Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga cấp hộ chiếu cho miền đông Ukraine, leo thang căng thẳng...

Nga cấp hộ chiếu cho miền đông Ukraine, leo thang căng thẳng với Kiev

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư (24/4) đã ký lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu Nga cho người dân sống tại đông Ukraine, khu vực đang bị lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát. Động thái này của Moscow đã buộc Kiev phải kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng thêm chế tài lên Nga.

Động thái mới nhất của Điện Kremlin là bài thử sớm cho tổng thống tân cử Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ông Zelenskiy vừa chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine hôm Chủ Nhật (21/4) và đã cam kết tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại khu vực miền đông.

Theo Reuters, ông Zelenskiy đã nói hành động của ông Putin cho thấy Nga đang tiến hành chiến tranh ở Ukraine và khiến cho hai bên mâu thuẫn không tiến được đến gần hòa bình. Tổng thống tân cử đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy răn đe Nga bằng việc áp đặt thêm các chế tài. Trong khi đó, Tổng thống sắp mãn nhiệm Petro Poroshenko đã nói rằng Nga có thể đang cố gắng sáp nhập khu vực Donbass.

Reuters dẫn theo nguồn tin gần gũi với chính quyền ly khai tại đông Ukraine cho biết trong nhiều tháng qua Nga đã có kế hoạch đơn giản hóa việc cấp hộ chiếu Nga cho công dân tại Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine. Nếu những kế hoạch này đã được thông báo trước bầu cử Ukraine, nó có thể thúc đẩy cơ hội chiến thắng cho ông Poroshenko, người mà Moscow rất không muốn sẽ tái đắc cử.

Phát biểu khi ký lệnh hôm 24/4, ông Putin nói: “Chúng tôi không muốn tạo ra các vấn đề cho lãnh đạo mới của Ukraine, nhưng để chịu đựng tình huống mà người dân sống trong lãnh thổ cộng hòa Donetsk và Luhansk thường bị tước bỏ mọi quyền dân sự, thì đó là điều đã vượt qua giới hạn theo quan điểm nhân quyền.”

Lãnh thổ Donetsk và Luhansk hiện nay thực tế đang nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng phiến quân do Nga hậu thuẫn. Ukraine nói rằng họ quyết tâm sẽ tái khẳng định quyền kiểm soát của nhà nước trung ương, một lập trường nhận được sự ủng hộ của phần lớn các nước phương Tây.

Ngoài việc lên án Nga, giới chức Ukraine đã kêu gọi công dân nước này không nộp đơn xin cấp hộ chiếu Nga và cũng thông tin với Liên Hiệp Quốc về động thái mới nhất của Moscow.

Văn phòng của ông Zelenskiy nói rằng ưu tiên của tổng thống tân cử là đạt được hòa bình, nhưng ông cũng đã gọi những hành động của Nga là “một bằng chứng khác xác nhận với cộng đồng quốc tế về vai trò thực sự của Nga là một nhà nước xâm lược đang thực hiện chiến tranh chống lại Ukraine.”

Người đứng đầu hội đồng an ninh của Tổng thống Poroshenko nói rằng động thái của Nga có mục đích sẽ cung cấp cho Moscow vỏ bọc hợp pháp để triển khai quân đội đến miền đông Ukraine với lý do bảo vệ các công dân Nga.

Ông Poroshenko, vẫn đang là tổng thống Ukraine tới khi ông Zelenskiy chính thức nhậm chức vào tháng tới, đã nói: “Đó thực sự là sự chuẩn bị của Kremlin cho bước xâm lược tiếp theo chống lại nhà nước của chúng ta – sáp nhập Donbass của Ukraine hoặc thành lập một vùng đất Nga tại Ukraine.”

Ông Poroshenko kêu gọi các đồng minh của Ukraine “hãy ngăn chặn kịch bản tồi tệ này, hãy cực lực lên án những hành động phá hoại và tội phạm của các nhà chức trách Nga và hãy tăng cường chế độ trừng phạt quốc tế.”

Cùng ngày 24/4, Mỹ đã lên án việc ông Putin ký lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu Nga cho công dân tại miền đông Ukraine.

Trong một tuyên bố phát đi hôm 24/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Nga, thông qua hành động rất khiêu khích này, đang tăng cường tấn công vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

 Mối quan hệ giữa Ukraine và Nga đã tụt dốc sau khi các cuộc biểu tình lớn tại Kiev năm 2014 đã buộc một tổng thống Ukraine thân Nga phải bỏ trốn lưu vong.

Một tháng sau sự kiện đó, vào tháng 3/2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, kích hoạt các chế tài phương Tây nhắm vào Moscow.

Sau đó, các cuộc nổi loạn chống chính phủ Ukraine đã nổ ra tại các khu vực tự trị Donetsk và Luhansk. Reuters khẳng định họ có bằng chứng cho thấy Nga đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho lực lượng ly khai này, mặc dù các quan chức Điện Kremlin vẫn luôn phủ nhận việc họ ủng hộ vật chất cho phiến quân miền đông Ukraine.

Theo Reuters, 5 năm nội chiến giữa quân đội Ukraine và các lực lượng do Nga hậu thuẫn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 13.000 người. Hai bên đã ký hiệp định ngừng bắn năm 2015, nhưng thỏa thuận này đã không được tuân thủ.

Sau bầu cử tại Ukraine hôm 21/4, cả Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Nga đều đang theo dõi chặt chẽ các tuyên bố chính sách đối ngoại của tổng thống tân cử Zelenskiy để xem liệu ông có cố gắng kết thúc cuộc xung đột này hay không và thực hiện bằng cách nào.

Ngay sau chiến thắng của ông Zelenskiy, Điện Kremlin đã nói rằng hiện còn sớm để nói về việc ông Putin chúc mừng ông Zelenskiy hoặc khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ làm việc với nhau.

Ông Zelenskiy đã từng cam kết vẫn duy trì Ukraine theo lộ trình thân phương Tây, nhưng so với người tiền nhiệm Poroshenko, thì ông Zelenskiy ít đề cập tới các kế hoạch tiềm năng của việc đất nước 42 triệu dân này một ngày nào đó sẽ gia nhập EU hoặc NATO.

RELATED ARTICLES

Tin mới