Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ nghi ngờ TQ gây sức ép về đàm phán Bộ Quy...

Mỹ nghi ngờ TQ gây sức ép về đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Vụ An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương Randall Schriver (26/4) kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục theo đuổi đàm phán một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) có ràng buộc pháp lý đối với hành động của các nước liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, đồng thời nhận định Trung Quốc có khả năng tìm cách lái cuộc đàm phán COC theo ý của Bắc Kinh.

Phát biểu với báo chí trước khi ông gặp Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong, ông Randall Schriver cho biết, Trung Quốc có khả năng đang mưu tính gây sức ép và tìm cách lái cuộc đàm phán COC theo ý của Bắc Kinh; đồng thời thúc giục 10 thành viên các nước ASEAN tiếp tục theo đuổi đàm phán COC có ràng buộc pháp lý đối với hành động của các nước liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông; khẳng định phải có một bộ COC ràng buộc như thế mới “phù hợp với các luật lệ và thông lệ quốc tế hiện hành”.

Theo ông Randall Schriver, “cách Trung Quốc hành xử giống như họ không tham gia vào việc tuân hành luật lệ quốc tế một cách nhất quán, cho nên chúng ta có sự nghi ngờ về những điều kiện họ muốn có ở trong COC”. Ông Schriver cho hay dù Mỹ nghi ngờ động cơ của Trung Quốc trong khi tham dự đàm phán, song Washington vẫn tin một Bộ COC có thể là cơ chế để cải thiện an toàn trong khu vực tranh chấp; đồng thời khẳng định Mỹ không tham gia vào việc soạn thảo COC.

Được biết, ngày 6/8/2017 ở Manila, Ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN đã thông qua dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Dự thảo khung này trước đó đã được thông qua trong Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) ở Quý Dương, Trung Quốc ngày 19/5/2017. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã gọi dự thảo khung là “một văn kiện quan trọng vì theo nghĩa nào đó nó đại diện cho sự đồng thuận và quan trọng hơn là, một cam kết nhân danh 10 nước ASEAN và Trung Quốc để tạo tiến triển cho vấn đề kéo dài từ lâu này”. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, dự thảo khung “đem lại sự ổn định cho vấn đề này, thể hiện một động lực tích cực. Điều này cho thấy mong muốn chung của chúng ta là bảo vệ hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông”. Tuy nhiên, đáng ngại hơn, Vương Nghị tiếp tục nói rằng các đàm phán đáng kể về nội dung của bộ quy tắc sẽ chỉ có thể bắt đầu nếu “không có sự phá hoại lớn từ các bên bên ngoài”, một lời ám chỉ úp mở về Mỹ, nước mà Trung Quốc luôn cáo buộc là “can thiệp” vào cuộc tranh chấp.

Việc ASEAN và Trung Quốc thông qu dự thảo khung COC đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán trong sắp tới. Phát biểu tại Singapore trước lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (13/11/2018) cho biết Trung Quốc muốn hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông trong vòng 3 năm nữa (năm 2021), nhằm góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông; cho rằng COC cũng sẽ có lợi cho tự do thương mại và phục vụ lợi ích của các bên khác liên quan, đồng thời cam đoan nước này không tìm kiếm “quyền bá chủ hoặc bành trướng”.

Truyền thông quốc tế nhận định, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề cập đến nghị trình rõ ràng hơn nhằm tiến tới hoàn tất COC. Tuy nhiên, dù Thủ tướng Lý Khắc Cường lên tiếng cam đoan Trung Quốc không tìm kiếm quyền bá chủ hoặc bành trướng ở Biển Đông, nhưng giới phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc thời gian qua gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nước trong khu vực. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ John Bolton (13/11/2018) cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến COC giữa Trung Quốc – ASEAN cũng không nên kèm điều khoản giới hạn quyền tiếp cận vùng biển này; đồng thời lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đã tìm cách kéo dài đàm phán qua nhiều năm để xây dựng các tiền đồn quân sự khắp Biển Đông.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định, ít khả năng sẽ có COC trong 3 năm tới, chủ yếu là do lập trường giữa các nước ASEAN và Trung Quốc vẫn còn nhiều khác biệt. Chen Xiangmao, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông mà Trung Quốc lập ra, có trụ sở tại đảo Hải Nam, nói rằng các cuộc đàm phán về COC trong năm 2019 sẽ tập trung vào các vấn đề cơ bản như phạm vi địa lý áp dụng COC cũng như việc bộ quy tắc này có tính ràng buộc chính trị hay pháp lý. Liu Feng, một học giả khác ở Hải Nam, Trung Quốc, tin rằng Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách ngăn cản sự tham dự của các quốc gia “ngoài khu vực Biển Đông” vào tiến trình đàm phán COC, đặc biệt là Mỹ.

Giáo sư Carlyle A.Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) cho rằng Trung Quốc sẽ tận dụng cuộc đàm phán COC với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy phát triển chung ở Biển Đông với Việt Nam và Malaysia sau khi đạt thỏa thuận với Brunei và Philippines. Trong khi đó, về việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường muốn hoàn tất đàm phán về COC trong vòng 3 năm, ông Thayer nhận định đưa ra thời hạn này cho thấy Trung Quốc không vội vã hoàn tất đàm phán về COC. Tương tự, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đánh giá việc đưa ra thời hạn 3 năm là cách Trung Quốc trì hoãn để có thể tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông. Ông cho rằng nếu trong 3 năm mà cảm thấy chưa kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ đưa ra thời hạn 3 năm khác.

Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), dự đoán đàm phán về COC sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2019, nhưng một số bên vẫn thực hiện những điều họ làm lâu nay như quân sự hóa hoặc phô diễn sức mạnh quân sự. Không nhiều khả năng sẽ có một thỏa thuận có thể buộc bất kỳ bên nào kiềm chế hoạt động như thế trong lúc đàm phán về COC diễn ra. Tuy nhiên, những nước lớn như Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ kiềm chế để tránh đẩy căng thẳng vượt tầm kiểm soát.

RELATED ARTICLES

Tin mới