Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTruất ngôi độc tôn của Mỹ: TQ, không phải Nga!

Truất ngôi độc tôn của Mỹ: TQ, không phải Nga!

Báo Đức bất ngờ nhận định rằng, trong 10 năm tới, chính Trung Quốc mới là đối thủ lớn nhất đe dọa vị thế thống trị về quân sự của Mỹ.

Quá khứ vượt trội của phương Tây trước phương Đông

Trong mười năm tới, Hoa Kỳ phải chuẩn bị đối mặt với thực tế Trung Quốc sẽ bắt kịp họ trong lĩnh vực công nghệ quân sự, theo tờ báo Neue Züricher Zeitung. Lý do ở chỗ trong điều kiện chuyển giao kiến thức toàn cầu, việc làm chủ các công nghệ tiên tiến đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Do đó, nhiều liên minh do Washington lãnh đạo, vốn chủ yếu dựa trên khả năng của các lực lượng Mỹ để thực hiện các hành động can thiệp quân sự nhanh chóng, sẽ gặp nguy hiểm.

Neue Züricher Zeitung cho rằng, nhiều năm qua, trong lĩnh vực thiết bị quân sự, phương Tây đã đặt cược vào sự vượt trội về chất lượng, chứ không phải số lượng. Nguyên tắc này đã xác định cán cân quyền lực toàn cầu: Từ giữa những năm 1970, Hoa Kỳ và các đồng minh đã tuân theo sự “cân bằng chiến lược” đối với Liên Xô.

Theo nguyên tắc này, sự vượt trội về số lượng của các lực lượng Khối phương Đông đã được cân bằng bởi các cảm biến tầm xa, vũ khí độ chính xác cao và hệ thống dẫn đường tinh vi hơn của Khối phương Tây.

Suốt hàng thập kỷ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên bang Xô viết, Hoa Kỳ và đồng minh cho rằng, các hệ thống chiến đấu công nghệ cao có thể nhanh chóng làm suy yếu kẻ thù mà không bị tổn thất đáng kể.

Để làm bằng chứng, họ đã dẫn thành công trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi quân đội Iraq, được trang bị theo mô hình Liên Xô, không thể chống lại một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Vào thời điểm đó, sự vượt trội về công nghệ của Mỹ và đồng minh được coi là không thể chối cãi.

Neue Züricher Zeitung tiếp tục khẳng định, các cuộc chiến sau đó ở Iraq và Afghanistan không làm thay đổi danh tiếng của vũ khí phương Tây – cho thấy sự thắng thế của các lực lượng phương Tây khi sử dụng ưu thế công nghệ trong điều kiện mới.

Trong tương lai Mỹ sẽ bị Trung Quốc vượt mặt

Tuy nhiên, bài báo nhấn mạnh rằng, trong mười năm tới, phương Tây cần chuẩn bị trước cho khả năng đánh mất ưu thế về công nghệ.

Ở Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện các điều kiện tiên quyết để cân bằng với phương Tây trong các lĩnh vực quan trọng, đó là sự gia tăng về cả số lượng lẫn sự nhảy vọt về chất lượng vũ khí, trang bị của các quân, binh chủng trong Quân đội Trung Quốc.

Nếu Mỹ mất ưu thế quân sự và vị thế lãnh đạo, toàn bộ trật tự thế giới sẽ chờ đợi sự thay đổi sâu sắc.

Neue Züricher Zeitung lí giải nguyên nhân dẫn đến sự mất quyền lãnh đạo không nằm ở việc các đối thủ cạnh tranh sao chép công nghệ của Mỹ hay Nga, mà ở chỗ, họ đã thay đổi, kích thích các phát kiến mới, cho phép thách thức phương Tây.

Thế hệ công nghệ quân sự hiện nay được phát triển theo xu thế công nghệ lưỡng dụng, phụ thuộc vào sự phát triển công nghệ dân sự tại các công ty công nghệ tư nhân. Các kiến ​​thức lý thuyết được phổ biến rộng rãi, được giảng dạy tại các trường đại học và in trên các tạp chí.

Ngoài ra, có nhiều cách hợp pháp để có được kiến ​​thức thực tế là thông qua việc mua, cấp phép, tiếp nhận công nghệ hoặc liên doanh phát triển công nghệ tiến tiến, vũ khí, trang bị mới…

Bài báo lưu ý, trong thời đại chuyển giao công nghệ toàn cầu, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ – như Mỹ đã từng cáo buộc Trung Quốc nhiều lần thực hiện, không phải là cách duy nhất để đến gần hơn vị trí dẫn đầu về công nghệ, các công nghệ mới ngày càng phát triển, dẫn đến cơ sở của việc hiện đại hóa chính nó.

Ví dụ nổi bật nhất ở đây là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Brazil có thể đi theo cùng một con đường mua sắm vũ khí trọng điểm của nước ngoài, kết hợp tự nghiên cứu phát triển các sản phẩm lưỡng dụng.

Môi trường đổi mới về phát triển công nghệ quân sự đỉnh cao cũng đang phát triển mạnh ở Nga, nhưng kém hơn Trung Quốc về quy mô và số lượng.

Hoa Kỳ suy yếu một phần do gánh quá nhiều liên minh

Để lấy ví dụ về việc sức mạnh kinh tế ngày càng tăng và tiềm năng đổi mới công nghệ và xu hướng phát triển vũ khí ảnh hưởng đến cán cân sức mạnh như thế nào, ấn phẩm đã đi sâu phân tích tình hình xung quanh Đài Loan.

Kể từ trước năm 1996, Trung Quốc không thể làm gì để đe dọa nhóm tàu sân bay tấn công Mỹ ở eo biển Đài Loan. Nhưng sau đó, Trung Quốc tăng ngân sách quân sự lên 750% và tập trung tiềm lực vào việc chống lại lực lượng quân đội Hoa Kỳ; do đó, vị thế quân đội Mỹ đã suy giảm đáng kể.

Theo một nghiên cứu được tập đoàn RAND thực hiện năm 2017, lực lượng mà Hoa Kỳ cần phải huy động cho một cuộc không kích để hỗ trợ Đài Loan thành công chống lại một cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Trung Quốc, đã tăng gấp 10 lần so với năm 1996.

Như vậy, cũng có thể nói rằng, so với cách đây hơn 2 thập kỷ, thực lực của Quân đội Trung Quốc đã tăng lên rất cao, buộc Hoa Kỳ phải dốc toàn bộ sức lực mới có thể giải cứu được Đài Loan.

Neue Züricher Zeitung nhấn mạnh, không chỉ có liên minh giữa Washington với Đài Loan sống dựa trên khả năng can thiệp quân sự của phía Mỹ. Hoa Kỳ phải phân tán sức lực ở rất nhiều nơi trên thế giới, bảo vệ cho rất nhiều đồng minh từ châu Á đến châu Phi, châu Âu…

Do đó, các đồng minh khác của Hoa Kỳ cũng nên nhớ rằng, sự đảm bảo an ninh từ Washington đang ngày càng trở nên kém tin cậy, trước sự lớn mạnh của các đối thủ không kém hơn bao nhiều là Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ báo cũng nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên bất lực trước sự đánh mất vị thế thống trị quân sự của mình.

Một trong những biện pháp đối phó là đẩy mạnh việc phát triển vũ khí công nghệ cao, kết hợp với sản xuất hàng loạt những vũ khí có ưu thế về số lượng; nhà nước và tư nhân có thể bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực phát triển công nghệ lưỡng dụng quân-dân; siết chặt vấn đề an ninh mạng…

RELATED ARTICLES

Tin mới