Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại những cuộc biểu tình phản đối TQ ở Biển Đông...

Nhìn lại những cuộc biểu tình phản đối TQ ở Biển Đông của người dân Philippines từ năm 2012 đến nay

Trong những năm qua, việc Trung Quốc không ngừng đơn phương bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa và theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông đã dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận các nước, trong đó nổi lên là các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Philippines. Đây được coi là hệ quả tất yếu từ những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông trong suốt thời gian qua.

Các cuộc biểu tình phản đối TQ ở Biển Đông của người dân Philippines. Nguồn: Reuters/Phil Star

Năm 2012

(1) Ngày 11/5, hàng trăm người dân Philippines thuộc nhiều tổ chức phi chính phủ đã biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati để yêu cầu Trung Quốc ngừng xâm chiếm đảo đá ngầm Scarborough. Những người biểu tình mặc áo sơ mi vàng, vẫy cờ Philippines, giương cao nhiều tấm biển ghi khẩu hiệu phản đối Trung Quốc như “Trung Quốc phải dừng bắt nạt Philippines”, “Những kẻ xâm lược không bao giờ được chà đạp đảo thiêng của chúng ta”… Vụ biểu tình do Akbayan và Phong trào Đen và Trắng, hai nhóm dân sự ủng hộ chính sách của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Các vụ biểu tình tương tự ở Makati cũng diễn ra bên ngoài nhiều đại sứ quán Trung Quốc tại nhiều nước khác. Những người biểu tình kêu gọi lấy ngày 11/5 là “Ngày toàn cầu hành động chống lại sự ức hiếp của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Năm 2013

(2) Ngày 26/7, khoảng 2.000 người dân Philippines đã đổ xuống đường phố Manila để biểu tình phản đối Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông, xâm phạm chủ quyền các nước khác. Vẫy cờ Philippines và thổi kèn, đoàn người biểu tình tụ tập trước tòa nhà nơi có Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila, khiến giao thông tắc nghẽn trưa qua. Lãnh sự quán Trung Quốc phải đóng cửa văn phòng cấp visa vì cuộc biểu tình. Tham gia đoàn biểu tình có cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines Raffy Alunan. Cựu quan chức này cho rằng, những “tuyên bố hiếu chiến” của Bắc Kinh ảnh hưởng xấu đến chính uy tín của họ và dẫn tới việc Mỹ quyết định chuyển trọng tâm sang châu Á. Trước đó, xuất hiện nhiều lời kêu gọi người Philippines sống tại nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng như trong nước đồng loạt biểu tình nhằm phản đối sự hiện diện bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như những động thái quân sự hóa ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền hòa bình trong khu vực mà chính quyền Bắc Kinh đang tiếp diễn.

Năm 2014

(3) Ngày 03/3, các nhà hoạt động thuộc đảng Hành động công dân Akbayan tại Philippines đã biểu tình trước lãnh sự quán TQ tại Manila để phản đối tàu cảnh sát biển Trung Quốc xịt vòi rồng xua tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough hôm 27/1. Phát biểu với báo giới, ông Emman Hizon, Tổng Bí thư đảng, nhấn mạnh đây là hành động xâm lược rõ ràng. Ông kêu gọi Tổng thống Benigno Aquino không thương lượng về chủ quyền Philippines và phải bác bỏ bất cứ đề xuất nào của TQ, trong đó có cam kết tăng cường đầu tư ở Philippines để Philippines rút đơn kiện TQ tại tòa án trọng tài quốc tế.

(4) Ngày 16/5, hơn một trăm người dân Philippines đã biểu tình tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila để phản đối việc nước này lấp biển để lấy đất xây dựng sân bay trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Cuộc biểu tình ở Manila ngày 16/5 diễn ra một ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là nguy hiểm và có tính chất khiêu khích.

(5) Ngày 12/6, khoảng 200 thành viên và những người ủng hộ của đảng Akbayan do Rafaela David (người đứng đầu bộ phận thanh niên của đảng Akbayan) phát động đã đã biểu tình hòa bình tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila nhân kỷ niệm quốc khánh lần thứ 116 của Philippines để khẳng định chủ quyền của Philippines đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Thủ lĩnh Rafaela David tuyên bố rằng “Sự hung hăng ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc tại Biển Tây Philippines (Biển Đông) là một sự lăng mạ trực tiếp đối với chủ quyền và độc lập của Philippines”. “Chúng tôi mạnh mẽ hối thúc công chúng tiến hành một cuộc cách mạng mới nhằm chống lại sự gây hấn và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc”, Rafaela David nói thêm.

