Monday, November 18, 2024
Trang chủĐàm luậnMột thập kỷ đầy rẫy bất ổn ở Biển Đông (Phần 1)

Một thập kỷ đầy rẫy bất ổn ở Biển Đông (Phần 1)

Ngày 07/5/2019 đánh dấu tròn 10 năm ngày Trung Quốc chính thức công khai yêu sách phi lý theo “đường chín đoạn” ở Biển Đông, biến khu vực vốn đã có nhiều “sóng gió” do các tranh chấp biển đảo trở thành một trong những điểm nóng của thế giới, đưa đến hàng loạt bất ổn mới và nguy cơ xung đột vũ trang hiện hữu không chỉ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực mà cả với các nước ngoài khu vực. Nhìn lại tình hình khu vực Biển Đông 10 năm qua để thấy rõ các tác động tiêu cực to lớn đối với an ninh khu vực do tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua yêu sách phi lý “đường chín đoạn”.

Lịch sử vấn đề

Theo các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước 1982), thời hạn cuối cùng để các quốc gia ven biển thành viên Công ước 1982 nộp báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng[1] của mình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa mở rộng (CLCS) là ngày 13/5/2009.

Nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến vấn đề ranh giới thềm lục địa mở rộng, trong các ngày 06/5/2009 và 07/5/2009, Việt Nam và Ma-lai-xia đã đệ trình báo cáo chung giữa hai nước cũng như báo cáo riêng của Việt Nam lên CLCS. Lợi dụng việc này, ngày 07/5/2009, Trung Quốc đã gửi công hàm số CML/17/2009 cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó không chỉ phản đối báo cáo chung thềm lục địa của Việt Nam và Ma-lai-xia, báo cáo riêng mà còn chính thức đưa ra yêu sách “đường chín đoạn”. Trung Quốc nêu trong công hàm CML/17/2009: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở khu vực Biển Đông và vùng nước phụ cận, hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở đó (xem bản đồ đính kèm)”. Đồng thời, Trung Quốc cũng yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc cho lưu hành công hàm số CML/17/2009 tới toàn bộ các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc. Với hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu sách phi lý ”đường chín đoạn” chính thức được ra đời, mở đầu cho một quá trình bất ổn mới ở khu vực Biển Đông.

Hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường chín đoạn”

Bước vào năm 2010, lần đầu tiên các quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đã phải “sửng sốt” trước việc trong trao đổi kín phía Trung Quốc lần đầu tiên đã tuyên bố coi Biển Đông trở thành “lợi ích cốt lõi” của mình, nâng vấn đề Biển Đông ngang với vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan. Điều này được chính Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, bà Hillary Clinton tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí “The Australian” tháng 11/2011. Theo bà Clinton, tháng 5/2010, trong cuộc gặp với ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên quốc vụ, phụ trách đối ngoại của Trung Quốc chính ông Đới là người nói ra điều này và bà đã cho biết phản ứng của mình khi đó là “Tôi đã ngay lập tức trả lời và nói rằng chúng tôi không thể đồng ý với điều đó”[2]. Tuy nhiên, vào thời điểm này, về mặt công khai, các quan chức Trung Quốc không phủ nhận cũng như không bác bỏ quan điểm về việc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình.

Không chỉ dừng ở tuyên bố chính sách, bắt đầu từ năm 2010, Trung Quốc gia tăng quy mô, tính chất các hoạt động đơn phương ở khu vực Biển Đông, gây hấn với toàn bộ các nước trong khu vực[3].

Tháng 5 và 6/2010, đã xảy ra 02 vụ việc khi tàu của lực lượng kiểm ngư và tuần tra của Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển của Indonesia, ngoài khơi đảo Natuna bị tàu Hải cảnh Trung Quốc can thiệp, đe dọa sẽ nổ súng nếu tàu kiểm ngư và tuần tra Indonesia không thả các tàu cá vi phạm. Phía Indonesia đã buộc phải thả các tàu cá Trung Quốc vi phạm.

Năm 2011, ghi nhận việc Trung Quốc đã mở rộng phạm vi gây hấn với các nước, cụ thể là với Philippines và Việt Nam. Với Philippines, tháng 02/2011, tàu Hải quân Trung Quốc đã nổ sung vào 03 tàu cá Philippines hoạt động xung quanh khu vực bãi Cỏ Mây[4], buộc các tàu của Phi-lip-pin rời khỏi khu vực này. Tiếp đó, tháng 3/2011, khi các tàu khảo sát Phi-lip-pin đang tiến hành khảo sát địa chấn ở khu vực Bãi Cỏ Rong[5], 2 tàu tuần tra của Trung Quốc đã đe dọa đâm tàu khảo sát địa chấn và các tàu trên của Trung Quốc chỉ rút lui sau khi Philippines phái tàu chiến đến hỗ trợ. Có chút thay đổi phương thức, tháng 5/2011, tàu ngư chính Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam khi đang hoạt động tại lô 148, 149, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý thuộc miền Trung Việt Nam; tháng 6/2011, tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính, phá hoại cáp của tàu Viking II của Việt Nam khi đang hoạt động ở lô 135-136, nằm trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý phía Nam Việt Nam. Đồng thời, tháng 7/2011, tàu Hải quân Trung Quốc đã truy đuổi, bắt giữ và đánh đập thuyền trưởng tàu cá Việt Nam khi tàu này đang hoạt động tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Năm 2012 đánh dấu một bước chuyển mới trong cả chính sách, chiến lược lẫn biện pháp triển khai trên thực địa của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, trong đó hai sự kiện đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough[6] vốn đang do Philippines kiểm soát và công bố thành lập “Thành phố Tam Sa”, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Trung Sa với diện tích vùng biển trên 2 triệu km2. Phạm vi “quản hạt” của “Thành phố Tam Sa” cũng chính là phạm vi vùng biển phía trong ranh giới yêu sách “đường lưỡi bò” và đặt cơ quan hành chính ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng với đó, tháng 5/2012, lần đầu tiên Trung Quốc phát hành hộ chiếu phổ thông điện tử trong đó có in hình “đường lưỡi bò”[7]. Cũng trong tháng 6/2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Năm 2013, tiếp tục ghi nhận các vụ tàu của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc như Hải cảnh, Hải giám gia tăng mức độ gây hấn và đe dọa đối với các tàu của lực lượng công vụ các nước có liên quan khi các tàu này tiến hành bắt giữ các hoạt động trái phép của ngư dân Trung Quốc trên biển[8] cũng như trấn áp tàu thuyền, ngư dân của các nước khác khi tiến hành hoạt động bình thường trên biển[9]. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Trung Quốc tiến hành chiến thuật bao vây, ngăn cản không cho Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú của mình tại Bãi Cỏ Mây và đưa 3 tàu Hải cảnh xuống hiện diện thường xuyên tại Bãi Luconia của Ma-lai-xia[10]. Cùng với đó, Trung Quốc bắt đầu khởi động việc bồi đắp, xây dựng trái phép 7 cấu trúc mà nước này chiếm giữ trái phép ở Trường Sa[11].

Bất chấp việc quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có bước cải thiện và phát triển tốt, tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và một số lượng lớn tàu hộ tống, kể cả tàu chiến[12] vào hoạt động khoan thăm dò tại vùng biển Việt Nam[13], đưa đến việc “kể từ khi hai quốc gia tái lập quan hệ ngoại giao vào những năm 1990, chưa bao giờ Hà Nội và Bắc Kinh rơi vào tình trạng căng thẳng như hiện nay”[14]. Cùng với việc phản ứng của người dân Việt Nam chống lại Trung Quốc tại một số địa phương khiến Trung Quốc phải đưa công nhân về nước, cũng đã có nhiều lo lắng về việc hai bên có thể ‘cắt đứt quan hệ kinh tế”. Ngày 15/7/2014, Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước trước thời gian dự kiến là 01 tháng.

