Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLàn sóng phản đối TQ tại Philippines ngày càng gia tăng và...

Làn sóng phản đối TQ tại Philippines ngày càng gia tăng và tác động đối với tình hình Biển Đông hiện nay

Như là kết quả tất yếu từ những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và chính sách nhu nhược của Chính quyền Tổng thốngPhilippines Duterte hiện nay, tại Philippines đang nổi lên làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ từ một bộ phận chính giới và người dân.

Từ nguy cơ trở thành “con nợ” của TQ khiến người dân Philippines lo lắng

Các nhà lập pháp Philippines hôm 26/3 đã bày tỏ quan ngại về các thỏa thuận tài chính với Trung Quốc sau khi một viên chức Tòa án Tối cao cáo buộc Bắc Kinh có thể tiếp quản tài sản hàng hải của Philippines nếu Manila không trả được khoản vay từ Trung Quốc cho một dự án thủy lợi.Phó Thẩm phán cao cấp tại Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio kêu gọi sự giám sát công khai hơn đối với các thỏa thuận song phương với Trung Quốc. Theo ông Antonio Carpio, Trung Quốc cuối cùng có thể tiếp thu tài sản từ bãi Cỏ Rong giàu khí đốt ở Biển Đông, nếu Philippines không đáp ứng nghĩa vụ cho vay đối với kế hoạch tưới tiêu sông Chico. “Trong trường hợp Philippines không thể trả nợ, Trung Quốc có thể thu giữ, để đáp ứng bất kỳ phán quyết trọng tài nào có lợi cho Trung Quốc, những tài sản dành cho sử dụng thương mại của chính phủ Philippines”, ông Carpio nói tại một diễn đàn cuối tuần trước. Theo ông Carpio, các tài sản nói trên có thể bao gồm tài nguyên ở Biển Đông, chẳng hạn như các tài sản xung quanh bãi Reed Bank nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Cùng với Phó Thẩm phán cao cấp tại Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, Thượng nghị sĩ Joel Villanueva, một đồng minh của Tổng thống Rodrigo Duterte song cũng là một trong những người lo ngại về các thỏa thuận cho vay với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh chính phủ không nên được phép “cầm cố tài sản” cho quốc gia láng giềng giàu có hơn. “Chúng tôi đã thấy những tác động tiêu cực của kiểu thu xếp này với Trung Quốc ở một số quốc gia nơi Trung Quốc cuối cùng đã kiểm soát tài nguyên và tài sản quan trọng của một đất nước”, ông Villueva nói.

Đến những phản ứng chống chế dư luận của Chính quyền Philippines

Còn phản ứng với cáo buộc trên, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ông Salvador Panelo hôm 25/3 tuyên bố trấn an dư luận rằng thỏa thuận liên quan đến dự án sông Chico trị giá 3,6 tỉ peso (68,4 triệu USD) là hợp pháp, trung thực và công khai. Dự án Chico là một trong những dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên được Trung Quốc tài trợ theo chương trình mang tên “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” của Tổng thống Duterte. Chương trình nhằm hỗ trợ khoảng 4.000 gia đình nông nghiệp bằng cách tưới tiêu đất nông nghiệp thông qua lưu vực sông Chico ở miền Bắc Philippines. Phát ngôn viên Salvador Panelo cho biết các điều khoản là “chuẩn mực giữa người cho vay và người đi vay”. Ông cũng nói không có gì sai khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên làm tài sản thế chấp. “Tôi không thấy bất cứ điều gì sai trái vì tôi biết điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng có lẽ các nhà quản lý kinh tế đã tham gia ký kết hợp đồng biết sẽ không có chuyện đó”, theo phát ngôn viên của Tổng thống Philippines. Chính phủ Philippines sẽ không bao giờ vỡ nợ với các khoản vay từ bất kỳ tổ chức quốc tế nào, đó là trấn an từ phía Tổng thống Duterte.

Số người Philippines ủng hộ vụ kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ra ICC tăng mạnh

Tính đến chiều 27/3, bản “Tuyên bố ủng hộ” dành cho cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales trong vụ kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) về những hành động sai trái của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông đã nhận được hơn 25.000 chữ ký. Sự ủng hộ nói trên vẫn đang không ngừng gia tăng, bất chấp việc bị Dinh Tổng thống Philippines coi là “hành động vô ích”. “Chúng tôi ca ngợi hành động dũng cảm của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales khi đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước ICC về ‘những hành động sai trái của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông…’”, theo tuyên bố ủng hộ được đăng trên website kiến nghị trực tuyến Change.org. Khẳng định đại diện cho hàng trăm ngàn ngư dân, ông del Rosario và bà Morales cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông là “sự hủy diệt, gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.

Vào năm 2016, Bắc Kinh đã phớt lờ ICC khi tòa này khi đứng về phía Philippines trong một vụ kiện khác do del Rosario dẫn đầu chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông del Rosario khi đó là Ngoại trưởng Philippines dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino. Manila giành thắng lợi trong vụ kiện vào tháng 7/2016, tuy nhiên Tổng thống Duterte sau khi nhậm chức đã gạt bỏ phán quyết của Tòa trọng tài, tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh từ đó cam kết tài trợ cho sáng kiến cơ sở hạ tầng của ông Duterte và hai bên cũng đồng ý thăm dò chung ở Biển Đông. Cách tiếp cận Trung Quốc của Tổng thống Duterte khiến ông hứng chịu nhiều chỉ trích vì thể hiện lập trường mềm yếu. Giới quan sát thậm chí cho rằng ông Duterte bị lừa bởi chính sách thân Trung Quốc của ông không đem lại kết quả đáng kể gì cho Philippines.

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cho biết bà “rất vui mừng vì chúng ta đã đạt đến điểm mà chúng ta đang mất đi niềm hy vọng. Chúng ta liên tục bị lấn chiếm. Ít nhất với vụ kiện này này, có những người có đủ can đảm để đưa vấn đề đến cơ quan có thẩm quyền”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson ca ngợi vụ kiện là một “động thái yêu nước, xứng đáng nhận được sự ủng hộ của mọi người dân Philippines yêu tự do, có nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta”. Ông del Rosario và bà Morales cho biết một chỉ thị do Công tố viên trưởng ICC Fatou Bensouda đưa ra vào năm 2016 có khả năng củng cố trường hợp hiện tại của họ. Chỉ thị đó đã nói rằng ICC sẽ ưu tiên các hành vi dẫn đến việc “phá hủy môi trường” cùng những thứ khác. Một số chuyên gia đồng ý rằng chỉ thị trên đã cho các cựu quan chức Philippines lý do để hy vọng. Ông Jay Batongbacal, người đứng đầu Viện Đại học Luật Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, cho biết chỉ thị của Công tố viên Bensouda cho thấy “một mối quan tâm trong việc theo đuổi các vụ xâm hại môi trường được sử dụng để tiếp tục phạm tội trong phạm vi quyền hạn của ICC”. Trong khi đó, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Tan Qingsheng nói rằng hành động của ông del Rosario và bà Morales “không đại diện cho quan điểm của chính phủ và người dân Philippines” và sẽ “không ngăn chặn sự phát triển quan hệ song phương”.

Những tác động từ vụ kiện này?

Cho dù không được phía Trung Quốc phản hồi và Chính quyền Tổng thống Duterte chào đón, nhưng chắc chắn một điều là vụ kiện trên của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales, cùng với sự ủng hộ của đông đảo người dân Philippines sẽ có những tác động tích cực giúp ngăn chặn sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay. Thứ nhất, nó sẽ giúp dư luận khu vực và thế giới biết về âm mưu, ý đồ thực sự của Trung Quốc khi muốn độc chiếm Biển Đông và những tác động nghiêm trọng đến môi trường phát triển chung và hòa bình an ninh, cũng như đời sống của người dân cả khu vực. Thứ hai, nó cho thấy nguyện vọng chung của đông đảo người dân Philippines muốn Trung Quốc phải dừng lại mọi hành động gây tổn hại như nêu ở trên và chấm dứt việc lấn lướt, coi thường pháp lý ở Biển Đông. Thứ ba, nó cho thấy vai trò của luật pháp quốc tế, của tiếng nói dư luận, điều mà Trung Quốc thời gian qua đã bất chấp và chà đạp lên khi tiến hành hoạt động quân sự hóa ở khu vực. Thứ tư, nó gây sức ép lớn lên chính quyền Tổng thống Duterte khi chính quyền này đang phải chịu những chỉ trích về việc vì lợi ích kinh tế trước mắt mà nhu nhược trước Trung Quốc để đánh đổi chủ quyền và không lắng nghe ý kiến của người dân.

RELATED ARTICLES

Tin mới