Năm 2015

(6) Ngày 04/6, trên 100 người kéo đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, theo lời kêu gọi của Renato Reyes Jr., thuộc nhóm hoạt động chính trị cánh tả Bagong Alyansang Makabayan của Philippines để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vẫy cờ và hô khẩu hiệu “Trung Quốc cút khỏi Biển Đông”, những người biểu tình di chuyển đến trước Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Manila, Philippines, phản đối hoạt động xây dựng đảo và những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Thủ lĩnh biểu tình Renato Reyes Jr., thuộc nhóm hoạt động chính trị cánh tả Bagong Alyansang Makabayan của Philippines, cho biết quân đội hùng hậu của Trung Quốc có thể lấn át Philippines, nhưng “có nhiều cách khác để lên án hành động bành trướng của Trung Quốc”, bao gồm tuần hành, biểu tình và tẩy chay hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Người biểu tình lên án việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough trên Biển Đông từ tay Philippines vào năm 2012. Các ngư dân Philippines cho biết bị đe dọa khi tàu tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi họ khỏi vùng biển gần bãi cạn Scarborough, vốn là một ngư trường dồi dào thủy sản.

Năm 2016

(7) Ngày 25/2, Phong trào và Liên minh chống Trung Quốc (MARCHA) do Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez làm Chủ tịch đã tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn để phản đối các hành động quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc. MARCHA đã huy động được sự tham gia đông đảo của sinh viên Philippines, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, Đông Timor, Hàn Quốc, Nhật Bản… cùng một số tổ chức xã hội dân sự khác tham gia, số lượng người tham gia lúc đông nhất lên đến khoảng 500 người. Người biểu tình diễu hành trong đoạn phố trước toà nhà World Center (là trụ sở của Đại sứ quán Trung Quốc), giương cao băng rôn, biểu ngữ với những thông điệp mạnh mẽ bằng tiếng Anh như: “Sinh viên quốc tế phản đối quân sự hoá Biển Đông”, “Cộng đồng quốc tế đoàn kết phản đối sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông”; “Trung Quốc hãy mang tên lửa ra khỏi Hoàng Sa”; “Trung Quốc hãy dỡ bỏ radar khỏi Hoàng Sa”… Đại diện cho MARCHA, cựu cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez khẳng định: “Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là có hệ thống. Trung Quốc muốn bá quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông rồi sau đó sẽ là cả biển Tây Thái Bình Dương. Các nước cần đoàn kết để ngăn chặn việc Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo, việc Trung Quốc triển khai tên lửa ra Biển Đông để đe doạ khu vực. Chúng ta cần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt sự hiếu chiến, trả lại vùng biển cho chúng ta, Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế”. Tham gia biểu tình lần này còn có tổ chức Thiên chúa giáo Christian Men’s Ministries. Nhóm này đã đồng thời tổ chức cầu nguyện cho hoà bình ở Biển Đông tại hiện trường của buổi biểu tình.

Năm 2018

(8) Ngày 10/2, ngay sau khi truyền thông địa phương đăng những hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã chuyển đổi ít nhất 7 bãi đá thành các đảo nhân tạo, hoàn chỉnh với các cơ sở hải quân và không quân, bao gồm đường băng và bãi đáp trực thăng, thì hàng nghìn dân Philippines đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila để chống lại việc Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Các nhà hoạt động Philippines nói thái độ hợp tác với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte có thể khuyến khích Bắc Kinh mở rộng hơn nữa hoạt động xây dựng ở Biển Đông. “Nếu chính quyền Philippines không muốn phản đối Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp và trong khu vực vực đặc quyền kinh tế của chúng ta, thì người dân Philippines, sẽ lên tiếng và phản đối”, Tổng Thư ký tổ chức cánh tả Bayan, người tổ chức biểu tình Renato Reyes Jr tuyên bố. Trên thực tế, bất chấp sự phản đối và quan ngại của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự trái phép ở Biển Đông, trong đó có 7 đảo nhân tạo nước này chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

(9) Ngày 27/6, nhân kỷ niệm 2 năm Ngày Tòa Trọng tài (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, hàng trăm người Philippines đã biểu tình tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila để phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và chính sách nhu nhược của chính quyền Tổng thống Duterte trước Trung Quốc. Theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do Social Weather Stations công bố hôm 16/7, 81% trong số 1.200 người tham gia khảo sát nói rằng hoàn toàn không đúng đắn khi để Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông và quân sự hóa các đảo này; 74% cho biết chính phủ nên đưa vấn đề này tới các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN cho các cuộc đàm phán hòa bình và ngoại giao với Trung Quốc để xử lý tranh chấp Biển Đông.

Năm 2019

(10) Ngày 09/4, hàng nghìn người dân Philippine đã đổ ra đường tuần hành trước lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati để phản đối Trung Quốc đưa tàu tới bao vây đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa mà Phlippines tuyên bố có chủ quyền. Ngoài ra, người biểu tình còn phản đối Tổng Thống Rodrigo Durterte vì chính phủ Philippine hoàn toàn không có tiếng nói gì trong chuyện này, đồng thời phản đối việc chính phủ Philippine mượn nợ từ Trung Quốc.

Kết luận: Các cuộc biểu tình phán đối Trung Quốc tại Philippines có nguyên nhân chính là do những hành động ngang ngược và chính sách đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến tình hình khu vực căng thẳng, phức tạp. Xu hướng phản đối Trung Quốc sẽ còn gia tăng khi Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông và tìm cách kiểm soát vùng biển này.

RELATED ARTICLES

Tin mới