Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 02/04/2019

Bản tin Biển Đông ngày 02/04/2019

Bản tin Biển Đông ngày 02/04/2019.

Mỹ và Philippines tập trận chung ở Biển Đông

Ngày 2/4, The Straits Times đưa tin, ngày 1/4, hơn 7.500 lính Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất – Balikatan. Cuộc tập trận năm nay còn có sự tham dự của 50 lính Australia. Theo Philstar ngày 1/4, phát biểu tại cuộc họp báo về cuộc tập trận Balikatan, Trung tướng Gilbert Gapay, Chỉ huy tập trận của Philippines cho biết, cuộc tập trận này “không nhằm đối phó trực tiếp với mối đe dọa hay lo ngại an ninh hiện hữu nào. Đây là cuộc tập trận thông thường nhằm nâng cao khả năng tương tác giữa các lực lượng của Philippines và Mỹ”. Tướng Gapay cho biết thêm, cuộc tập trận Balikatan năm nay được xây dựng dựa trên các tình huống, tập trung vào các vấn đề như khủng bố toàn cầu, bảo vệ lãnh thổ và ứng phó thiên tai. Theo Chuẩn tướng Chris McPhillips, Chỉ huy tập trận phía Mỹ, không có sự điều chỉnh nào đối với Biển Đông, khu vực mà trước đó, ngày 1/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ bảo vệ các lực lượng, máy bay và tàu công vụ của Philippines nếu xảy ra tấn công vũ trang. Ông McPhillips khẳng định, dù mỗi năm đều có chút ít thay đổi cho cuộc tập trận Balikatan nhằm đưa ra các khả năng và chương trình đào tạo mới, nhưng cuộc tập trận này không nhằm vào bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

200 tàu Trung Quốc vây quanh đảo Thị Tứ

Ngày 1/4, Japan Times đưa tin, từ đầu năm 2019 đến nay, khoảng 200 tàu Trung Quốc đã được phát hiện gần khu vực đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng ở Biển Đông, khiến cho quân đội Philippines ở trong trạng thái báo động. Theo tướng Benjamin Madrigal Jr. Chỉ huy quân đội Philippines, các binh lính của nước này sẽ tiếp tục tuần tra tại khu vực tranh chấp, đồng thời, ông kêu gọi thành lập một tiểu ban gồm đại diện của Philippines và Trung Quốc nhằm giải quyết sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này. Ông Madrigal cho biết, việc này không chỉ liên quan đến quân đội mà cả các cơ quan chức năng khác, trong đó có Cảnh sát biển.

Hãng News của Australia đưa tin ngày 2/4 cho biết, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm ngày 28/3 tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để bày tỏ quan ngại và phản đối hoạt động của các tàu Trung Quốc quanh khu vực đảo Thị Tứ. Trả lời câu hỏi về việc liệu sự hiện diện của các đội tàu cá Trung Quốc có gây ra lo ngại hay không, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Panelo khẳng định “bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề an ninh của Philippines cũng là một mối quan ngại”.

Chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể chiếm đảo Thị Tứ

Tờ Inquirer ngày 1/4 đăng kiến của các nhà phân tích liên quan đến việc hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện quanh khu vực đảo Thị Tứ. Theo Alexander Neill, Nghiên cứu viên cao cấp về Châu Á – Thái Bình Dương tại Diễn đàn Shangri-la, sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ cho thấy nếu Trung Quốc muốn thì khả năng hòn đảo này sẽ bị xâm chiếm một cách “không mấy khó khăn”. Ông Neill cho rằng, Trung Quốc mở ranh giới của mình đến đảo Thị Tứ bởi “các lực lượng Philippines không có khả năng phản ứng lại các chiến thuật thăm dò của tàu Trung Quốc”. Theo chuyên gia này, Trung Quốc sẽ rất khó chịu về khả năng xuất hiện thách thức đối với sự hiện diện của nước này ở đá Xu Bi nên hoạt động của các tàu dân quân biển Trung Quốc tại đây có thể là hành động đối phó với việc Philippines nâng cấp đường băng ở đảo Thị Tứ. Theo đó, lực lượng dân quân biển sẽ đóng vai trò là “tai mắt” cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Dưới sự chỉ đạo của PLA, lực lượng dân quân biển Trung Quốc sẽ giám sát các hoạt động của Philippines và chuyển các thông tin liên quan đến đá Xu Bi. Tốc độ và quy mô hoạt động của Trung Quốc sẽ tương ứng với các hoạt động nâng cấp tại đảo Thị Tứ.

Bên cạnh đó, ông Neill cũng cho rằng, khả năng Trung Quốc chiếm đảo Thị Tứ sẽ là hành động châm ngòi chiến tranh, kích hoạt phản ứng của Mỹ – đồng minh của Philippines. Mỹ có thể giúp Philippines bằng cách tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi hoặc xây dựng khả năng phát hiện và ngăn chặn trên đảo Thị Tứ. Trong khi đó, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận có vẻ sẽ không giúp ích được gì, Trung Quốc sẽ không giảm bớt sự hiện diện của mình tại các bãi cát quanh khu vực này. Theo nhà phân tích Neill, hiện vẫn chưa muộn để Philippines đẩy lùi các hoạt động của Trung Quốc. Ông gợi ý vài lựa chọn cho Philippines: i) Công bố các hoạt động trên biển, trên không của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ; ii) Ủng hộ chính quyền tỉnh Palawan đoàn kết với hội ngư dân Philippines; iii) Ghi lại và công bố các vụ việc đe dọa các tàu cá và ngư dân Philippines; iv) Phát tán các trao đổi từ lực lượng dân quân biển Trung Quốc; v) Cung cấp các số liệu và hình ảnh của lực lượng dân quân biển gần các bãi cát; vi) Hợp tác với các quốc gia thân thiện để xây dựng nhận thức tốt hơn về biển quanh đảo Thị Tứ; vii) Củng cố đảo Thị Tứ với các hệ thống vũ khí nhằm ngăn ngừa sự xâm lược; viii) Nêu quan ngại tại các diễn đàn đa phương và ngoại giao; ix) Nhấn mạnh và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, đặc biệt là Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016; và x) Có hành động phản đối đối với Đại sứ Trung Quốc tại Manila bất cứ khi nào xảy ra các vụ xâm nhập của lực lượng dân quân biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới