Bộ Ngoại giao Nhật Bản (23/4) đã công bố Sách xanh Ngoại giao năm 2019, đề cập nhiều vấn đề trong chính sách đối ngoại của Tokyo.
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2019
Với Mỹ, Sách xanh của Nhật Bản khẳng định quan hệ đồng minh giữa hai nước “mạnh mẽ hơn” trong bối cảnh Thủ tướng S.Abe và Tổng thống D.Trump thường xuyên có các cuộc đối thoại. Với Nga, Sách xanh khẳng định Tokyo và Moscow đang làm việc tích cực, hướng tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đồng thời không đề cập rõ ràng tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo hiện do Nga quản lý. Với Trung Quốc, Sách xanh cũng cho rằng quan hệ vốn thường xuyên căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông và sự khác biệt trong quan điểm về các vấn đề lịch sử đã được cải thiện hơn so với các năm trước, đồng thời có nhiều tiềm năng để phát triển. Với Hàn Quốc, Sách xanh nhấn mạnh, quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc đang trong “trạng thái cực kỳ khó khăn” do hai bên còn nhiều bất đồng, gồm cả vấn đề bồi thường người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn 1910-1945. Với Triều Tiên, Nhật Bản sử dụng cách diễn đạt ít chỉ trích hơn so báo cáo năm 2018, bỏ đoạn đề cập “gây sức ép tối đa” với Triều Tiên, tuy nhiên vẫn khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các bên, trong đó có Mỹ, nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản một số năm gần đây
Năm 2011, Chính phủ Nhật Bản ngày (1/4/2011) đã công bố Sách xanh Ngoại giao năm 2011. Trong lời mở đầu của cuốn sách, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto đã đề cập tới thảm họa động đất và sóng thần ở vùng Đông Bắc, coi đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ II. Ông cam kết ngành ngoại giao sẽ nỗ lực hết sức để giúp Nhật Bản vượt qua giai đoạn khó khăn và hồi sinh. Sách xanh khẳng định cần xây dựng một khuôn khổ an ninh vững chắc để đảm bảo hòa bình và an ninh của Nhật Bản, đồng thời kêu gọi tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Sách xanh cho rằng những nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ sẽ là một trụ cột trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Sách xanh cho biết hai nước có kế hoạch “ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đồng minh trong thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Naoto Kan sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2011. Trong vấn đề di chuyển căn cứ quân sự của Mỹ, Sách xanh cho biết “sẽ giải thích một cách chân thành với người dân Okinawa để nhận được sự đồng tình” trong kế hoạch này. Đề cập đến môi trường an ninh ở Đông Á, Sách xanh nhận định tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn bất ổn và diễn biến phức tạp kể từ sau vụ chìm tàu chiến của Hàn Quốc hồi tháng 3/2010 và vụ đấu pháo tháng 11/2010. Đề cập tới quan hệ với Trung Quốc sau vụ va chạm trên biển Hoa Đông hồi tháng 9/2010, Sách xanh ngoại giao Nhật Bản cho rằng “hai nước đang trên đường cải thiện quan hệ”, và cho biết “nhiệm vụ sắp tới là nỗ lực cải thiện tình cảm của người dân hai nước” để vượt qua các bất đồng. Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga, Sách xanh bày tỏ “lấy làm tiếc” khi đề cập chuyến thăm tháng 11/2010 của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến một đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp giữa hai nước, và khẳng định Nhật Bản không thay đổi chính sách trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và ký kết hiệp định hòa bình với Nga. Đáng chú ý Sách xanh Ngoại giao năm 2011 của Nhật Bản đề cập tới vấn đề chủ quyền của Nhật Bản tại hòn đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo. Sách xanh cũng cho biết, đồng thời với việc khẳng định chủ quyền tại Takeshima/Dokdo một cách công khai với cộng đồng quốc tế, Nhật Bản sẽ liên tục đề cập vấn đề này với phía Hàn Quốc. Chính phủ Nhật Bản hy vọng có thể giải quyết tranh chấp theo hướng đối thoại, hòa bình và nỗ lực thúc tiến các hoạt động ngoại giao tích cực. Trong Sách xanh Ngoại giao năm 2011, Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định nước này đang tích cực đối phó với các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố. Sách xanh cho biết Nhật Bản tiếp tục tăng cường chính sách ngoại giao kinh tế thông qua thúc đẩy xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc, xây dựng cơ sở hạ tầng và ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước khác.
Năm 2015, Chính phủ Nhật Bản (7/4/2015) công bố Sách Xanh ngoại giao, trong đó giới thiệu một phần các nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản trong kỷ nguyên hậu chiến, trong đó khẳng định việc Nhật Bản xây dựng xã hội dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của con người và thượng tôn luật pháp, đã trở thành một hình mẫu cho các nước châu Á. Các chuyên gia cho rằng việc Nhật Bản sử dụng cách diễn đạt “hối lỗi sâu sắc” trong Sách Xanh ngoại giao nhằm thể hiện cho thế giới thấy chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẵn sàng đối diện với lịch sử, trong bối cảnh các nước láng giềng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, gây sức ép đòi Nhật Bản phải thành thực hơn nữa về hành động xâm lược trong thời kỳ chiến tranh. Khác với năm trước, Sách Xanh năm nay đã xóa đoạn tuyên bố rằng Nhật Bản và Hàn Quốc “chia sẻ những giá trị cơ bản như tự do, dân chủ và tôn trọng quyền cơ bản của con người”. Động thái này có thể sẽ gây phản ứng từ phía Hàn Quốc, liên quan đến những căng thẳng gia tăng giữa Tokyo và Seoul xung quanh vụ phóng viên tờ Sankei đang bị xét xử với cáo buộc phỉ báng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Nhật Bản coi Hàn Quốc là quốc gia láng giềng quan trọng nhất và việc dùng cụm từ “quốc gia láng giềng quan trọng nhất” vẫn không thay đổi, và Tokyo sẽ xây dựng quan hệ song phương hướng tới tương lai. Trong khi tái khẳng định quan điểm của Nhật Bản rằng quần đảo Takeshima/Dokdo là lãnh thổ Nhật Bản dựa trên thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương năm 2015, đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 bình thường hóa quan hệ đối ngoại. Liên quan đến Triều Tiên, Nhật Bản thúc giục Bình Nhưỡng nhanh chóng điều tra các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản hồi thế kỷ trước và thông báo cho Tokyo về kết quả của cuộc điều tra toàn diện mới nhất mà Bình Nhưỡng đang tiến hành về số phận tất cả các công dân Nhật Bản ở nước này, bao gồm cả các công dân bị bắt cóc. Vấn đề bắt cóc hiện vẫn là điểm khúc mắc giữa Nhật Bản và Triều Tiên để tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Về quan hệ với Trung Quốc, báo cáo nêu rõ Nhật Bản và Trung Quốc là các nước láng giềng có quan hệ mật thiết vì phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, song cũng khẳng định Nhật Bản quyết tâm bảo vệ lãnh thổ cũng như lãnh hải và không phận nước này. Đối với Mỹ, văn bản ngoại giao này tái khẳng định liên minh Nhật – Mỹ là “trụ cột của ngoại giao và an ninh của Nhật Bản” và khẳng định hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ giải quyết các vấn đề trong khu vực trong bối cảnh Mỹ đang tái cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo trên cũng đề cập cam kết của Nhật Bản đối phó với chủ nghĩa khủng bố sau vụ nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc và sát hại các con tin Nhật Bản hồi đầu năm 2015.
Năm 2016, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (15/4/2016) đã trình “Sách Xanh Ngoại giao năm 2016” lên Nội các nước này, trong đó có nội dung bày tỏ quan ngại về tốc độ quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh xây dựng các tiền đồn và chủ trương sử dụng quân đội trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Sách Xanh Ngoại giao năm 2016 nêu rõ Nhật Bản phải “phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải và hòa bình” trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông. Nhật Bản cũng “vô cùng quan ngại” về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông trong bối cảnh nước này đang tìm kiếm sự an toàn cho tuyến đường biển, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông do phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn năng lượng qua đường biển. Về vấn đề Biển Hoa Đông, Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản nhắc lại rằng nước này quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, đồng thời chỉ trích tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Tuy nhiên, văn bản này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại với Trung Quốc, cho rằng mối quan hệ với Bắc Kinh là “một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất”. Về vấn đề Hàn Quốc, Sách Xanh nêu rõ mối quan hệ với Seoul sẽ tiến tới một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ “theo định hướng tương lai” sau khi hai nước ký thỏa thuận song phương năm 2015 nhằm giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho quân đội Nhật trong thời chiến. Tuy nhiên, Nhật Bản duy trì lập trường cho rằng quần đảo đang tranh chấp với Hàn Quốc Takeshima/Dokdo là phần lãnh thổ của Nhật Bản “dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế”. Về chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Sách Xanh của Nhật Bản nêu rõ đây là một “mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng” đến sự an toàn của Nhật Bản và làm tổn hại đến hòa bình và an ninh của Đông Bắc Á, cũng như của cả cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Tokyo sẽ “hối thúc mạnh mẽ nước này thực hiện các biện pháp cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa”. Bên cạnh đó, Sách Xanh đề cập đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nga, cho rằng Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe mong muốn thúc đẩy các cuộc thương lượng nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm nay về 4 hòn đảo ngoài khơi đảo Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản, mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril.