Đồng thời, trong năm 2014, Trung Quốc đã đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động lấn biển, mở rộng diện tích các vị trí chiếm đóng, xây dựng và phát triển hạ tầng ở Biển Đông với quy mô, tính chất cực kỳ nghiêm trọng[15]. Diện tích mà phía Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép là trên 1400 héc ta, gây hủy hoại nghiêm trọng đến hệ sinh thái ở khu vực Biển Đông và trong những năm qua, Trung Quốc không ngừng củng cố, mở rộng việc xây dựng tại khu vực này.[16]Cùng với đó, kể từ đầu năm 2015, Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa cả trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lắp đặt tên lửa, vũ khí tấn công tiên tiến, hiện đại[17]… làm biến đổi hoàn toàn cục diện trên thực địa có lợi cho Trung Quốc, tạo bàn đạp cho việc tiếp tục mở rộng sự bành trướng của mình ở Biển Đông. Nói về việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự hóa, trong đó có việc tăng cường năng lực cho lực lượng Hải quân, báo cáo nghiên cứu của Thưọng viện Mỹ cho biết từ giai đoạn 2009-2015 (chưa có số liệu 2015-nay), Trung Quốc đã hạ thủy 18 tàu ngầm (dự kiến đến năm 2020 có khả năng Trung Quốc sẽ có tổng số 74 tàu ngầm các lớp khác nhau), 13 tàu tấn công[18]. Thông tin công khai cho thấy, Trung Quốc hiện đã có 02 tàu sân bay hoạt động và đang đóng tàu sân bay thứ 3.

Song song với việc quyết liệt thực hiện các hành động đơn phương trên thực địa, Trung Quốc cũng không ngừng đẩy mạnh “tam chiến pháp” trong vấn đề Biển Đông.[19]Về tuyên truyền, Trung Quốc đã huy động và sử dụng một hệ thống tuyên truyền khổng lồ, tiến hành trên cả kênh chính thống, bán chính thống lẫn phi chính thống thông qua việc cho phát hành nhiều bài viết, phát biểu, kể cả ở cấp cao nhất, biện minh cho hành động của mình, bác bỏ phê phán của cộng đồng quốc tế đồng thời “tố cáo ngược” các nước trong và ngoài khu vực Biển Đông làm phức tạp tình hình. Trung Quốc cũng đã mạnh tay chi cho việc đưa người thành lập và quản lý hàng loạt các viện nghiên cứu đặt tại Mỹ, Châu Âu, qua đó tác động vào học giả và chính giới các nước trong vấn đề Biển Đông[20].

(Còn tiếp)


[1] Điều 76 Công ước 1982 cho phép các quốc gia ven biển có rìa lục địa kéo dài có thể mở rộng thềm lục địa của mình ra ngoài phạm vi 200 hải lý đến phạm vi tối đa 350 hải lý với điều kiện là quốc gia ven biển phải đệ trình báo cáo trong đó chứng minh bằng các số liệu khoa học địa chất về việc rìa lục địa kéo dài. Báo cáo này phải được nộp lên CLCS để xem xét và ra khuyến nghị.

[2] Edward Wong, China Hedges Over Whether South China Sea Is a “Core Interest” Worth War, The New York Times, 31/3/2011.

[3] Các vụ việc nêu dưới đây là những vụ việc được các nước có liên quan công khai, có tính chất nghiêm trọng, thể hiện các bước chuyển trong việc hành xử của Trung Quốc. Số lượng các vụ việc tương tự có thể lớn hơn rất nhiều, song do nhiều lý do khác nhau, các bên liên quan không đưa ra công khai.

[4] Bãi Cỏ Mây nằm cách Palawan, Philippines khoảng 140 hải lý.

[5] Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) là một bãi ngầm có diện tích khoảng 7000km2, trải dài 70 hải lý theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, gồm 2 bãi ngầm Bắc và Nam, nơi rộng nhất khoảng 30 hải lý. Bãi Cỏ Rong nằm trong khu vực có giới hạn bởi vĩ tuyến 120 Bắc và 10o20Bắc, kinh tuyến 1160 và 1180 Đông[5], cách bờ biển Palawan của Philippines khoảng 85 hải lý, cách đảo Bình Nguyên và đảo Vĩnh Viễn (hiện Philippines đang chiếm đóng) khoảng 56 hải lý.

[6] Bãi cạn Scarborogh vốn được Philippines kiểm soát. Tuy nhiên, tháng 4/2012, khi Philippines phát hiện nhiều tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại khu vực này đã tiến hành bắt giữ song việc bắt giữ đã bị các tàu Hải cảnh của Trung Quốc cản phá. Lấy lý do Philippines tăng cường lực lượng tại khu vực này, Trung Quốc đã điều thêm nhiều tàu hải quân, Hải cảnh và dưới sự trung gian của Mỹ, hai bên đạt thỏa thuận rút bớt tàu ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, sau khi Philippines rút các tàu ra khỏi khu vực, Trung Quốc đã cho tàu quay lại chiếm giữ và kiểm soát toàn bộ bãi cạn này từ tháng 6/2012 cho đến nay. Vụ việc này là một trong những nhân tố chính dẫn đến việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài tháng 01/2013..

