thực sự cần thiết để đối phó với nhiều vấn đề an ninh biển phi truyền thống, tuy nhiên cần phải có cách tiếp cận toàn diện, không chỉ đơn thuần hợp tác triển khai chấp pháp mà cần có các biện pháp răng đe, ngăn ngừa tội phạm cũng như tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các thách thức đang tồn tại. Đồng thời, đối phó với các thách thức mới cần tương hỗ giữa nhiều cơ quan chức năng khác nhau cũng như nỗ lực chung của chính phủ và người dân, đặc biệt là trong phòng chống đánh bắt cá trái phép, bảo vệ môi trường biển và các tội phạm xuyên quốc gia. Đa phần các đại biểu cho rằng việc cụ thể khu vực có thể làm trước mắt là chia sẻ thông tin và hợp tác nâng cao năng lực, qua đó xây dựng lòng tin cũng như đem lại lợi ích cụ thể cho các cơ quan thực thi pháp luật trong hoàn thành nhiệm vụ, từ đó làm động lực hướng tới hợp tác sâu rộng hơn.
Thành lập từ năm 1994, Diễn đàn Khu vực ASEAN có mục tiêu thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các nước về những vấn đề chính trị – an ninh, qua đó đóng góp cho hoà bình, ổn định và xây dựng lòng tin ở khu vực. Hiện tại, ARF có 27 nước và tổ chức tham gia. Ở khu vực, hợp tác thực thi pháp luật là một phần trong nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, đặc biệt là tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, ADMM Plus, EAS, EAMF… Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển còn gặp một số khó khăn như các quốc gia có thể chế về lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác nhau, các tranh chấp về biển và lãnh thổ còn tồn tại trong khu vực… Điều kiện tiên quyết để hợp tác tốt giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển là niềm tin giữa các bên. Niềm tin này được xây dựng dựa trên các biện pháp được đưa ra tại các diễn đàn như ARF và các cơ chế khu vực khác.