Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCông cụ giúp TQ gia tăng sức ảnh hưởng trên thế giới

Công cụ giúp TQ gia tăng sức ảnh hưởng trên thế giới

Trong những năm gần đây, để trỗi dậy trở thành cường quốc trên thế giới, Trung Quốc đã dùng nhiều “công cụ” khác nhau để gia tăng ảnh hưởng đối với các nước trên thế giới, nhằm đạt được các mục đích chiến lược do ban lãnh đạo Trung Quốc đưa ra.

Sức mạnh kinh tế và viện trợ phát triển

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đứng thứ 2 thế giới về ngân sách quốc phòng với 177,49 tỷ USD năm 2019 (ít hơn nhiều so với Mỹ – 716,3 tỷ USD). Giờ đây Trung Quốc giữ một vai trò lớn tại Liên hợp quốc và là quốc gia đóng góp quân số hàng đầu cho hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới. Sau cùng, đồng nhân dân tệ đã gia nhập giỏ tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trung Quốc đã tích cực sử dụng sức mạnh tiền tệ của minh để viện trợ, cho vay ưu đãi thấp, hỗ trợ phát triển… cho các nước nghèo, các nước đang phát triển… nhằm tạo dựng lòng tin và uy tin với những nước này. Qua đó, Trung Quốc gây dựng ảnh hưởng, từng bước chi phối hệ thống chính trị, kinh tế của những nước trên.

Có nhiều đánh giá cho rằng Trung Quốc sắp vượt Mỹ trở thành nhà tài trợ hàng đầu thế giới về viện trợ phát triển. Một mặt, Mỹ đã giảm mạnh các khoản tài chính dành cho viện trợ quốc tế kể từ đầu những năm 2000. Thời kỳ của những dự án lớn về viện trợ phát triển, vốn diễn ra khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt thấy rõ tại châu Phi, đã từng bước suy giảm do những chi tiêu lớn dành cho an ninh và các cuộc chiến kể từ năm 2001, và sức mạnh tấn công về kinh tế của Mỹ đã suy giảm rất nhiều, cuộc khủng hoảng năm 2008 chỉ là bề nổi dễ thấy nhất. So với những năm 1990, Washington đã chứng kiến khả năng tài chính của mình suy giảm và lợi ích của nước này đối với lĩnh vực phát triển trên trường quốc tế cũng giảm theo. Vả lại, có lẽ chính ở điểm này chứ không phải ở cam kết chính trị, có thể đề cập tới một dạng thức của chủ nghĩa biệt lập, dù rằng điều đó vẫn đang được thiết lập. Mặt khác, năng lực tài chính của Trung Quốc đã tăng đáng kể tính từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có thời điểm tăng trưởng kinh tế và tài chính nước này tăng một cách thần kỳ, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Và vì sự tăng trưởng này đã được thực hiện qua sự kết nối chặt chẽ của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới, nên lãnh đạo Trung Quốc đã hoàn toàn hiểu sự cần thiết phải duy trì, ủng hộ sự phát triển phần còn lại của thế giới. Vậy nên, hiện nay Trung Quốc dành những khoản tiền rất lớn cho tất cả các khu vực trên thế giới, vả lại, viện trợ phát triển chỉ là một trong những khía cạnh, bởi vì nó kéo theo các khoản đầu tư trực tiếp được tăng mạnh, các khoản đầu tư tư nhân và nhiều sáng kiến đánh dấu sự hiện diện ngày càng tăng và thường được thể hiện qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đằng sau sáng kiến này, là một mối quan hệ mới của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, được đề xuất và điều này chỉ làm tăng thời kỳ quá độ về sức mạnh với Mỹ. Nếu như ta lấy ví dụ của châu Phi, sẽ thấy rằng Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi bắt đầu vào năm 2000 là một tấm gương phản chiếu việc Trung Quốc có thể mang lại viện trợ và đầu tư tại châu lục này, nơi mà Mỹ đã hiện diện từ 20 năm nay và đang rút lui.