[7] Mục đích chính của Trung Quốc là nhằm lợi dụng việc các cơ quan chức năng các nước đóng dấu cho phép công dân Trung Quốc nhập, xuất cảnh để từ đó cho rằng các nước “đã thừa nhận yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc”.

[8] Tháng 3/2013, tàu Hải cảnh, cứu hộ Trung Quốc tiếp tục đe dọa, buộc Indonesia phải thả tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ do đánh bắt cá trái phép ở vùng biển của Indonesia.

[9] Tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam, tịch thu và phá hủy tài sản trên tàu cá Việt Nam các tháng 2 và 7/2013.

[10] Bãi Luconia nằm cách bờ biển của Malaysia 84 hải lý.

[11] 7 cấu trúc này có 6 cấu trúc mà Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm của Việt Nam năm 1988 và Đá Vành Khăn Trung Quốc chiếm năm 1995 khi Philippines đang quản lý.

[12] Theo số liệu thống kê của CSIS, số lượng tàu của Trung Quốc tham gia bảo vệ hoạt động trái phép giàn khoan HD 981 là từ 120-140 tàu cá, Hải quân và Cánh sát biển. Phía Trung Quốc cũng đã đâm chìm 1 tàu và làm hư hỏng nhiều tàu công vụ của Việt Nam

[13] Khu vực có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông, cách đất liền Việt Nam khoảng 132 hải lý, cách đảo Lý Sơn khoảng 119 hải lý và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hơn 80 hải lý.

[14] BBC ngày 15/5/2014

[15] Các hình ảnh so sánh về các công trình bồi đắp, xây dựng trái phép trên các cấu trúc ở Trường Sa và Hoàng Sa được Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á đăng và cập nhật liên tục trên trang mạng của mình: www.amti.csis.org

[16] Trung Quốc sử dụng san hô tại chỗ để nghiền thành vật liệu xây dựng dùng để bồi đắp, xây dựng các đảo trái phép.

[17] Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa phòng thủ và tên lửa đất đối không tại các cấu trúc ở Hoàng Sa, Trường Sa bao gồm tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B (tầm bắn trên 400 km) và tên lửa hành trình đất đối không tầm xa HQ-9B (tầm bắn gần 300 km) trên các đảo Vành Khăn, Su-bi và Chữ Thập; đưa máy bay ném bom chiến lược H-6K ra Hoàng Sa; gia tăng hoạt động của các phương tiện ngầm không người lái nhằm thám thính ngầm Biển Đông, triển khai nhiều đợt máy bay tuần tra, trinh sát, thử nghiệm khả năng tác chiến của phương tiện, thiết bị trên các cấu trúc chiếm đóng trái phép ở cả Hoàng Sa và Trường Sa.

[18] Xem thêm tại www.fas.org.

[19] Tam chiến pháp của Trung Quốc bao gồm: i) Chiến tranh tâm lý (Psychological warfare): Tìm cách phá hoi năng lc chiến đu ca đch bng cách ngăn chn, gây hn lon, làm mt tinh thn quân đch cũng như các nhóm ngưi h tr dân s ca đch; ii) Chiến tranh thông tin (Media warfare): ng đến gây nh hưng đi vi ý kiến trong nưc và quc tế đ ng h các hot đng ca quân đi Trung Quc và làm đch th e s không dám hành đng chng li li ích ca Trung Quc; và iii) Chiến tranh pháp lý (Legal warfare): S dng lut pháp quc tế và các nưc đ tranh giành đến mc cao nht hoc xác quyết các li ích Trung Quc. Loi chiến tranh này có th s dng đ ngăn cn không cho k đch t do hot đng và hình thành không gian hot đng cho quân đi Trung Quc. Loi chiến tranh này có th đưc dùng đ gy dng s h tr quc tế và qun lý nhng hu qu có th xy ra đi vi quân đi Trung Quc.

[20] Kể từ 2009 cho đến nay, Trung Quốc đã tự tổ chức hoặc đồng tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo quốc tế và hình thành hàng chục viện nghiên cứu nhằm “quảng bá và biện minh” cho chính sách và hoạt động đơn phương của mình ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới