Tuyên bố chung kết thúc tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên và đến lúc xây dựng nền hòa bình lâu dài là khởi đầu của tiến trình đa dạng về hình thức.
Ngày 6/4/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đã không tiến xa như thế giới đang đòi hỏi nhưng các lãnh đạo đã rời hội nghị với sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhau.
Ông Pompeo dự đoán với lập trường mà hai bên đã có, hai lãnh đạo có thể đạt được những tiến triển mới.
Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân Mỹ ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.
Phần lớn mọi người đều hiểu rằng hoạt động ngoại giao là khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn để xây dựng lòng tin từ hai phía.
Hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã làm sáng tỏ thách thức an ninh quốc gia và địa chính trị phức tạp trong việc ngăn chặn và đảo ngược các năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Nếu một cuộc chiến nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, nó sẽ dẫn đến hàng triệu người thương vong và sự tàn phá khủng khiếp.
Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ ước tính 300.000 người sẽ thiệt mạng trong những ngày chiến sự đầu tiên, khiến ít nhất 100.000 công dân Mỹ ở Hàn Quốc có khả năng bị thương vong.
Nhật Bản, Trung Quốc và Nga cũng có thể tham gia, nâng con số thương vong lên đến hàng triệu người và khiến thiệt hại do Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) gây ra trở nên nhỏ bé.
Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội cho thấy bất chấp sự cổ vũ nhiệt liệt của người dân đối với nỗ lực ngoại giao này, nguy cơ chiến tranh với một Triều Tiên vũ trang hạt nhân vẫn tồn tại.
Dẫu vậy, một tuyên bố chung kết thúc tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên và đến lúc xây dựng một nền hòa bình lâu dài là sự khởi đầu của một tiến trình đa dạng về hình thức tổ chức và các bên tham gia.
Thứ nhất, lấy hai miền Triều Tiên là trung tâm, có thể dành riêng cho việc định hình lại tương lai của quan hệ liên Triều, trong đó có một hiệp ước hòa bình, vấn đề biên giới và liên minh thống nhất.
Thứ hai, có thể cần thêm sự can dự của các thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề về kinh tế và tương lai của các biện pháp trừng phạt.
Theo đó, sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ phải gắn với sự tiến triển trong lĩnh vực an ninh hạt nhân
Thứ ba, cần phải giải quyết các câu hỏi về an ninh. Bên cạnh việc xây dựng lòng tin quân sự, hướng đi này sẽ tính đến cả quy mô và việc triển khai lực lượng vũ trang thông thường trên bán đảo.
Một ví dụ có thể xem xét là hiệp ước năm 1990 về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu. Kho vũ khí hóa sinh của Triều Tiên cũng có thể được đề cập đến như một phần của hướng đi này.
Thứ tư, khi có tiến triển đầy đủ ở tất cả các hướng đi trên, các bên liên quan cần phải giải quyết các câu hỏi về an ninh khu vực và có thể tiếp nối từ các cuộc đàm phán.
Cho dù quá trình đàm phán có diễn ra chính xác theo các hướng đi này hay không, điều quan trọng là nó có tính đa chiều và kết nối các vấn đề như chế độ hòa bình, quan hệ Mỹ-Triều, giải trừ vũ khí, kiểm soát vũ khí và phi hạt nhân hóa, vốn là một quá trình lâu dài như nhiều quá trình khác.
Tùy thuộc vào chủ đề, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên được đưa vào vị trí có liên quan cùng với Mỹ và Triều Tiên.
Chỉ khi đó, việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận mới có thể tiến hành được, bao gồm cả việc lựa chọn quay trở lại chiến lược gây sức ép tối đa nếu đàm phán thất bại.
Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump cùng nhau đi dạo trước cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội (Ảnh: Reuters). |
Điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán không nên là chấm dứt toàn bộ các hoạt động hạt nhân, kho vũ khí tên lửa và các cơ sở liên quan của Triều Tiên.
Điều này khó khả thi về mặt kỹ thuật và cũng không thể chấp nhận được ở phía Triều Tiên vì nó sẽ báo hiệu việc Triều Tiên đầu hàng vô điều kiện và tiết lộ cho quân đội Mỹ danh sách các mục tiêu.
Thay vào đó, việc giải giáp vũ khí và thực hiện các biện pháp kiểm soát tiếp theo có thể tập trung vào những lĩnh vực đã được xem xét, đàm phán cụ thể theo quy trình.
Ví dụ, tiến trình giải giáp vũ khí và kiểm soát riêng rẽ có thể chấp nhận được đối với: (i) vật liệu phân hạch hạt nhân và tạm dừng sản xuất; (ii) giảm dần và chuyển giao đầu đạn hạt nhân; (iii) hạn chế và từ bỏ hoàn toàn các hệ thống tên lửa.
Tiến trình phi hạt nhân hóa và kiểm soát vũ khí tập trung từng bước vào việc hạn chế kho vũ khí và khả năng Triều Tiên sẽ không thỏa mãn những người theo chủ nghĩa tối đa nhưng nó có thể hạn chế nguy cơ không kiểm soát được vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Do đó, các cuộc đàm phán nên được sử dụng để xác định bước đi về hạt nhân và tên lửa cần được thực hiện để đổi lấy việc nới lỏng dần các lệnh trừng phạt, thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều.
Liên quan đến việc nới lỏng lệnh trừng phạt, Viện Nghiên cứu vấn đề toàn cầu và khu vực của Đức (GIGA) nhận định, việc phân biệt giữa các lệnh trừng phạt song phương do Mỹ áp đặt và các lệnh trừng phạt đa phương có ý nghĩa quan trọng.
Về lộ trình, các dự án hợp tác liên Triều linh hoạt có thể được triển khai trước tiên nếu có tiến triển phù hợp trong đàm phán.
Có thể nói, hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua chính là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán về sau dưới nhiều hình thức khác nhau.