Ngày 23/4/2019, Trung Quốc chính thức tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Hải quân nước này, trong đó có lễ duyệt binh hải quân quốc tế quy mô lớn.
Trong biên đội tàu chiến quốc tế tham gia lễ duyệt binh, có nhiều chiến hạm thuộc dạng hàng khủng của hải quân các nước.
Biên đội tàu Hải quân Nga
Nga là quốc gia đầu tiên xác nhận tham gia lễ duyệt binh đồng thời cũng là nước cử đoàn chiến hạm hùng hậu với biên đội 4 tàu do Khinh hạm Đô đốc Gorshkov dẫn đầu tới Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh.
Khinh hạm Đô đốc Gorshkov được hạ thủy từ năm 2010, tàu được đặt theo tên của Sergei Gorshkov, Tư lệnh hải quân Liên Xô trước kia.
Tàu có chiều dài khoảng 140m, rộng 16m và lượng giãn nước toàn tải khoảng 5.400 tấn, được trang bị 4 động cơ turbin, tàu có thể đạt vận tốc tối đa 50km/h và tầm hoạt động 6000km, được thiết kế để đảm nhận nhiều nhiệm vụ như tấn công tầm xa, săn ngầm và phòng không, nâng cao năng lực tác chiến biển xa của hải quân Nga trong thế kỷ 21.
Tàu được trang bị các ống phóng thẳng đứng, có thể khai hỏa được tên lửa hành trình Oniks, tên lửa hành trình Kalibr và Calibre, cũng như tên lửa đánh chặn đối không Poliment-Redut và thậm chí là cả tên lửa BrahMos.
Khinh hạm Đô đốc Gorshkov còn mang 32 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa đối không tầm trung 9M96, hai tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Palash, 8 ống phóng ngư lôi cùng pháo hạm A-192 cỡ nòng 130 mm.
Ngoài ra, tàu được trang bị hệ thống chống ngầm Medvedka-2, hệ thống phòng không tầm trung Hurricane và ống phóng ngư lôi 21 inch.
Ngoài ra, Nga con đưa tới Trung Quốc 3 tàu khác gồm: tàu kéo cứu hộ Nikolai Chiker, tàu hỗ trợ kỹ thuật đa năng Elbrus và tàu chở dầu Kama.
Hải quân Ấn Độ
Hải quân Ấn Độ đã cử đến Trung Quốc khu trục hạm tàng hình có trang bị tên lửa dẫn đường INS Kolkata.
Đây là tàu khu trục mạnh nhất hiện nay của hải quân Ấn Độ, do hải quân Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo từ năm 2003, chính thức biên chế tháng 8/2014 tại quân cảng Mumba.
Tàu có lượng giãn nước lên tới 7.500 tấn, dài 163m, dự trữ hành trình 15.000km, tốc độ hành trình 30 hải lý/h, thủy thủ đoàn 250 người.
Tàu được trang bị hệ thống cảm biến tiên tiến của Israel và Pháp cũng như một phần của Ấn Độ. Điển hình là đài radar mạng pha EL/M-2248 MF-STAR có tầm trinh sát phát hiện máy bay ở cự ly 250km, tên lửa hành trình đến 25km, tàu hộ vệ nhỏ tới 250km và tàu hộ vệ lớn đến 450km. Hiệu suất của đài EL/M-2248 được đánh giá tương đương với radar AN/SPY-1 của hệ thống AEGIS.
Về vũ khí, tàu được trang bị 32 tên lửa phòng không tầm xa Barak 8 (từ 500m tới 90km); 16 tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos (tầm phóng 300km); ngư lôi 324mm; bệ phóng bom chống ngầm và các loại pháo hạm.
Ngoài ra, Ấn Độ còn đưa tới Trung Quốc tàu tiếp nhiên liệu INS Shakti. Đây là chiếc tàu do Italia sản xuất, có thể cùng một lúc tiếp nhiên liệu cho bốn tàu chiến, với tốc độ 1.300 tấn/giờ. Tàu được trang bị 4 khẩu pháo AK 630 cỡ nòng 30 mm, tầm hoạt động 10.000 hải lý với vận tốc 16 hải lý/giờ.
Phát biểu về lý do đưa tàu tới Trung Quốc, Aditya Hara, thuyền trưởng của tàu INS Kolkata cho biết: “Chúng tôi mang đến đây một trong những tàu quân sự lợi hại nhất mà chúng tôi từng chế tạo. Nó là niềm tự hào của đất nước, của lực lượng hải quân Ấn Độ và chúng tôi rất vui khi có mặt tại đây”.
Hải quân Nhật Bản
Nhật Bản mang tới lễ duyệt binh hải quân Trung Quốc tàu khu trục Suzutsuki DD-117 trực thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF).
Đây là một tàu khu trục phòng không của MSDF, được trang bị hệ thống radar FCS-3A và hệ thống phóng thẳng đứng MK-41 với 32 ống phóng. Tàu có khả năng thực hiện các đòn yểm trợ phòng không cho biên đội tàu chiến của lực lượng MSDF.
Hải quân Philippines
Hải quân Philippines mang tới Trung Quốc tàu đổ bộ BRP Tarlac (LD-601) có khả năng chuyên chở 500 binh sĩ cùng xe bọc thép, 2-4 tàu đổ bộ LCU hoặc tàu tấn công cao tốc RHIB và 2 trực thăng AW109 Power.
BRP Tarlac có lượng giãn nước toàn tải 11.583 tấn, dài 123m, rộng 21,8m, mớn nước 6m.
BRP Tarlac được trang bị hệ thống động lực kết hợp diesel gồm hai động cơ diesel MAN 9L28/32A sản sinh 3.000 mã lực/chiếc cho tốc độ 30km/h, tầm hoạt động 17.300km, dự trữ hành trình 30 ngày.
Ngoài ra, tàu đổ bộ BRP Tarlac được trang bị pháo hạm 76mm cùng hai bệ pháo 25mm và có thể bổ sung thêm một cơ số súng máy 12,7mm.
Đặc biệt, nó có khả năng chuyên chở và phục vụ cất hạ cánh cho hai trực thăng hạng trung cỡ 10 tấn.
Ngoài, lực lượng hải quân hùng hậu của các quốc gia Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, các quốc gia khác trong và ngoài khu vực cũng cử nhiều tàu chiến hiện đại tới tham dự lễ duyệt binh của hải quân Trung Quốc bao gồm: tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường HMAS Melbourne của Australia; tàu hộ vệ Gyeonggi (FFG-812) của Hàn Quốc và tàu chiến của các nước Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia, Bangladesh, Brunei…