Năm 2017, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida (25/4/2017) công bố Sách Xanh, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc và mối quan hệ Nhật Bản – Mỹ hiện “đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết”, đặc biệt khi hoạt động phát triển hạt nhân tại Triều Tiên ngày càng diễn biến phức tạp, tạo ra những nguy cơ mới. Tokyo cũng lưu ý Seoul về việc thực thi thỏa thuận năm 2015 giữa hai quốc gia về việc giải quyết vấn đề liên quan tới việc các phụ nữ Hàn Quốc bị ép phục vụ binh lính Nhật Bản thời chiến tranh. Theo Sách Xanh, việc Hàn Quốc tiếp tục cho dựng một bức tượng tưởng niệm những người phụ nữ này ngay bên ngoài tòa lãnh sự Nhật Bản tại Busan, miền Nam Hàn Quốc, sau khi một bức tượng khác được lập lên ngay trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul là một việc làm “đáng tiếc” và đi ngược với thỏa thuận giữa hai bên. Việc làm này khiến Nhật Bản quyết định rút đại sứ tại Hàn Quốc về nước trong vòng 3 tháng kể từ tháng 1/2017 để bày tỏ sự phản đối. Cũng tại thời điểm này, khi cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp diễn ra, một số ứng cử viên cũng kêu gọi xem xét lại thỏa thuận vốn đã đạt được dưới thời Tổng thống bị phế truất Park Geun Hye. Liên quan tới nhóm đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo, Nhật Bản tuyên bố “không chấp nhận” việc các nghị sĩ Hàn Quốc tới các hòn đảo còn tranh chấp hồi tháng 7/2016. Tokyo cũng cho biết vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư là “không hề có tiến triển”. Trung Quốc vẫn nhiều lần đưa tàu hải cảnh xâm nhập khu vực này khiến căng thẳng leo thang. Đề cập quan hệ với Nga, Sách Xanh nhắc lại thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh tháng 12/2016 thúc đầy giải quyết các bất đồng nhằm hướng tới việc ký kết một hiệp định hòa bình, bao gồm cả tranh chấp về lãnh thổ. Tuy nhiên, Sách Xanh không đề cập tới hướng giải quyết vấn đề này.
Năm 2018, Bộ Ngoại giao Nhật Bản (25/5/2018) công bố Sách xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2018, trong đó tập trung đề cập tới môi trường an ninh chung quanh Nhật Bản và các chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong năm vừa qua. Về quan hệ với Mỹ, Sách xanh ngoại giao Nhật Bản cho rằng, quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hai nước cùng hợp tác chặt chẽ để đối phó vấn đề bán đảo Triều Tiên. Sách xanh ngoại giao Nhật Bản cho rằng, chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã gây ra mối đe dọa cấp bách và nghiêm trọng nhất từ trước tới nay đối với an ninh, hòa bình của Nhật Bản và quốc tế. Về quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc, Nhật Bản nhận định, quan hệ hai nước đã có những cải thiện thông qua hàng loạt cuộc đối thoại cấp cao, cũng như các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Về quan hệ Hàn – Nhật, Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản tiếp tục thể hiện khuynh hướng xem nhẹ Hàn Quốc, tương tự như bài phát biểu năm nay của Thủ tướng Shinzo Abe đã xóa cụm từ “Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng nhất, cùng chia sẻ lợi ích chiến lược”.Đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ Nhật-Trung thời gian qua, Nhật Bản nhận định quan hệ hai nước đã có những cải thiện thông qua hàng loạt cuộc đối thoại cấp cao, cũng như các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Do đó, Nhật Bản cho rằng hai nước cần phát triển quan hệ song phương trở thành mối quan hệ ổn định và hợp tác hữu hảo dựa trên quan điểm vì đại cục. Ngoài ra, Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cho rằng “biển Nhật Bản” là tên gọi duy nhất được công nhận theo điều luật quốc tế.