Những động thái gần đây của Trung Quốc tiếp tục nhận nhiều chỉ trích từ các nước, đặc biệt là Mỹ.
Ảnh minh họa: REUTERS
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo
Phát biểu tại miền bắc Phần Lan trong cuộc họp với các nước có vùng lãnh thổ ở Bắc Cực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cần phải giám sát chặt chẽ hơn hoạt động có mục đích quân sự của Trung Quốc và những động thái của Nga – bao gồm mở những kênh hàng hải mới từ Châu Á sang Châu Âu – trong khu vực này.
“Mỹ và các quốc gia Bắc Cực rất mong muốn được đón nhận những khoản đầu tư kinh tế minh bạch của Trung Quốc, chứ không phải những ý định an ninh quân sự,” ông Pompeo nói.
Hiện tại, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã và đang khiến lớp băng khổng lồ ở Bắc Cực tan ra, làm lộ rất nhiều những mỏ dầu, mỏ khoáng sản đáng giá như nhôm, sắt, các kim loại hiếm trong lòng đất và chưa kể tới lượng hải sản dồi dào chưa được khai thác.
Các quốc gia lớn, bao gồm Nga và Trung Quốc, đã tăng cường hiện diện tại khu vực Bắc Cực trong thời gian gần đây – ông Pompeo cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Mỹ sẽ có động thái tương tự để kiểm soát hoạt động của các nước tại Bắc Cực.
“Khu vực này đã trở thành nơi tập trung và cạnh tranh của các cường quốc. Nhưng việc Bắc Cực là một vùng hoang vu không có nghĩa rằng không cần pháp luật tại đây.
Hoạt động hung hăng của Trung Quốc trên khắp thế giới sẽ phản ánh chiến lược của Bắc Kinh tại Bắc Cực. Tuần trước, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tận dụng hoạt động nghiên cứu dân sự ở Bắc Cực để gia tăng hiện diện quân sự. Bắc Kinh đã điều tàu ngầm có khả năng chặn tấn công hạt nhân tới đây,” ông Pompeo tuyên bố.
Sau đó, ông Pompeo dẫn lại những ví dụ về việc các nước bị mắc kẹt trong bẫy nợ, tham nhũng, đầu tư kém chất lượng, bị Trung Quốc quân sự hóa và khai thác cạn kiệt không kiểm soát các loại tài nguyên thiên nhiên.
“Chúng ta có muốn Bắc Cực trở thành một Biển Đông phiên bản mới, với vô số khí tài quân sự và cạnh tranh chủ quyền lãnh thổ hay không?” – ông Pompeo đặt ra câu hỏi.
Định nghĩa “lạ” của Trung Quốc
Trong khi Mỹ và Nga là các nước thành viên của Hội đồng Bắc Cực, Trung Quốc chỉ có vai trò là quan sát viên.
Lấy dẫn chứng rằng điểm cực bắc của Trung Quốc cách Bắc Cực tới 1.450 km, ông Pompeo mỉa mai nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đặt ra định nghĩa “Quốc gia gần Bắc Cực” cho Trung Quốc.
“Chỉ có Quốc gia Bắc Cực và Quốc gia Không thuộc Bắc Cực. Không thể có định nghĩa thứ ba, và định nghĩa của Trung Quốc chẳng có nghĩa lý gì cả,” ông Pompeo nói.
Theo ông Pompeo, Bắc Kinh đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào khu vực – gần 90 tỉ USD trong khoảng năm 2012 và 2017 – và có ý định hưởng toàn bộ lợi nhuận từ đường hàng hải Biển Bắc.
Tàu biển đi qua tuyến đường này có thể cắt giảm một khoảng thời gian lớn để di chuyển giữa Thái Bình Dương và biển Atlantic. Gần đây, băng tan đã khiến hoạt động của tàu biển ở đây ngày càng dễ dàng hơn.
Ông Pompeo cho rằng Trung Quốc muốn bổ sung tuyến đường Biển Bắc vào dự án Con đường Tơ lụa mới. Đây là chương trình đầu tư mà một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, coi là nỗ lực nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Gao Feng, đại biểu đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Bắc Cực, phản ứng: “Ông Pompeo nói rằng đây là cuộc đua quyền lực. Vậy hãy xem ai sẽ có nhiều đồng minh hơn”.
Cũng trong bài nói, ông Pompeo chỉ trích “hành động gây hấn” của Nga, nói Moskva muốn tái quân sự hóa khu vực.
“Nga đã để lại dấu chân trên tuyết dưới hình dạng vết giày của quân đội,” ông Pompeo nói.
Dưới thời tổng thống Vladimir Putin, Moskva đã tăng cường hoạt động ở Bắc Cực, mở lại một số căn cứ đã bị bỏ hoang từ sau khi Liên Xô tan rã.
Những tuyên bố gay gắt của ông Pompeo được đưa ra chỉ vài phút trước khi ông có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để bàn luận về căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ – Nga về vấn đề Venezuela, và một số vấn đề khác.
Cả hai đã mỉm cười và bắt tay trước truyền thông, nhưng từ chối trả lời câu hỏi về tính chất và nội dung của cuộc đối thoại.
Cuối cùng, ông Pompeo nói Mỹ “đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự, củng cố sự hiện diện của quân đội, tái cơ cấu lại hạm đội tàu phá băng, và mở rộng quỹ Tuần duyên Hoa Kỳ”.