Trên thực tế, viện trợ, vốn vay của Trung Quốc không hề giúp các nước phát triển hơn, mà chỉ khiến họ rơi vào khủng hoảng, thậm chí có nhiều nước rơi vào tình trạng lạm phát cao, nguy cơ vỡ nợ rất lớn. Tờ Thời báo tự do (Đài Loan, ngày 6/3), đưa tin, nhằm đấy mạnh triển khai cái gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) tại 68 quốc gia bao trùm khu vực châu Á, châu Phi và châu Âu, dự kiến Trung Quốc sẽ phải chi tới gần 8.000 tỷ USD. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của phía Mỹ, chiến lược này của Trung Quốc đã khiến 8 quốc gia bao gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mongolia, Montenegro, Pakistan, Tajikistan đứng bên bờ vực khủng hoảng tài chính. Không những vậy, khu vực Nam Thái Bình Dương đang là một trong những địa điệm ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Theo Viện nghiên cứu Lowy của Australia, trong thời gian từ năm 2006 đến 2016, Trung Quốc đã viện trợ cho các nước Nam Thái Bình Dương tổng cộng 17,8 tỷ USD và trở thành đối tác cung cấp viện trợ lớn thứ ba cho khu vực này, chỉ sau Australia và Mỹ. Cụ thể, Bắc Kinh đã cung cấp cho Tonga 172 triệu USD để hỗ trợ nước này xây dựng các công trình giao thông công cộng và trường học, hỗ trợ Papua New Guinea 632 triệu USD, Fiji 360 triệu USD, Vanuatu 243 triệu USD và đảo Cook 50 triệu USD. Ngược lại, nền kinh tế của các nước này cũng dần phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Đơn cử, số nợ của Tonga với Trung Quốc chiếm 64% tổng số nợ nước ngoài và chiếm tới 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sự viện trợ ồ ạt vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại Nam Thái Bình Dương mà không cần quan tâm đến nhu cầu sử dụng đang là một vấn đề đối với khu vực này. Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Australia, bà Concetta Fierrevanti-Wells mới đây đã chỉ trích việc làm này của Bắc Kinh, nêu rõ rằng các công trình không cần thiết đang “đầy rẫy” tại khu vực này. Tuyên bố của bà Wells chứa đựng hàm ý rằng Trung Quốc chỉ đang muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực chứ không thực tâm hỗ trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho rằng Thái Bình Dương giờ đây đang trở thành khu vực chiến lược tranh giành giữa các nước lớn. Do đó, New Zealand sẽ cùng với Australia buộc phải xem xét lại chiến lược và củng cố ảnh hưởng truyền thống tại đây. 

Sức mạnh mềm văn hóa

Từ xa xưa, trong không ít trường hợp, Trung Quốc đã vận dụng đạo lý “binh pháp không đánh mà khuất phục lòng người” thông qua sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách đối ngoại để quy phục thiên hạ. Ngày nay, Trung Quốc tiếp tục vận dụng đạo lý trên trong sự kết hợp với những gợi ý “thông minh” từ học thuyết “sức mạnh mềm” do học giả Mỹ Joseph S. Nye nêu lên vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Cái gọi là sức mạnh mềm theo ông chính là “khả năng hướng tới mục tiêu bằng sức hấp dẫn của mình chứ không phải bằng cách cưỡng ép trong các công việc quốc tế . Việc xem xét sức mạnh mềm của một quốc gia được căn cứ vào ba nguồn chính: Sức thu hút quốc tế của nguồn lực văn hóa, khả năng ảnh hưởng của chính sách ngoại giao và sự lan tỏa của giá trị chính trị văn hóa của quốc gia đó trên thế giới. Với thế mạnh văn hóa sẵn có của một nền văn minh lâu đời, Trung Quốc đã coi văn hóa là cửa ngõ để tiếp cận các nguồn lực khác. Sau khi đã gia tăng được “sức mạnh cứng”, cả trên bình diện kinh tế và quân sự, Trung Quốc đang dành mối quan tâm lớn hơn cho “sức mạnh mềm” của mình, đặc biệt là sức mạnh văn hóa với các nước láng giềng kề cận.

Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ 1991. Đối với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á là láng giềng gần, đồng thời cũng là khu vực có tầm quan trọng chiến lược trong mục tiêu gia tăng vị thế quốc tế của nước này. Nhưng mối quan hệ hai bên chỉ có những thay đổi đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Quốc gia đang lên này đang tỏ ra thực tế và linh hoạt hơn khi gia tăng sức mạnh mềm văn hóa thông qua nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác mang tính phi cưỡng chế tại khu vực Đông Nam Á. Trong khi Mỹ đang bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề nhân quyền, thiếu chú tâm và không có một chính sách nhất quán ở khu vực Đông Nam Á, thì Trung Quốc luôn nhấn mạnh mối quan hệ với ASEAN là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Như một phần của “thế công mê hoặc”, Trung Quốc đang biến văn hóa thành một thứ quyền lực khi gắn chặt nó với lợi ích kinh tế để định hình nên “hình ảnh Trung Quốc thân thiện”. “trách nhiệm” tại Đông Nam Á. Dựa vào sức mạnh của một cường quốc kinh tế mới nổi, lợi dụng tối đa xu hướng “toàn cầu hóa văn hóa” đang diễn ra, việc cung cấp cho ASEAN hàng loạt viện trợ kinh tế đã khiến cho các nước này giảm đi sự phụ thuộc quá sâu vào Hoa Kỳ và Nhật Bản. Kể từ thập niên 1990, thông qua các hình thức như viện trợ tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh, lao động, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, Trung Quốc đã gia tăng sức ảnh hưởng về văn hóa một cách tinh tế và toàn diện trên nhiều cấp độ. Sự gia tăng này sẽ nâng cao sức hấp dẫn về văn hóa, truyền bá sức mạnh mềm văn hóa, nhằm tranh thủ thúc đẩy nhận thức ủng hộ Trung Quốc trong các nước thành viên ASEAN. Mặc dù thiếu những con số thống kê chính thức (do viện trợ của Trung Quốc ở nhiều dạng khác nhau, kênh khác nhau), nhưng các nghiên cứu phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc đang trở thành nhà cung cấp viện trợ lớn ở Đông Nam á. Tại khu vực này, tổng số viện trợ của Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ. Thí dụ, năm Năm 2006, viện trợ của Trung Quốc cho Phillipines đã gấp 4 lần của Mỹ dành cho nước này, trong khi lượng viện trợ dành cho Lào của Trung Quốc cũng gấp 3 lần viện trợ của Mỹ. Trung Quốc đang được coi là “nhà bảo trợ kinh tế chính” của Campuchia, Lào và Myanma – ba quốc gia nhỏ nhưng quan trọng về mặt chiến lược. Ngoài ra, Trung Quốc  còn được coi là nhà cung cấp viện trợ lớn thứ hai cho Việt Nam sau Nhật Bản. Chẳng hạn, gần đây Trung Quốc đã cung cấp trên 10 triệu USD cho chính phủ Myanmar để tái thiết khu vực bị phá hủy bởi cơn bão Nargis vào năm 2008. Nếu Mỹ tiếp cận Đông Nam Á bằng cách chú trọng dân chủ và những mục tiêu lộ rõ tham vọng thúc đẩy các lợi ích an ninh của Mỹ, thì Trung Quốc  lại sử dụng chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ” đối với các nhà nước trong khu vực. Bằng cách đó, Trung Quốc cố gắng tạo dựng nên hình ảnh là đối tác đáng tin cậy đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, để từ đó gia tăng sức ảnh hưởng văn hóa vào khu vực. 

Một mạng lưới kinh tế toàn diện là một nguồn sức mạnh tạo đà cho sự lan tỏa của văn hóa Trung Quốc vì cốt lõi của quan hệ Trung Quốc-ASEAN chủ yếu dựa trên thương mại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh, văn hóa Trung Hoa không chỉ thuộc về riêng Trung Quốc, mà còn thuộc về thế giới. Dựa vào sự khâm phục Trung Quốc đối sức hấp dẫn của nền văn hóa cổ xưa nơi sinh ra các “giá trị châu Á” điển hình; dựa vào sức mạnh vô hình từ các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã giành được nhiều món lợi kinh tế và tạo đà cho sự tràn vào của làn sóng văn hóa thông qua xuất khẩu các sản phẩm văn hóa và bành trướng truyền thông thương mại tới các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc đã phát huy lợi thế từ nền văn hóa giàu sức hấp dẫn để đầu tư kinh doanh. Việc đầu tư này vừa bảo đảm những lợi ích kinh tế vừa gia tăng được sức ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Ngoài kinh doanh và đầu tư, việc thúc đẩy ngành du lịch còn là một kênh khác để củng cố sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc tại khu vực. Đối với Trung Quốc, sự chủ động tích cực trong hợp tác du lịch dường như không chỉ tạo nên tình huống hai bên cùng có lợi mà điều quan trọng hơn là sự gia tăng sức hấp dẫn của nước này ngày càng được khẳng định.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Trung Hoa. Làn sóng văn hóa Trung Quốc gia tăng tỷ lệ thuận theo tốc độ mở rộng phạm vi phủ sóng các chương trình truyền thanh, truyền hình cũng như thời lượng phát sóng ra phạm vi toàn thế giới. Hiện nay, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio International) đang tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng Anh lên 24 giờ một ngày.

Bên cạnh những thành công với bước đi thận trọng, thực tế gia tăng sức ảnh hưởng văn hóa tại Đông Nam Á của Trung Quốc cũng còn tồn tại những vấn đề. Cụ thể là: Một số hạn chế trong hình thức truyền bá tiếng Hán và văn hóa Hán của Học viện Khổng Tử đang tác động xấu tới chiến lược gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc ở Đông Nam Á; Một số vấn đề do lịch sử để lại, những vấn đề nhạy cảm về lãnh thổ, sự lấn át về sức mạnh kinh tế, thực trạng lan tràn hàng giả, các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc khiến ở một số nước Đông Nam Á vẫn còn dè chừng trong việc tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Những tồn tại trên đang trở thành thách thức buộc Đảng và Chính phủ Trung Quốc phải giải quyết, song về cơ bản chúng ta khó phủ nhận được thực tế, hiện nay ảnh hưởng của văn hóa Hán tại Đông Nam Á đang ngày càng gia tăng.

