Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ sẽ hối hận khi lập Vùng nhận dạng phòng không ở...

TQ sẽ hối hận khi lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

Nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ khiến tình hình Biển Đông mất kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực, ảnh hưởng đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra các vụ va chạm quân sự giữa các nước có lợi ích ở Biển Đông với Trung Quốc.

ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng. Các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định và khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ. Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp phạt khác.

Về khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngang nhiên cho rằng, Trung Quốc “có quyền thành lập một ADIZ trong vùng biển của Bắc Kinh”. Trước đó, cựu Đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Khanh từng tuyên bố Bắc Kinh có quyền lập ADIZ ở Biển Đông.

Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ cho rằng, Trung Quốc có thể lần lượt lập ra 2 vùng nhận dạng phòng không (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trung Quốc sẽ ưu tiên lập ADIZ ở quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh, sau đó chờ cho đến khi năng lực quân sự mạnh lên, Trung Quốc sẽ lập ra vùng nhận dạng phòng không thứ hai ở Biển Đông, bao trùm lên quần đảo Trường Sa. Trước đó, phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson ở Washington, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain (21/7/2015) cho rằng động thái tiếp theo của Trung Quốc sau khi hoàn tất xây dựng những đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là lập ADIZ ở Biển Đông, nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý nuốt trọn gần cả Biển Đông.

Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế nếu lập ADIZ ở Biển Đông

Thứ nhất: Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông. Trong đó có Điều 3 (quy định “các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”) và Điều 5 (quy định về việc các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định của khu vực).

Thứ hai: Vi phạm các quy định về tự do hàng không trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Cụ thể, tại Điều 56, 76 đều quy định chung về quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình và Điều 58 quy định, “trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển… được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm”, khẳng định “khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước…”. Ngoài ra, thiết lập ADIZ ở Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda) – một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc.

Thứ ba: Trung Quốc đã vi phạm nội dung các thỏa thuận song phương và đa phương về Biển Đông, trong đó có thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc được ký kết vào ngày 11/10/2011.

Thứ tư: Hoạt động hàng không ở khu vực sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn do các quy định Trung Quốc đưa ra. Việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông đồng nghĩa với việc tất cả máy bay (dân dụng, quân sự, tìm kiếm cứu trợ thiện tai…) đều phải thông báo lịch trình, kế hoạch bay cho Trung Quốc và phải tuân thủ hành lang bay do Trung Quốc chỉ định. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có biện pháp can thiệp, kể cả việc sử dụng máy bay quân sự tấn công, xua đuổi nếu máy bay nước ngoài “vi phạm” ADIZ do Trung Quốc đặt ra.

Trung Quốc sẽ hối hận nếu cố ý thiết lập ADIZ ở Biển Đông

Thứ nhất: Việc lập ADIZ ở Biển Đông sẽ khiến các nước ASEAN xích lại gần nhau hơn, điều này là việc Trung Quôc không bao giờ mong muốn. Vì khi thiết lập ADIZ ở Biển Đông, tất cả các nước xung quanh khu vực đều bị ảnh hưởng lớn bởi hành động của Trung Quốc, đặc biệt là một số nước lớn trong khu vực, luôn có thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông như Malaysia và Indonesia.

Thứ hai: Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước có lợi ích ở Biển Đông sẽ “không để yên” cho Trung Quốc. Về mặt ngoại giao, các nước sẽ lên tiếng phản đối và không cộng nhận ADIZ do Trung Quốc lập. Trả lời phỏng vấn Washington Post, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work (30/3) tuyên bố Mỹ sẽ không chấp nhận Trung Quốc áp đặt ADIZ ở Biển Đông, cho rằng việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông “không có cơ sở luật pháp quốc tế, Mỹ sẽ đi qua bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc không tiếp tục thiết lập ADIZ ở các khu vực có tranh chấp chủ quyền; tuyên bố rằng Mỹ coi việc lập ADIZ chỉ làm khu vực trở nên bất ổn, tạo căng thẳng, làm cản trở tiến trình lưu thông trên các vùng không phận quốc tế; đồng thời cảnh báo “hành động này có thể dẫn tới những tính toán sai lầm và các đối đầu bất ngờ”. Hiện các cường quốc (Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia…), các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu… đều thể hiện quan ngại về vấn đề tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; kêu gọi Trung Quốc không có các hành động đơn phương khiến căng thẳng leo thang. Về mặt quân sự, hành động của Trung Quốc không những khiến căng thẳng trong khu vực sẽ tăng cao mà khả năng đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với các lực lượng của Mỹ có thể xảy ra. Tuy nhiên, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, từng nói rằng các trang thiết bị quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông như các sân bay, tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân YJ-62, có thể dễ dàng bị phá hủy bởi lực lượng quân sự tinh nhuệ của Mỹ với các khả năng tấn công chính xác. Do đó Trung Quốc đang tìm cách tránh đối đầu quân sự trực diện với Mỹ và thay vào đó sử dụng cuộc chiến tranh pháp lý, tâm lý và truyền thông để đạt được mục tiêu của mình là biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Về mặt kinh tế, không loại trừ khả năng các nước liên quan sẽ có các biện pháp đáp trả Trung Quốc bằng cách cấm vận hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Trung Quốc.

Thứ ba: Mỹ và một số nước đồng minh sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra, giám sát đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, bất chấp “đe dọa” từ Trung Quốc.

Thứ tư: Ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc. Sách trắng “Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc” (6/9/2011) cho rằng, Trung Quốc nhấn mạnh chủ trương thay đổi và phát triển trật tự quốc tế hiện nay bằng biện pháp hòa bình, phản đối giải quyết vấn đề bằng bạo lực và xung đột bạo lực, tích cực tham gia xây dựng các thể chế quốc tế, nâng cao khả năng đề xuất sáng kiến xây dựng thể chế quốc tế, chủ động đưa ra ý tưởng về trật tự thế giới trong tương lai, bao gồm trật tự an ninh quốc tế, thương mại quốc tế và tài chính tiền tệ, duy trì hiệu quả và thúc đẩy hơn nữa ý tưởng về thể chế hóa hòa bình quốc tế, thúc đẩy phát triển văn minh và dân chủ chính trị quốc tế; xây dựng tư duy quan điểm an ninh mới, trong đó nhấn mạnh an ninh và phát triển của Trung Quốc không thể tách rời hòa bình, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương; thực thi chiến lược đối ngoại trên quan điểm lợi ích mới, tránh định kiến chính trị, sai lệch chính trị; thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn minh, chế độ chính trị; chống áp đặt quan niệm giá trị và thể chế chính trị. Đặc biệt cần có tầm nhìn lâu dài và sâu rộng hơn về lợi ích quốc gia trong mối quan hệ với lợi ích của thế giới; xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, tham gia sâu vào các cơ chế kinh tế và chính trị quốc tế và việc giải quyết những vấn đề lớn của quốc tế. Việc tạo dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm sẽ giúp gạt bỏ những nghi ngờ của các nước về vai trò của Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh cũng như các vấn đề khu vực.

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp trong lãnh hải được thành lập dựa trên UNCLOS. Nếu Trung Quốc ngang nhiên lập ADIZ ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, an ninh và lợi ích của Việt Nam ở trong khu vực.

Để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia ở Biển Đông, Việt Nam cần tiếp tục nghiêm túc tuân thủ và hỗ trợ thực hiện các quy định, thủ tục của UNCLOS, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo cho đồng bào ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài hiểu được chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cần thông tin kịp thời, chính xác, cụ thể về âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông; tiếp tục đầu tư, nghiên cứu toàn diện về Biển Đông, phổ biến kiến thức về biển và Luật biển, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; tăng cường sức mạnh quân sự theo hướng tự vệ, đủ sức “ răn đe”, can thiệp khi đụng độ và hỗ trợ cho mặt trận chính trị, ngoại giao; đủ mạnh để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh bao vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới