Ngày 17/4, tờ National Interest đăng bài “Các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông đang phải đối mặt với nhiều vấn đề” của giáo sư thỉnh giảng Robert Farley thuộc Đại học chiến tranh Mỹ. Bài viết đặt ra câu hỏi “Liệu Trung Quốc có thể bảo vệ được các căn cứ quân sự của mình trên Biển Đông hay không?”
Theo tác giả bài viết, các đảo của Trung Quốc đã chiếm đóng phi lý ở khu vực Biển Đông chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị hơn là về mặt quân sự đối với việc yêu sách các tuyến đường trên biển và tài nguyên dưới đáy biển.
Về mặt quân sự, các đảo này chỉ có lớp vỏ “mong manh” thể hiện sự tồn tại của hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc. Trong một số trường hợp nhất định thì chúng có thể gây trở ngại cho tự do hàng hải, hàng không của Mỹ, nhưng lực lượng không quân và hải quân Mỹ vẫn có thể tấn công khu vực này.
Tác giả phân tích, Trung Quốc đã thiết lập được số lượng lớn các căn cứ quân sự ở Biển Đông, chủ yếu là ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ở Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng được các sân bay phù hợp với xây dựng các cơ sở hạ tầng cho việc phóng tên lửa, hệ thống ra đa, trực thăng. Tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã thiết lập các căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm cũng như trang bị hệ thống ra đa, và các trang thiết bị cho trực thăng tại các đảo khác. Ở các căn cứ quân sự lớn như tại đá Su-bi, Vành Khăn, Chữ Thập và Phú Lâm, Trung Quốc cũng đã lắp đặt thiết bị cần thiết để quản lý hệ thống các loại máy bay chiến đấu và mở rộng khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng, cải tạo tại các căn cứ trong khu vực này, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện quân sự của mình ở đây trong tương lai.
Tên lửa: một vài đảo của Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) và hệ thống tên lửa mặt đất (GLCMs). Các hệ thống này đã làm cho Biển Đông tiềm ẩn các mối nguy hiểm đối với tàu thuyền và máy bay khi đi qua Biển Đông. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu các hệ thống tên lửa này sẽ tồn tại thế nào nếu xảy ra một cuộc xung đột thực sự? Các hệ thống tên lửa được lắp đặt trên mặt đất có thể tồn tại được do được giấu ở khu vực đồi núi, rừng rậm nhưng trên các đảo thì không có bất cứ địa hình tự nhiên nào có thể giấu hệ thống tên lửa này, nên không thể chịu nổi một vài cuộc tấn công nếu chiến tranh xảy ra. Ngoài ra, để vận hành được hệ thống tên lửa này cũng cần có hệ thống điều khiển hiện đại, đồng bộ đủ lớn để cung cấp nhiên liệu, năng lược đạn dược. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc vẫn chưa thể đáp ứng được nếu xảy ra chiến tranh.
Sân bay: Hiện nay, có 4 căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông có các cơ sở hạ tầng mở rộng cho hoạt động của máy bay quân sự bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra, máy bay không người lái và máy bay cảnh báo sớm tiên tiến. Trong chiến tranh, tính bền vững của các sân bay này phụ thuộc vào các nguyên vật liệu và trang thiết bị để sửa chữa sau khi bị tấn công. Đây cũng là một câu hỏi khác vì các đảo ở khu vực Biển Đông có vẻ không có khả năng này nếu xảy các cuộc tấn công bằng bom và tên lửa của Mỹ.
Hệ thống Ra-đa: có vai trò quan trọng nhất đối với sự hoạt động quân đội của Trung Quốc trên Biển Đông. Hệ thống tên lửa đất đối không, hệ thống tên lửa mặt đất và các máy bay chiến đấu có thể phát huy hiệu quả hay không là phụ thuộc vào sự chính xác của các dữ liệu đưa ra. Mặc dù, các hệ thống ra đa này dễ bị tấn công bởi sự tấn công từ nước khác như Mỹ nhưng chúng giúp cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về cuộc chiến trên không và giúp tăng khả năng sát thương mạng lưới phòng thủ của Trung Quốc. Ngoài ra, hệ thống ra đa này có chi phí thấp nhưng cũng góp phần gây khó khăn đối với quân đội Mỹ khi thâm nhập vào khu vực này.
Hậu cần: tất cả khả năng quân sự của các đảo mà Trung Quốc thiết lập đều phụ thuộc vào mối liên hệ với đất liền. Phần lớn các đảo mà Trung Quốc xây dựng lại không có khả năng là cứ điểm hậu cần mở rộng hoặc bảo vệ cho những cứ điểm hậu cần này an toàn trong chiến tranh.
Tàu thuyền và Pháo đài: Như Lord Horatio Nelson đã từng châm biếm “mỗi con tàu là một kẻ ngốc khi chiến đấu với một pháo đài”. Tuy nhiên, có những tình huống mà tàu vẫn có lợi thế lớn hơn pháo đài. Các hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông là cố định và không đủ lớn để che giấu việc bố trí trang thiết bị quân sự. Mỹ có thể dễ dàng lập bản đồ tỉ mỉ các cơ sở quân sự trên mỗi hòn đảo có thể theo dõi việc vận chuyển bằng tàu thuyền các trang bị quân sự lên các đảo này. Điều này khiến cho các đảo này dễ bị tàu thuyền, tàu ngầm và máy bay tấn công, vì tên lửa sẽ không yêu cầu dữ liệu nhắm mục tiêu theo thời gian thực.