Sự quan ngại của cộng đồng quốc tế

Mới đây, Viện Hoover tại Sunnylands, California và Đại học George Washington công bố báo cáo “Ảnh hưởng của Trung Quốc và các lợi ích của Mỹ: Gia tăng sự cảnh giác trên tinh thần xây dựng”, nghiên cứu về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ. Báo cáo cũng chỉ ra rằng các hoạt động nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ cũng xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau tại các quốc gia khác. Tài liệu bao gồm các tóm tắt kinh nghiệm của 8 nước, bao gồm: Singapore, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức và Anh.

Tại Mỹ, nhờ vào làn sóng các nguồn vốn đổ vào nhiều lĩnh vực, từ các tổ chức giáo dục, chính trị tới các tổ chức cộng đồng của người Mỹ gốc Trung Quốc và truyền thông, Trung Quốc đã tìm cách khai thác sự cởi mở của xã hội dân chủ Mỹ để “thách thức, và đôi khi là làm suy yếu luật pháp, các quy tắc và các giá trị tự do cơ bản của Mỹ”. Theo báo cáo, mục tiêu chính của Bắc Kinh là dập tắt sự chỉ trích đối với Trung Quốc và sự ủng hộ đối với Đài Loan, điều mà Bắc Kinh xem là trái phép. Báo cáo nhận thấy rằng ngoại giao công chúng thông thường, như các chương trình viếng thăm, các trao đổi văn hóa – giáo dục, các chương trình lồng ghép truyền thông và vận động hành lang chính phủ cũng là những phương pháp được các chính phủ khác sử dụng để thúc đẩy quyền lực mềm. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc, xét về chiều rộng và chiều sâu của các khoản đầu tư tài chính, và cường độ, đã gây ngờ vực hơn nhiều, bởi Trung Quốc đang can thiệp mạnh mẽ và sâu rộng vào nhiều lĩnh vực hơn so với Nga, báo cáo viết.

Theo báo cáo, hầu hết các hoạt động bề ngoài dường như “vô tư” đó đều được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Nhiều tổ chức, trong đó có xã hội dân sự Trung Quốc, các viện, tập đoàn và thậm chí các tổ chức tôn giáo, đều có liên quan chặt chẽ tới chính phủ và thường bị gây sức ép để thúc đẩy các lợi ích của quốc gia. Các cơ quan chính chịu trách nhiệm về các hoạt động gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài bao gồm Ban mặt trận thống nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban tuyên truyền trung ương, Ban quan hệ quốc tế, Văn phòng thông tin Quốc vụ viện, Liên đoàn toàn Trung Quốc của người Trung Quốc ở nước ngoài và Hội hữu nghị nhân dân Trung Quốc với nước ngoài. Các cơ quan trên và các tổ chức khác được hỗ trợ bởi các cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao, Văn phòng ngoại kiều Trung Quốc, mà hồi tháng 3 năm nay đã sáp nhập với Ban mặt trận thống nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại Trung Quốc, tất cả các tổ chức tham gia vào việc kết nối với cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài đều do một thành viên cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.

Báo cáo cũng kiến nghị rằng các thực thể Mỹ nên xem xét kỹ nguồn tiền và quyền lực, nghiên cứu kỹ càng xem ai đứng sau hoặc cho phép các hành động của các thực thể Trung Quốc. Vì phần lớn các nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tới dư luận Mỹ xảy ra ở cấp độ địa phương, và vì truyền thông địa phương, các trường đại học, công ty và các tổ chức hỗ trợ thường liên quan tới những nỗ lực này, dù biết hay không biết, các lãnh đạo địa phương, cũng giống như các lãnh đạo quốc gia,cần hiểu các mục tiêu và chiến lược của Trung Quốc. Ngoài ra, Báo cáo cũng cho rằng, trong số cộng đồng người Mỹ gốc Trung Quốc, Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách gây ảnh hưởng và thậm chí ngăn chặn những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc hoặc ủng hộ Đài Loan bằng cách cử các quan chức tới Mỹ để gây sức ép đối với các cá nhân này, trong khi cũng gây sức ép đối với những người thân của họ tại Trung Quốc. Do bản chất không đối xứng trong các trao đổi Mỹ-Trung, báo cáo đề xuất rằng các cơ quan chính phủ và liên bang Mỹ cần tiếp duy trì sự qua lại lẫn nhau. Ví dụ, trích dẫn sự không đối xứng nghiêm trọng trong trao đổi học giả Mỹ-Trung, báo cáo đề xuất rằng các học giả Trung Quốc tại Mỹ nên chịu các biện pháp hạn chế chặt chẽ tương tự – hoặc thậm chí bị từ chối visa – giống người Mỹ tại Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới