Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNord Stream-2: Bước chân Đức đến vị thế thủ lĩnh châu Âu

Nord Stream-2: Bước chân Đức đến vị thế thủ lĩnh châu Âu

“Dòng chảy phương Bắc-2” sẽ mang lại những lợi ích kinh tế lớn và vị thế thủ lĩnh châu Âu cho Đức. Do đó, sẽ không ai có thể ngăn chặn!

Ukraine nhử lợi ích để Đức chấm dứt “Nord Stream 2”

Quan hệ giữa Đức và Ukraine mới đây đã có những bất đồng xoay quanh việc 1.000 km đường ống của tuyến ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) ở vùng biển Phần Lan, Thụy Điển và Đức đã được xong đặt dưới đáy biển Baltic.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tới Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng rằng, mối quan hệ giữa Kiev và Berlin sẽ vượt qua sự bất đồng trong lập trường liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc – 2”.

Trong cuộc họp với Thủ tướng Đức Merkel ở Berlin hôm 12/4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết rằng, nước này sẽ “không dừng cuộc chiến” đối với kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu mang tên “Nord Stream 2” của Nga.

Theo ông, chính quyền Kiev sẽ không dừng cuộc đấu tranh để ngăn cản việc xây dựng “Dòng chảy phương Bắc – 2”, bằng cách gia tăng những ưu đãi đối với Berlin, cho phép các công ty Đức tham gia quản lý hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine, Poroshenko thông báo.

Theo nhà lãnh đạo Ukraine, vào thời điểm hiện tại, Berlin và Kiev chưa tìm được sự đồng thuận về quan điểm và những cơ chế khác nhau trong việc bảo vệ lợi ích của Ukraine.

 Theo giới truyền thông, chính quyền của bà Merkel chỉ muốn Nga đảm bảo đảm duy trì khối lượng khí nhất định thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine. Trong khi đó, ông Poroshenko lại muốn Đức chấm dứt việc xây dựng đường tuyến đường ống dẫn khí với Nga.

Tổng thống Ukraine giải thích rằng, Ukraine nhìn thấy ở các dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt sang châu Âu có “mối đe dọa chính trị” với đất nước của mình. Chính phủ Ukraine đã nhiều lần khẳng định rằng, tuyến đường ống này là một “hình thức chiến tranh trá hình”.

Trước đó, ông Poroshenko cũng đưa ra một tuyên bố gồm 2 mệnh đề đầy tính… phi logic là “sau khi hoàn thành việc xây dựng ‘Dòng chảy phương Bắc – 2’, Nga có thể… tấn công tàu của các nước vùng Baltic trên biển Baltic!!!?”.

Phụ họa với đồng minh thân thiết, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã chỉ trích Đức vì đóng góp không đủ chi tiêu quốc phòng, theo yêu cầu của NATO. Ngoài ra, ông gọi lập trường Berlin về dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” là “không thể chấp nhận được”.

Đức cương quyết bảo vệ “Dòng chảy phương Bắc-2”

Bất chấp những chỉ trích và yêu cầu của Mỹ về việc chấm dứt hợp tác với Nga, cùng với sự giới thiệu về những ưu đãi mà Ukraine đưa ra đối với các doanh nghiệp năng lượng nước nhà, giới chức lãnh đạo Đức vẫn cương quyết bảo vệ dự án khí đốt với Nga.

Trả lời yêu cầu của nhà báo bình luận về tuyên bố của ông Pence, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: “Không có gì mới” và khẳng định Berlin sẽ không thay đổi lập trường về chi tiêu quốc phòng trong NATO, hoặc trong dự án đường ống “Nord Stream 2” với Nga.

“Điều này [thái độ của Mỹ] đã không làm chúng tôi ngạc nhiên và chúng tôi sẽ không thay đổi lập luận của mình về vấn đề phân bổ đóng góp, cũng như về ‘Dòng chảy phương Bắc- 2’” – ông Maas nói với các phóng viên.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu với phóng viên tại cuộc họp báo với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, lập trường khác nhau giữa Đức và Ukraine về vấn đề dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” không ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Bà khẳng định đã luôn chỉ rõ cho Tổng thống Nga Putin hiểu rằng, mặc dù triển khai dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2”, nhưng Đức vẫn giữ lập trường bảo lưu vị thế của Ukraine là quốc gia trung chuyển khí đốt sang châu Âu. Do đó, dự án này sẽ không ảnh hưởng lớn đến Ukraine.

Vậy nên, Đức đề nghị rằng các cuộc đàm phán nên được tiến hành không chỉ giữa Nga với Ukraine, mà còn với sự tham gia của cả Liên minh châu Âu. Điều này sẽ được tiếp tục.

Đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” điều quan trọng đầu tiên không phải là quyết định của Mỹ, mà là của châu Âu, đặc biệt là Ủy ban châu Âu, mà Đức là nước lớn nhất, có tiếng nói quyết định trong EU, nên rất khó để Mỹ có thể áp đặt ý chí của mình đối với các nước châu Âu.

Do đó, dự án này vẫn đang tiếp tục triển khai với tốc độ cực nhanh và cơ bản đã sắp hoàn thành. Tính đến đầu tháng này, Nord Stream 2 AG [Liên danh thực hiện dự án xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc-2”] đã lắp đặt xong hơn 1000km đường ống qua vùng biển 4 nước Nga, Phần Lan, Thụy Điển và Đức.

Vì sao Đức phớt lờ lợi ích của Ukraine?

 Theo giới phân tích, trái ngược với những tuyên bố của Ukraine về những “âm mưu, ý đồ của Moscow” hay “hình thức chiến tranh trá hình của Nga”; dự án xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2” có tầm quan trọng rất lớn đối với Đức, chứ không chỉ là Nga.

Về danh nghĩa, Đức là nước tiếp nhận đầu tiên dòng chảy khí đốt và các công ty Đức là cổ đông lớn nên Berlin sẽ ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc Đức “sống chết với Nord Stream 2” xuất phát từ 3 nguyên nhân chính sau:

Một là: Sau khi Anh rời khỏi EU, Đức đang trong quá trình định hình tư cách thủ lĩnh của Liên minh châu Âu. Vị thế đầu tàu EU khiến Đức không thể để Mỹ “đặt đâu, ngồi đấy”, nên họ muốn duy trì một quan điểm độc lập với “thánh chỉ” của Mỹ trong vụ Nord Stream 2.

Hai là: Sau khi dự án được hoàn tất, Đức sẽ trở thành một trung tâm khí đốt ở châu Âu, những lợi ích kinh tế mà Ukraine mất đi thì Đức sẽ được hưởng, về cả phí quá cảnh lẫn giá khí đốt ưu đãi khoảng 20-30%.

Ba là: Với vai trò là điểm đến đầu tiên và là kho chứa, Đức sẽ kiểm soát và phân phối lại các dòng khí đốt, sử dụng nó làm công cụ để điều chỉnh quan hệ với các nước châu Âu. Đó là điều rất có lợi cho vai trò thủ lĩnh châu Âu của Đức.

Với những lợi ích lớn từ “Dòng chảy phương Bắc-2” về cả kinh tế lẫn chính trị, đặc biệt là vai trò dẫn dắt châu Âu, thật dễ hiểu vì sao dự án này từ đầu đến cuối đã nhận được “sự ủng hộ tuyệt đối của Đức”.

Điều này cũng cho thấy rằng, “những lợi ích nhỏ bé” mà ông Poroshenko đưa ra là “cho phép các công ty Đức tham gia quản lý hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine, chắc chắn sẽ không thể hấp dẫn được nhà lãnh đạo Đức Angela Merkel.

RELATED ARTICLES

Tin mới