EU vừa thông qua việc cho phép Anh được gia hạn Brexit thêm 6 tháng đến 31/10, tuy nhiên còn phụ thuộc vào việc Anh có muốn gia hạn hay không.
Ngày 10/11, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu EU đã nhất trí lùi thời hạn ra đi của nước Anh đến ngày 31/10. Đây là lần thứ hai EU đồng ý gia hạn thỏa thuận Brexit cho Anh. Điều này tránh cho nước Anh không kịp thời gian để tự đạt được sự đồng thuận của Hạ viện về các điều khoản trong Brexit, đảm bảo cho việc không xảy ra Brexit cứng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết: “EU đã đồng ý gia hạn Điều khoản 50. Giờ đây, tôi sẽ đi gặp Thủ tướng Theresa May để trao đổi về thỏa thuận của chính phủ Anh.”
Ban đầu, EU đưa ra kế hoạch gia hạn Brexit kéo dài 1 năm cho Anh, tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt trong EU gồm Pháp, Đức, Bỉ, Áo… cho rằng không cần đến thời gian dài như vậy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh EU “không nên mất thêm thời gian vào quá trình Brexit”.
Sau nhiều giờ tranh luận, cuối cùng các bên chọn mốc 31/10 làm ngày ra đi của nước Anh. Đây được khẳng định là lần gia hạn cuối cùng. Nếu đồng thuận với việc kéo dài thời gian này, Anh vẫn phải ở lại trong EU tới 31/10, đồng nghĩa với việc phải tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến vào 22/5 tới.
Tuy nhiên, Pháp, Đức và một số quốc gia khác gửi đi yêu cầu cần một lời cam kết từ phía London trong việc không can thiệp vào công việc nội bộ EU trong thời gian ở lại này.
Trong bối cảnh các mâu thuẫn của Anh còn chồng chất, bà May có thêm 6 tháng quý báu để giải quyết những vấn đề này. Thậm chí, nhà lãnh đạo nước Anh còn tự tin “giải quyết được mọi thứ” trước khi cuộc bầu cử EP hôm 22/5 tới.
“Việc gia hạn này cho phép chúng ta hoàn thành tiến trình mà chúng ta đã gây dựng. Nếu chúng ta có thể làm được điều đó trước ngày 22/5, chúng ta sẽ không phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu” – bà May cho biết.
6 tháng này dù là một thời hạn dài với Anh, tuy nhiên, bản chất vấn đề ở đây nằm ở việc quá nhiều mâu thuẫn giữa Hạ viện Anh với kế hoạch Brexit của Thủ tướng May. Điều này khiến cho London không có được sự đồng thuận và thỏa thuận Brexit vẫn đang bị chặn đứng.
Vừa qua, hôm 29/3 Hạ viện Anh lần thứ 3 bác bỏ Brexit, mở ra hai kịch bản duy nhất: tiếp tục trì hoãn, hoặc rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào – cuộc hạ cánh cứng không hứa hẹn điều tốt đẹp cho nước Anh.
Như vậy, Anh đã lựa chọn phương án tình thế, tiếp tục trì hoãn kéo dài thời gian để theo đuổi cơ hội đàm phán, thuyết phục Hạ viện.
Tuy nhiên, Hạ viện cho rằng nước Anh sẽ chịu nhiều thiệt hại khi Brexit được thông qua. Trước mắt, các trung tâm tài chính châu Âu đã có cuộc tháo chạy quy mô lớn khỏi Anh, các tập đoàn đa quốc gia cũng tìm những thị trường mới và từ chối đón nhận sự bất ổn của nền kinh tế Anh.
Sức ép lên nền kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội sẽ gia tăng khi nguồn lao động thu nhập cao của ANh không thể tự do hoạt động tại các nước EU như trước, chính sách thuế quan mới cũng khiến vật giá leo thang…
Điều đáng chú ý, vấn đề biên giới cứng hay mềm giữa các vùng tự trị như Ireland, Scotland… với Anh và EU cũng khiến các nghị sĩ không cảm thấy hài lòng. Theo thỏa thuận Brexit, giữa các vùng tự trị này và Anh – EU vẫn duy trì đường biên giới mềm, lao động tự do luân chuyển, không thuế quan (không khác thời điểm trước khi Anh rời EU).
Tuy nhiên, điều này đã tạo ra một rào cản, nó trao thêm quyền tự trị và cổ súy phong trào ly khai ở Anh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền Vương quốc Anh.
Vì thế, 6 tháng tới không hề yên ả như những phát biểu lạc quan của bà May. Nếu không thuyết phục được Hạ viện, London sẽ phải chọn tiếp hai phương án: Hoặc hạ cánh cứng Brexit, hoặc tiến hành một chương trình Brexit khác.
Trong trường hợp đó, sẽ phải là một Thủ tướng khác thay thế bà Theresa May theo hướng tự từ chức hoặc bị phế truất vì bất tín nhiệm.