Trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, EU đã công bố kế hoạch nhằm tái cân bằng các mối quan hệ với Trung Quốc.
Ba trong số những nhà lãnh đạo quan trọng nhất Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker ngày 26/3 có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Paris, Pháp. Đây là cuộc gặp có ý nghĩa biểu tượng cao cho thấy nỗ lực của châu Âu thiết lập một mặt trận chung để đối phó với các hồ sơ quốc tế lớn.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Elysée, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/3 tuyên bố, sự lựa chọn tự nhiên và lý trí của thế kỷ 21 là một mối quan hệ đối tác Trung Quốc – Liên minh châu Âu mạnh mẽ, được xác định dựa trên những nền tảng rõ ràng, có yêu cầu cao và tham vọng. Ông đồng thời kêu gọi một châu Âu đoàn kết xung quanh một chiến lược rõ ràng và gắn kết trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc.
Tuyên bố này đã phần nào cho thấy thách thức đặt ra với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu trong cuộc gặp ngày 26/3 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bước chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu- Trung Quốc vào ngày 9/4 tới tại Bruxelles. Đó là làm thế nào để cho thấy một bộ mặt đoàn kết của Liên minh châu Âu.
Trước thềm chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch nhằm tái cân bằng các mối quan hệ với Trung Quốc, trong đó coi Trung Quốc như một “đối thủ”, dù nước này lâu nay vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của khối.
Một chuyên gia phân tích tại Pháp nhận định: “Điều quan trọng nhất đối với châu Âu hiện nay là thiết lập một mặt trận châu Âu thống nhất. Bởi rõ ràng Trung Quốc đang đặt trên bàn đàm phán những đề nghị hấp dẫn, song mỗi nước lại có những nhận thức khác nhau về các đề xuất này”.
Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang bị mắc kẹt giữa một bên là Tổng thống Donald Trump và cách tiếp cận hoàn toàn đi ngược lại với các mối quan hệ quốc tế với một bên là Trung Quốc, cùng dự án “Vành đai, Con đường” được coi như “Con đường tơ lụa” mới đầy tham vọng, đi kèm với những khoản đầu tư khổng lồ trên khắp thế giới, trong đó có châu Âu.
Italy mới đây đã bất chất sự phản đối của các đối tác châu Âu khác để trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tham gia dự án mang nhiều tâm huyết này của Nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc đang khiến một số nước châu Âu lo ngại và thậm chí là chia rẽ. Những đề nghị hợp tác “đôi bên cùng có lợi” của Trung Quốc là chưa đủ để xóa tan mối ngờ vực của các nhà lãnh đạo châu lục về tham vọng của Trung Quốc thâu tóm các ngành công nghệ mũi nhọn của châu Âu thông qua các dự án đầu tư.
Trong một phát biểu nhằm trấn an các đối tác châu Âu, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 25/3 một lần nữa khẳng định, Trung Quốc vẫn luôn ủng hộ sự hội nhập và phát triển của châu lục và những đầu tư của Trung Quốc tại các nước châu Âu cũng là nhằm thúc đẩy sự đoàn kết của Liên minh châu Âu.
“Châu Âu là một cực không thể thiếu trong thế giới đa cực của chúng ta và là một trong những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc. Đó là lý do tôi chọn châu Âu cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong năm 2019 này. Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với châu Âu. Một châu Âu thịnh vượng phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi đối với môt thế giới đa cực”, ông Tập nói.
Theo chuyên gia Sophie Boisseau de Rocher thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thì đối với châu Âu, một sự hợp tác giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu chỉ có thể một khi châu Âu không cảm thấy bị thiệt thòi, tổn hại lợi ích do việc thực hiện sáng kiến “Vành đai, Con đường” và tin tưởng dự án có thể đóng góp một cách đầy đủ vào sự phát triển của châu Âu. Đây cũng sẽ là thách thức không hề nhỏ trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu trong tương lai